Mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện dòng chia sẻ của thầy giáo Lê Quốc Châu – Giáo viên giảng dạy môn Địa lý – Trường THPT Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang- Hà Tĩnh hỏi 99 học sinh về ngày 14/3/1988 là sự kiện gì, chỉ duy nhất một học sinh trả lời là ngày thảm sát Gạc Ma. Thầy Châu đã cho học sinh trả lời đúng câu hỏi này 10 điểm.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với thầy Lê Quốc Châu về cuộc khảo sát nhỏ nhưng ý nghĩa này.
Là một giáo viên chuyên Địa nhưng thầy lại hỏi học sinh về sự kiện ngày 14/3/1988 trong buổi dạy môn Địa lý. Thầy suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Thầy Lê Quốc Châu: Giờ giảng của tôi đúng ngày đặc biệt này, khi tôi dạy ở 3 lớp: 12A2 (34 học sinh), 12A6 (33 học sinh), 12A7 (32 học sinh). Trước khi vào bài học, tôi viết ngày 14/3/1988 lên bảng hỏi học sinh, các em có biết ngày 14/3/1988 là sự kiện gì trong lịch sử dân tộc ta? Mỗi em có một ý kiến khác nhau.
Em thì bảo rằng, đó là kỷ niệm 1 tháng ngày Lễ tình nhân, em thì bảo rằng, đó là ngày Valentine trắng.. Chỉ duy nhất 1 học sinh biết đó là ngày thảm sát Gạc Ma. 1/99 học sinh biết sự kiện lịch sử này, chiếm tỉ lệ 1,01%. Tôi đã cho em học sinh biết đến sự kiện Gạc Ma này 10 điểm. Sau đó thầy trò cùng dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã hi sinh trong trận hải chiến dành lại biển đảo cho quê hương.
Học sinh cần biết về lịch sử dân tộc, đặc biệt sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ của chúng ta trên đảo Gạc Ma và chúng chiếm biển đảo, chiếm đi một phần máu thịt của Tổ quốc ta, mà chính ngày này đã diễn ra cách đây 28 năm về trước.
Thầy Lê Quốc Châu luôn hướng học sinh về biển đảo thiêng liêng. |
Chỉ duy nhất 1 học sinh biết đó là trận hải chiến Gạc Ma và thầy đã cho em học sinh này 10 điểm. Vì sao thầy lại cho em ấy 10 điểm ở lĩnh vực không phải mình giảng dạy?
Thầy Lê Quốc Châu: Em Lê Chí Trung lớp 12A2, trường THPT Cù Huy Cận, là học sinh duy nhất trong 3 lớp tôi dạy sáng hôm qua biết ngày 14/3/1988 là ngày thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc chiếm đóng đảo Gạc Ma.
Em là trường hợp đặc biệt, trong một ngày đặc biệt, trả lời đúng một sự kiện đặc biệt nên tôi đã cho em 10 điểm. Đó là sự ghi nhận, khuyến khích các em tìm hiểu về truyền thống yêu nước của cha ông ta và các sự kiện lịch sử của dân tộc ta đã diễn ra trong quá khứ.
Chỉ có 1/99 học sinh biết sự kiện lịch sử, chiếm tỉ lệ 1,01%. Theo thầy, điều này có đáng lo ngại về kiến thức lịch sử của học sinh lớp 12 hiện nay?
Sau khi tôi cho em học sinh nói đúng sự kiện Gạc Ma 10 điểm, tôi đã dành mấy phút nói về sự kiện đúng vào ngày này của 28 năm trước. Các em không thể biết được những sự thật lịch sử khi sách giáo khoa lịch sử của chúng ta chưa dành nội dung, thời lượng đúng cho cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới, cũng như cuộc chiến bảo vệ biển đảo hôm nay.
Đã đến lúc chúng ta cần đưa những sự kiện Trung Quốc chiếm biển đảo vào trường học, từ việc chiếm đảo Hoàng sa năm 1974, Gạc Ma năm 1988. Đó không những giáo dục truyền thống mà giáo dục lòng yêu nước nồng nàn của cha ông ta, dân tộc ta cho thế hệ tương lai.
Tôi cũng rất bất ngờ về kết quả này nhưng nó phản ánh đúng thực trạng viết sử, dạy và học lịch sử trong nhà trường hiện nay. Tôi nghĩ không riêng gì giáo viên Lịch sử, mà tất cả những giáo viên khác, trong phần liên hệ, trong phần tích hợp kiến thức liên môn cần tăng cường giáo dục truyền thống, uống nước nhớ nguồn cho học sinh.
Bây giờ bộ giáo dục đào tạo chủ trương dạy tích hợp liên môn. Giáo viên ngoài kiến thức bộ môn mình ra, còn phải trang bị nhiều kiến thức liên môn khác nên nội dung tôi hỏi học sinh không có gì là lạ, là trái quy định cả. Với lại, bộ môn Địa lý cũng có một phần kiến thức về biển Đông, trong đó rất cần liên hệ đến nhiều kiến thức lịch sử.
Xin cảm ơn thầy!