Kinh tế

Sẽ bỏ “thời gian chết” trong giải ngân vốn đầu tư công

Trước những bất cập, vướng mắc về trình tự thủ tục giải ngân dự án đầu tư công, hàng loạt giải pháp được đưa ra trong đó bao gồm cả phương án cắt giảm, loại bỏ những quy định không cần thiết.

Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm chỉ đạt 1,95% kế hoạch vốn được giao - Ảnh: Tạ Tôn

Mổ xẻ nguyên nhân khiến giải ngân chậm

Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2018 theo báo cáo của Bộ Tài chính đạt gần 7,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 1,95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương khoảng 1,87% dự toán năm. Trong đó, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước ước đạt gần 7,3 nghìn tỷ đồng, bằng 2,12% kế hoạch vốn được giao; giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ đạt 0,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 0,52% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

"Trong thời gian chưa sửa Luật Đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 70/NQ-TW, thì việc giải ngân vốn đầu tư công không có trở ngại. Riêng đối với Kho bạc Nhà nước, chúng tôi cam đoan bất cứ khi nào chủ đầu tư, đơn vị thi công có khối lượng thực hiện được nghiệm thu, hồ sơ thanh toán đầy đủ gửi tới kho bạc có thể được giải ngân ngay trong ngày làm việc, tối đa không quá 3 ngày làm việc, thay vì 5-7 ngày như trước đây”.

Ông Vũ Đức Hiệp
Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi
(Kho bạc Nhà nước)

Lý giải kết quả giải ngân 2 tháng đầu năm đạt thấp, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, 2 tháng đầu năm rơi vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các bộ, ngành và địa phương tập trung giải ngân nốt phần vốn của năm 2017. Bên cạnh đó, hiện một số bộ, ngành và địa phương đang tiếp tục phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2018 được giao và nhập dự toán cho các dự án trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). “Tới nay, kế hoạch vốn đã giao hết, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã sẵn sàng nguồn tiền để phục vụ giải ngân, chỉ còn đợi các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đối với dự án chuyển tiếp; hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án khởi công mới theo quy định”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

Trước câu hỏi, liệu năm 2018 có lặp lại thực trạng “có tiền mà không tiêu được” như năm 2017, đại diện Bộ KH&ĐT nhận định: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ngoài những nguyên nhân cố hữu như: Giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, thiên tai…, còn có nguyên nhân là Luật Đầu tư công và một số luật khác như: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ tài nguyên và Môi trường... đưa ra nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, thỏa thuận ký kết hợp đồng…

Cụ thể, theo Luật Đầu tư công, một dự án trước khi được giao kế hoạch cần phải trải qua nhiều công đoạn như: Phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, xây dựng và tổng hợp kế hoạch... “Năm 2017 là năm đầu tiên chính thức thực hiện luật hóa đầu tư công và nhiều quy định khác liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm. Nhiều quy định rất chặt chẽ, nên các bộ, ban, ngành địa phương và cả chủ đầu tư triển khai có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, sau khi đã trải qua quá trình tập dượt, trình tự các bước đã được thông suốt, những vướng mắc này sẽ không còn”, vị đại diện nhận định.

Đề xuất cho phép gia hạn tự động giải ngân

Kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp lý về đầu tư công trong thời gian qua cho thấy: Quy định cho phép thời gian thực hiện giải ngân đầu tư công gặp nhiều vướng mắc ở khâu đối chiếu, thống nhất số liệu giải ngân thực tế giữa các bộ, ngành, địa phương với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, gây chậm trễ cho việc thông báo danh mục và số vốn kéo dài cho các bộ, ngành và địa phương.

“Về nguyên tắc, phải hoàn thành thủ tục theo trình tự từng bước, xong bước này mới thực hiện bước tiếp theo, nên chỉ cần chậm một khâu là kéo theo nhiều khâu phía sau sẽ bị chậm lại. Trong quá trình này, không loại trừ xuất hiện những khoảng “thời gian chết” do cơ quan thực thi không xử lý kịp thời trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết. Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định liên quan tới đầu tư công, đang trình Chính phủ phê duyệt, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án cắt giảm một số thủ tục, cho phép “gia hạn tự động giải ngân”. Cụ thể, sẽ sửa đổi nội dung này theo hướng tăng sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, giảm bớt các thủ tục báo cáo, rà soát, thông báo lại… Đồng thời, bổ sung các điều kiện để được gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân. Các cơ quan tổng hợp ở T.Ư làm công tác hậu kiểm và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

“Theo phương án này, khi kế hoạch giao vốn đã có, tới thời điểm thanh toán, hồ sơ thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư sẽ đối chiếu số liệu và thống nhất với Kho bạc Nhà nước tại địa bàn để xác định số vốn cụ thể được gia hạn giải ngân, sau đó báo cáo lại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, giảm bớt đáng kể các thủ tục báo cáo, rà soát, tổng hợp và tăng thêm quyền chủ động cho các cấp thực hiện”, đại diện Bộ KH&ĐT lý giải.

Được biết, Bộ KH&ĐT cũng đang hoàn tất báo cáo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Chính phủ cho ý kiến và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2018. Theo dự thảo, dự kiến có 31 điều phải chỉnh sửa hoặc bãi bỏ vì không phù hợp.

Tác giả: Hoàng Ngân

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP