Cư Dân Mạng

Sử dụng Zalo, người dùng có nguy cơ lộ thông tin cá nhân

Lộ thông tin cá nhân qua smartphone không còn là nỗi lo mơ hồ nữa mà đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự về sự bảo mật thông tin người dùng ở mạng xã hội Zalo đang phát triển như “vũ bão” gần đây.

Từ khi ra đời, Zalo đã nhanh chóng chinh phục cộng đồng mạng – những người sử dụng ứng dụng OTT (Over The Top), trong đó có cả thanh thiếu niên, trung niên thậm chí là lão niên. Bởi lẽ, Zalo “hội tụ” khá đầy đủ những tính năng chính của một số ứng dụng nổi tiếng như Facebook, Viber, Wechat…

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua với các mạng xã hội khác, với ưu thế được quảng cáo “thuần Việt” mạng xã hội Zalo đã nhanh chóng thu hút số lượng người dùng tăng ồ ạt. Và từ đây, những bế tắc và “ẩn họa” của Zalo cũng đã dần bộc lộ những điểm yếu chết người.

Đó không chỉ là sự bế tắc trong việc quản trị nội dung toàn bộ mạng xã hội của Zalo mà còn ở chỗ việc xây dựng những ứng dụng cho di động, máy tính của Zalo cũng vi phạm nhiều đến bảo mật, an ninh mạng, từ đó có nguy cơ lộ thông tin cá nhân, thất thoát dữ liệu của người dùng nhất là người dùng thuộc các khối cơ quan chính phủ, an ninh, quốc phòng, doanh nghiệp…

Tâm lý chung của người sử dụng điện thoại di động là muốn bảo mật vị trí hiện tại của mình nhưng với chức năng “Tìm kiếm quanh đây”, Zalo “vô tình” khiến không chỉ người sử dụng mà cả đối tượng thân cận của người sử dụng cảm thấy bất an.

Theo chuyên gia công nghệ, với chức năng này, người sử dụng phải bật chế độ định vị để xác định vị trí của mình, khi đó Zalo sẽ quét được toàn bộ người lạ ở xung quanh từ vài mét đến vài kilomet. Đây là tính năng không còn xa lạ với các ứng dụng chat của Trung Quốc. Tuy nhiên, Zalo lại mặc định bật chế độ này khi ứng dụng chạy trên di động khiến bất kỳ ai sử dụng cũng bị lộ vị trí cá nhân khi chức năng định vị của di động được bật.

Từ đó, có những câu chuyện “dở khóc dở cười” với những người mới sử dụng Zalo.Theo đó, rất nhiều hình ảnh đồi trụy từ những nickname “trời ơi đất hỡi” gửi tới inbox của họ, xen lẫn cả những lời mời gọi “gợi tình” công khai khiến họ không khỏi giật mình.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên Zalo là bạn dễ dàng bắt gặp những hình ảnh phản cảm này.

Nguyễn Lan Hương –học sinh lớp 10 của một trường THPT của Ninh Bình đã từng mếu máo khi kể lại câu chuyện bị một nickname thường xuyên gửi hình sex và đòi quan hệ mà kỳ thực Hương không biết đó là ai.

Suốt một thời gian dài, có không ít bài báo về những đường dây gái gọi, trai bao hình thành qua tính năng này của Zalo. Đó là một “mặt tối” không ai phủ nhận.

Phải kể đến là những bài viết như: “Zalo bị biến thành ổ mại dâm di động”, “Đường dây bán dâm cực lớn qua Zalo, Facebook”, “Môi giới mại dâm qua Internet, Zalo… trở nên phổ biến”, “Quả đắng mại dâm trên mạng”, “Mại dâm “gái gọi” qua Zalo, Facebook… có xu hướng gia tăng”, “Gái gọi Zalo: Nhanh – rẻ – nhiệt tình và nhiều bệnh xã hội”… cùng với đó là hàng loạt các vụ gái gọi Zalo bị cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội bắt giữ.

Tuy nhiên cho đến nay, nhà cung cấp dịch vụ Zalo dường như vẫn “bình chân như vại” trước Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT của bộ Thông tin và Truyền thông ngày 19/8/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

Trong khi đó, Bigo Live vừa mới nổi lên ở thị trường Việt Nam với tính năng live stream hình ảnh sex của các “diễn viên” đã thu hút sự chú ý nhưng nhanh chóng bị các nhà quản lý tập trung xử lý. Sau đó, đại diện của Bigo Live tại Việt Nam đã cam kết sẽ kiểm duyệt nội dung và các tài khoản của Bigo Live khi mới chớm “diễn sâu” đã nhanh chóng bị khóa nick.

Người viết đã từng thử sử dụng tính năng “Tìm kiếm quanh đây” của Zalo tìm bạn chát và chỉ cần chọn hiển thị giới tính nữ, gần như ngay lập tức xuất hiện nhan nhản danh sách “gái gọi” hiện ra trước mắt. Hầu hết các cô đều đưa những hình ảnh “mát mẻ” lên và có ghi số điện thoại rõ ràng, kèm theo là dòng chữ “em đang cần tiền”, “em là sinh viên đang cần tiền đóng học phí”, “ai có nhu cầu xxx thì liên hệ em”, “em đang cần tiền về quê, mong các anh giúp em”… Thậm chí, nhiều cô còn cho địa chỉ nhà nghà nghỉ, số phòng để khách mua dâm tiện liên hệ.

Đó là một trong số rất ít câu chuyện phóng viên thu lượm được liên quan tới chức năng “Tìm kiếm quanh đây” được quảng cáo đình đám của Zalo.

Đứng trước những nguy cơ ấy, người dùng cần có thái độ như thế nào? Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc…

Hải Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP