>> Sóng ngầm nơi “trái tim kinh tế” Vũng Áng: Trắng tay sau giấc mơ tỷ phú
Bán không được, đóng cửa không xong
Cho đến thời điểm này, V.I.P – với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, 3 tầng, gồm 18 phòng hát, hệ thống âm thanh nhập ngoại… – vẫn là khu karaoke được đầu tư quy mô, hoành tráng bậc nhất nằm bên ngoài hàng rào của dự án Formosa.
“Chỉ cần cho chúng em đúng 2 năm như những ngày đầu V.I.P khai trương, chắc chắn ông chủ của bọn em sẽ thu hồi được vốn”- anh Luật, người trông coi khu giải trí này tỏ ra nuối tiếc về những ngày huy hoàng ngắn ngủi của quán karaoke V.I.P.
Khu karaoke được đầu tư bài bản bậc nhất ở khu kinh tế Vũng Áng, cách Formosa chưa đầy 500m, hiện đã phải đóng cửa vì không có khách.
Theo anh Luật, khách đến giải trí tại đây vốn đều là khách hạng sang, đến từ nhiều quốc gia. Trước đây ở thời hoàng kim, nhiều thời điểm quán quá tải, thường xuyên phải từ chối không nhận thêm khách. Do khách luôn kín phòng nên trung bình mỗi ngày quán cho tổng doanh thu xấp xỉ 60 triệu đồng, mỗi tháng có tổng thu khoảng 1,7 tỷ đồng.
Bà Đoàn Thị Mỹ – Trưởng phòng Văn hóa thị xã Kỳ Anh thông tin: “Hiện tại, toàn thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế có 63 nhà nghỉ và khách sạn.
Sau những sự cố về môi trường và những tin đồn thất thiệt liên quan đến môi trường thì tất cả các hoạt động của nhà hàng, khách sạn, quán karaoke đều vắng khách, doanh thu giảm đến 70%.”
Thế nhưng, anh Luật cho biết chuỗi ngày ăn nên làm ra đó chỉ kéo dài được chừng 4 tháng. Sau biến cố xô xát giữa công nhân Việt Nam và công nhân Trung Quốc xảy ra vào tháng 5/2015, khu giải trí này bắt đầu rơi vào khó khăn khi khách lui tới giải trí thưa thớt dần.
Từ chỗ hoạt động hết công suất tạo nguồn thu khủng, quán chỉ còn khai thác chưa đầy 50% số phòng. Do những biến động từ Formosa, nhiều dự án bị đình trệ, nguồn thu giảm nên lượng khách đến với quán giảm đáng kể.
Vắng khách, nguồn thu không đủ chi, chủ đầu tư buộc phải cho các nhân viên nghỉ việc. “Các ông chủ chỉ giữ lại mỗi mấy anh em, vừa làm bảo vệ, vừa là nhân viên kỹ thuật. Cứ vài ngày bọn em lại phải bật các phòng hát để tránh tình trạng hư hỏng khi không được sử dụng thường xuyên”- Luật nói.
Anh Luật cũng cho biết, hiện các ông chủ đang rao bán khu giải trí này để gỡ lại phần nào vốn đầu tư nhưng rao đã lâu mà không ai muốn mua.
Cùng chung cảnh bi đát là ông chủ khách sạn Vinh Đạt đóng tại xã Kỳ Phương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Để xây khách sạn có tổng cộng 51 phòng nghỉ này, anh Đường Văn Duy, nhà đầu tư đến từ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã phải bỏ ra hơn 15 tỷ đồng. Nhờ vị trí xây dựng rất đắc địa, sát quốc lộ 1A, nằm giữa hai cổng chính và cổng phụ phía nam của dự án Formosa, nên khách sạn Vinh Đạt có nhiều thuận lợi để đón khách.
Thực tế “quả ngọt” đến rất sớm với anh Duy. “Ngay sau khi xây dựng, khu khách sạn này đã được hai nhà thầu thi công tại Formosa là công ty MCC20 thuê hẳn làm văn phòng, đồng thời là chỗ ở của cán bộ, nhân viên viên với hợp đồng trọn gói 2 năm”- anh Duy nói.
Khách sạn Vinh Đạt ở phường Kỳ Liên gồm 51 phòng rơi vào cảnh kinh doanh thê thảm suốt 2 năm nay. Theo chủ khách sạn, dù đã rao bán nhiều lần, nhưng không có ai mua.
Nhưng quả ngọt ấy mới chỉ giúp anh gỡ gạc được phần nào về vốn đầu tư, còn lại hơn hai năm nay vợ chồng anh hết sức khốn đốn với khu khách sạn này.
“Từ ngày hai công ty kia hết hợp đồng, anh xem cả khu khách sạn gần 51 phòng này không hề có khách, chỉ thi thoảng có khách lẻ ghé thuê. Họ thuê nghỉ theo giờ, theo đêm, giá chỉ một vài trăm ngàn đồng, đến tiền điện, tiền nước cũng không đủ, nói chi đến gom góp trả nợ đầu tư hàng tỷ đồng” – anh Duy thở dài ngao ngán.
