Kinh tế

‘Sếp’ Nhiệt điện Vũng Áng 1: ‘3 năm xin giấy phép nhận chìm vật chất xuống biển vẫn chưa xong’

Ông Nguyễn Trọng Thạch, Phó giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, cho biết việc nạo vét luồng lạch, cảng biển đang là vấn đề “đau đầu” nhất của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1

Theo ông Thạch, cảng biển phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 được thiết kế để đón tàu có trọng tải 30.000 tấn, thậm chí cảng này từng đón tàu có trọng tải tới 35.000 tấn, tuy nhiên qua vài năm sử dụng, cảng đã bị bồi lắng. Đến nay, cảng chỉ đón được tàu có trọng tải 24.000 tấn trở xuống.

Do đó, đã nhiều lần, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh xin được nạo vét luồng lạch để nâng công suất khai thác cảng biển song chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.

“Nạo vét đi liền với nhận chìm vật chất xuống biển, để có giấy phép nhận chìm, chúng tôi làm đến 3 năm trời mà chưa xong, đã đem ra hội đồng đánh giá có 2 ủy viên trung ương mà các bác cũng đang cân nhắc”, ông Thạch nói.

Ông Thạch cho rằng việc nhận chìm vật chất nạo vét luồng lạch, cảng biển xuống biển là việc bình thường. “Cái này là vật chất của biển thì trả lại cho biển, nhà máy không phát sinh bất kỳ vật cất nào khác, nhưng lại yêu cầu phải có giấy phép. Giấy phép chỉ là thủ tục hành chính, vì đây chỉ là việc múc chỗ này đổ chỗ kia, không có giấy phép thì vẫn là múc chỗ này đổ chỗ kia, nhưng doanh nghiệp thì khốn khổ cực kì với chuyện xin giấy phép”.

Vị Phó giám đốc của Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh cũng chia sẻ thẳng thắn rằng vị trí nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 nằm gần kề Formosa Hà Tĩnh (FHS) nên đây là khu vực nhạy cảm.

“Lẽ ra đã được rồi nhưng họ nói biển đang thời kì phục hồi sau sự cố nên phải đưa vật chất đi nhận chìm ở vị trí xa hơn, nhưng xa hơn thì sẽ làm chi phí tăng lên rất lớn”, ông Thạch cho hay.

Một góc cầu cảng của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1

Nói thêm về chuyện chi phí, ông Thạch cũng cho biết một vấn đề nan giải khác của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 là xử lý xỉ than, tro bay. Về lý thuyết, xỉ than làm vật liệu xây dựng rất tốt, tro bay dùng để làm phụ gia cho xi măng hoặc sử dụng trong công trinh xây dựng thủy điện. Tuy nhiên, do vị trí nhà máy ở quá xa các nơi sử dụng loại nguyên liệu này nên việc vận chuyển làm chi phí bị đội lên cao.

“Ở Nậm Thơm (Lào) họ mua tro bay với giá 1 triệu đồng/tấn, nhưng vận chuyển tro bay từ nhà máy sang Lào phải mất tới 5 ngày! Hay như vận chuyển tro bay ra Thanh Hóa làm phụ gia xi măng thì chi phí lên tới 200.000 đồng/tấn, với chi phí đấy thì nhà máy sản xuất xi măng sẽ ưu tiên dùng vật liệu tại chỗ rẻ hơn”, ông Thạch nói.

Đề cập tới vấn đề thiếu than, ông Thạch nhấn mạnh nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) để điều phối than cho nhà máy. Ông cho hay dự trữ than trong kho của nhà máy ước chừng 40.000 tấn.

Với công suất tiêu thụ 10.000 tấn than/ngày, có thể suy ra dự trữ than của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chỉ đủ cho 4 ngày phát điện. Tuy nhiên ông Thạch “trấn an” rằng việc sử dụng than của nhà máy tuân theo nguyên tắc gối đầu, nguồn than luôn được tiếp ứng từ cảng. 40.000 tấn than chỉ là “lương khô” để dành, có thể nằm trong kho cả tháng chứ không phải đem ra sản xuất ngay.

Liên quan đến việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, được biết tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương nếu TKV không cung cấp đủ than thì các nhà máy điện có thể được nhập khẩu than để bảo đảm phát điện.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp đồng bộ cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy, chấm dứt tình trạng thiếu than như đã từng xảy ra.

Tác giả: Vĩnh Chi

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP