Theo quy định của Bộ GDĐT, HS không được phép nghỉ học trên 30 ngày, thì 399 HS tiểu học và THCS nói trên đều đã thuộc diện bắt buộc phải lưu ban. Nguyên nhân xuất phát từ việc huyện Hương Khê xoá Trường THCS Hương Bình, dẫn tới hàng trăm HS phải đi học xa nhà 5-10km trong vùng địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai, lũ lụt.
Người dân phản ứng quyết liệt bằng cách cho con em mình ở nhà. Những người tại đây còn kéo nhau ra Bộ GDĐT và xuống UBND tỉnh Hà Tĩnh để kiến nghị. Nhưng phía chính quyền và ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn bảo lưu quan điểm sáp nhập trường…
Nhìn vào thực tiễn sáp nhập trường như lâu nay Hà Tĩnh đã làm, thì mục tiêu tinh giản biên chế không đạt được: Nhập 2 trường, giảm được một hiệu trưởng (sẽ đi trường khác làm lãnh đạo), một kế toán, một thủ quỹ, một nhân viên thiết bị, y tế (cũng điều chuyển chứ không thể cho ra khỏi biên chế). Việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng không thể hiện được rõ ràng: Vì cũng chừng đó bộ máy, học sinh….
Mặt khác, sáp nhập trường sẽ gây ra lãng phí nghiêm trọng, một số trường bị bỏ hoang, xuống cấp, HS phải đi học xa… Cách làm này trái với quy định của Bộ GDĐT tại “Điều lệ trường THCS-THPT và trường PT có nhiều cấp học” là việc sáp nhập trường cần “đảm bảo an toàn và quyền lợi của HS, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục”.
Thực tế nói trên cho thấy Hà Tĩnh cần xem xét, đánh giá lại việc sáp nhập các trường. Cần xem xét áp dụng mô hình duy trì điểm trường hoặc sáp nhập trường tiểu học và THCS, nhất là đối những vùng địa bàn rộng, có nguy cơ thiên tai. Tại huyện Hương Sơn, có 3 xã sáp nhập trường THCS và trường tiểu học (Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Lễ).
Thầy Nguyễn Thế Toàn – Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Sơn Hồng – cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị sáp nhập, tuyên truyền chủ trương tới người dân trong 2 năm. Sau khi sáp nhập, trường có 463 HS/22 lớp. Chất lượng giáo dục nâng lên so với trước, cơ sở vật chất được tăng cường”. Sáp nhập trường TH và THCS sẽ tiết kiệm được GV, do một số môn GV có thể dạy cả hai cấp như thể dục, tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật… Tuy nhiên, không hiểu sao, huyện Hương Khê không áp dụng mô hình này, cũng không bàn bạc với dân, mà bất ngờ ra quyết định giải thể nhà trường.
Việc Hương Khê giải thể một trường chuẩn QG đang hoạt động bình thường và có chất lượng giáo dục bảo đảm, liên quan đến quyền và lợi ích của hàng trăm hộ dân nhưng không bàn bạc một cách bài bản, thấu đáo đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm là ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc 600 HS xã Hương Bình đến nay chưa được đến trường, trong đó có 399 HS thuộc diện phải lưu ban?
Quang Đại