Quá khó khăn, anh Duy đã nhiều lần rao bán khu khách sạn này. “Có lần họ trả tôi 11 tỷ, tôi không bán, giờ thì rao giá 7 tỷ cũng nỏ có ai mua. Bán không được, đóng cửa cũng không xong vì nếu đóng cửa phòng ốc, điều hòa sẽ hỏng hết. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi phải cố vay mượn để trả nợ, duy trì khổ sở như thế này. Từ một ông chủ, suốt nhiều tháng nay tôi kiêm luôn bảo vệ” – anh buồn bã nói. Rồi anh Duy buồn lo: “Nếu mọi chuyện không thay đổi, chắc chũng tôi sẽ phá sản”.
Anh Đường Văn Duy, chủ khách sạn Vinh Đạt: “Từ một ông chủ, suốt nhiều tháng nay tôi kiêm luôn bảo vệ”.
Còn quá nhiều câu chuyện bi đát, trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản của các chủ khách sạn, khu vui chơi giải trí ăn theo các dự án khủng tại Khu công nghiệp Vũng Áng. Chỉ cần chạy xe dọc theo Quốc lộ 1A từ trung tâm thị xã Kỳ Anh vào tới phường Kỳ Nam đã rất dễ dàng bắt gặp vô số nhà nghỉ, khách sạn phải đóng cửa, hoặc treo biến bán, nhiều tổ hợp khách sạn thương mại phải ngừng xây dựng. Hầu hết đang ngắc ngoải…
Chủ nhà trọ: “Chúng tôi cũng nợ đầm đìa”.
Không chỉ khách sạn, nhà hàng, các khu giải trí, mà hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực thuộc khu kinh tế Vũng Áng cũng đang méo mặt, lao đao khi các khu nhà trọ mà họ đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng đang rơi vào cảnh vắng bóng người thuê.
Kỳ Liên là một trong những phường nằm ở khu vực trung tâm của KKT Vũng Áng. Cũng vì thế, theo ông Trần Xuân Hòa – Bí thư kiêm Chủ tịch phường – cho biết, khi triển khai dự án Formosa, với hàng vạn lao động từ khắp nơi đổ về, người dân đổ xô xây dựng nhà trọ.
“Toàn phường có hơn 460 hộ đầu tư xây dựng phòng trọ, hộ ít thì 4 phòng, hộ nhiều khoảng 10 phòng. Thời gian đầu, công nhân nhà thầu phụ đông, nhu cầu thuê ở rất lớn nên hầu hết các khu nhà trọ đều kín phòng. Với giá bình quân 1 phòng dao động từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể, có hộ thu lên đến vài chục triệu đồng/tháng” – ông Hòa nói.
Những khu nhà trọ vắng tanh như thế này xảy ra ở nhiều phường nằm ngay sát khu công nghiệp của Formosa.
Thế nhưng, như ông Hòa cho biết, đến thời điểm này, công nhân nhà thầu phụ rút khỏi địa bàn, còn công nhân nhà máy thì ở trong khu nhà ở của công ty, nên hơn 90% phòng trọ trên địa bàn phường vắng bóng người thuê. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần vì đầu tư quá lớn.
Một trong hàng trăm hộ dân như thế tại phường Kỳ Liên là vợ chồng anh Tại, chị Sâm ở tổ dân phố Liên Phú. Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu nhà trọ hơn 20 phòng cửa đóng then cài, chị Sâm buồn bã cho biết, 3 năm trước cùng với số tiền gom góp lâu nay vợ chồng chị vay mượn thêm gần 900 triệu xây khu nhà trọ này. Không nghề nghiệp, tất cả chuyện học hành của các con, cuộc sống hàng ngày của gia đình trông cả vào tiền thuê trọ của công nhân. Nhưng không như kỳ vọng của chị, khu nhà trọ chỉ kín phòng được một năm thì xảy ra vụ xô xát tại công trường Formosa.
Chị Sâm buồn bã dẫn phóng viên đi xem khu nhà trọ vắng bóng người thuê đã vài năm nay.
“Công trường không ồ ạt xây dựng như trước, công nhân thuê trọ cũng rút đi hết. Treo biển mời gọi, giảm giá phân nửa, nhưng không có ai thuê, vợ chồng chị buộc phải đóng cửa. Lâu rồi không có ai thuê, nên các phòng ẩm mốc, xuống cấp xót lắm”- chị Sâm rầu rĩ nói.
Cách chừng mấy bước chân khu nhà trọ của chị Sâm là dãy phòng trọ vắng tanh của gia đình ông Phan Văn Trị. Ông Trị cho biết, gia đình ông đầu tư vào đây hơn 350 triệu đồng nhưng chưa thu hồi được phân nửa vốn thì công nhân thuê trọ lần lượt rút đi. Giờ không có khách ông mang nợ đầm đìa.
Dãy phòng trọ khá khang trang sạch sẽ nhưng không có người thuê.
Không chỉ tại phường Kỳ Liên mà hiện nay, phần lớn các hộ kinh doanh phòng trọ tại các phường khác thuộc thị xã Kỳ Anh cũng rơi vào tình cảnh phòng bỏ trống, vắng khách thuê. Thống kê của Chi cục Thuế thị xã Kỳ Anh, tại địa bàn KKT Vũng Áng có trên 590 hộ xây dựng khu phòng trọ (không tính các hộ sở hữu số phòng nhỏ lẻ) để phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động làm việc cho các nhà thầu của Formosa. Tuy nhiên, đến nay đã có 443 khu trọ (chiếm 75%) không còn người ở, phải bỏ không.
Văn Dũng – Tiến Hiệp