Trong nước

Sau vụ cháy làm 8 người chết, lửa hàn xì vẫn đỏ nhiều khu phố chật của Hà Nội

Vụ cháy một nhà xưởng thuộc huyện Hoài Đức khiến ít nhất 8 người chết, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ẩn họa cháy nổ. Tuy nhiên, trên địa bàn TP. Hà Nội nhiều cửa hàng hàn xì vẫn để mỏ hàn mặc sức tóe lửa ngay trên hè phố.

Hàn xì trên phố Đê La Thành. ảnh: T.G

Hàn xì ngay trên hè phố

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu tháng 8/2017 khi nỗi ám ảnh về 8 người thiệt mạng trong vụ cháy nhà xưởng ở huyện Hoài Đức còn chưa nguôi thì nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, người dân vẫn thờ ơ với ẩn họa cháy nổ.

Ở khu vực ngoại thành, nơi tập trung khá nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông đều làm bằng khung thép, mái tôn. Nhiều xưởng nghề còn làm lớp chống nóng dưới mái tôn bằng những tấm xốp dày - một loại chất liệu rất dễ cháy. Nhiều nhà kho nằm sát khu dân cư làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa mà không trang bị hệ thống cứu hỏa, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Thực tế tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù (huyện Hoài Đức) hoạt động mua bán vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Đi sâu vào các ngõ ngách hẹp, máy móc của các nhà xưởng sản xuất bánh kẹo ngày đêm hoạt động huyên náo. Theo ghi nhận, nhiều nhà xưởng, nhà kho ở đây đều được làm bằng khung thép, mái tôn lót xốp chống nóng, bao bọc xung quanh.

Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Điều đáng nói là nhiều xưởng, nhà kho ở đây không có một hệ thống báo cháy, không bình cứu hỏa. Ngoài ra, các nhà kho, xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp với một lối thoát duy nhất - chính là cửa ra vào - mô hình xây dựng giống hệt xưởng kẹo mới bị thiêu trụi mới đây. Nếu xảy ra cháy nổ, sẽ gây thiệt hại khó lường.

Đại diện UBND xã La Phù cho hay, công tác PCCC trên ở xã sản xuất bánh kẹo này cứ khoảng một quý (3 tháng) chính quyền có phối hợp với đơn vị PCCC để kiểm tra một lần. Khi kiểm tra, những chủ xưởng, chủ kho có thể đảm bảo nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm như việc sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng, hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy… Các vụ cháy thường xảy ra tại các kho tạm được chủ cơ sở thuê thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy họ thường dựng khung thép, mái tôn... gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước về PCCC.

Ở các quận nội thành, ý thức người dân trong công tác PCCC cũng không khá hơn. Theo quan sát của PV trên đường Đê La Thành nơi có nhiều cửa hàng sắt thép san sát nhau. Nhiều xưởng mộc, xưởng sơn gò hàn, các hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ về khung nhôm kính, cửa sắt... với mật độ dày đặc. Cùng với đó là các vật liệu rất dễ gây cháy, và khi cháy có thể lan rộng, nhất là khi mật độ dân cư dọc tuyến đường vành đai 1 của Thủ đô quá đông đúc. Sáng cũng như chiều vào giờ cao điểm, các “xưởng hàn” lại được ngang nhiên bày ra dọc vỉa hè. Vỉ hàn đỏ rực hướng về dòng người đi lại đông đúc giờ tan tầm khiến không ít người đi xe máy phải luồn lách để tránh.

Theo ghi nhận, các xưởng sản xuất này đã hình thành và hoạt động từ hàng chục năm nay. Ngoài việc gây tiếng ồn, phát tán bụi, mùi sơn độc hại, đây có thể coi là những nơi rất dễ xảy ra cháy, nổ.

Ông Hưng, chủ xưởng sản xuất khung nhôm kính ngõ 54, đường Đê La Thành cho hay: "Tôi còn có xưởng hàn ở Quốc Oai nhưng để tiện giao hàng cho khách nội thành, tiết kiệm được tiền vận chuyển, lại tiện cho khách tới xem mẫu thành phẩm nên tôi thuê một ô đất tại đây cho thuận tiện. Cửa hàng đảm bảo mọi điều kiện an toàn cháy nổ theo quy định và nhà xưởng chưa xảy ra cháy nổ bao giờ".

Cửa hàng sắt thép của ông Hưng được lợp mái và quây vách như một đường hầm cho thợ sản xuất. Phía trong cửa hàng dùng để sắp xếp hàng hóa, phía ngoài cho ra tận vỉa hè là nơi các thợ hàn hoạt động. Hàng ngày, có 2 lao động làm việc tại xưởng. Trả lời câu hỏi của PV cửa hàng có tuân thủ quy định về cháy nổ không? ông Hưng nói: “Không! Mình làm thế nào tự thấy an toàn là được”.!?

“Quy định” của nghề hàn xì đang bị bỏ qua

Ông Nguyễn Phương Hùng sinh năm 1960, ở 26 phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm) từ lâu được biết đến với biệt danh “người giữ lửa duy nhất ở Hà Nội”. Nhà 3 đời làm nghề rèn, đến đời ông do thời thế thay đổi, ông Hùng làm thêm nghề hàn. Nếu tính từ đời ông nội ông Hùng đến nay, cái nghề gắn bó với lửa nhà ông cũng đã có tuổi nghề hơn một thế kỷ. Ông bảo: “Tôi quai búa cùng cha năm 12 tuổi. Thời ấy, người dân đến “đặt hàng” chủ yếu là dụng cụ nông nghiệp như răng bừa, cày, liềm, hái... nên người ta còn gọi phố này là Hàng Bừa chứ không phải phố Lò Rèn như sau này Pháp đổi tên. Bây giờ, theo thời thế, nên đổi phố này thành phố Hàn xì mới đúng”: Ông nói như lý giải việc từ nghề rèn của cha ông, phát triển thêm nghề hàn.

Ngôi nhà 26 phố Lò Rèn sáng trưa chiều, vẫn tiếng búa, tiếng đe chan chát vang lên và những xỉ sắt đỏ rực bắn tung tóe từ những mũi hàn mỗi ngày.

Ông Hùng bảo: “Có một quy định an toàn bất di bất dịch của nghề hàn dù hành nghề bất cứ ở đâu, từ thợ “cứng” cho đến thợ mới vào nghề thì trong lúc hàn phải có một người giám sát, bao quát công việc hàn xì để tránh hỏa hoạn. Khi làm việc, người thợ hàn chỉ chú ý đến mối hàn, đến công việc mà ít khi để ý xung quanh. Trong khi đó hiện nay, hầu hết cửa hàng hàn xì không có người giám sát, bỏ qua “quy định” của nghề. Ngoài người giám sát ra, bên cạnh người thợ hàn cũng phải có bình cứu hỏa”.

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP