Các DN sản xuất lắp ráp ô tô cho biết, nếu đầu năm 2018, tỷ giá USD so với VND là 22.700 đồng, thì nay đã tăng lên 23.080 đồng, mức tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, hầu hết linh kiện lắp ráp ô tô đều phải nhập khẩu và sử dụng USD để thanh toán. Vì vậy, tỷ giá tăng đang làm tăng chi phí sản xuất và gây sức ép lên giá xe.
Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Công ty ô tô Hyundai Thành Công, cho biết, theo tính toán, với giá USD hiện nay ở mức 23.050 đồng thì giá ô tô sẽ phải điều chỉnh tăng mức 1,5%. Phía đối tác nước ngoài đang yêu cầu điều chỉnh giá xe, do tỷ giá USD tăng. Tuy nhiên, công ty vẫn quyết định chưa tăng giá, vì tăng giá lúc này sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ xe và chỉ số CPI.
Tuy nhiên, trên thị trường vừa qua,một số mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đã tăng giá, mức tăng khoảng từ 1-2%. Chẳng hạn, Nissan Việt Nam đã điều chỉnh giá bán đối với hai dòng xe lắp trong nước là X-Trail và Sunny, tăng giá từ 10-23 triệu đồng kể từ ngày 16/7. Nissan Việt Nam không công bố lý do, nhưng một số ý kiến nhận định, có nguyên nhân của tỷ giá.
Nhiều DN cho hay giá xe sẽ tăng do tỷ giá tăng (ảnh minh họa) |
Theo đại diện của Toyota Việt Nam, tỷ giá USD tăng so với VND đang tác động cả tới xe sản xuất lắp ráp trong nước, lẫn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên,hãng chưa có quyết định tăng giá xe mà đang theo dõi, cân nhắc. Theo tính toán, nếu giá xe tăng 1% có thể tác động gấp 2-3 lần về lượng tiêu thụ. Hơn nữa, còn phải xem xét động thái từ các đối thủ cạnh tranh.
Một số DN khác cũng tiết lộ, tỷ giá tăng nhưng chưa tăng giá bán để tránh việc sụt giảm doanh số. Tuy nhiên, họ sẽ cắt giảm các khuyến mãi và ưu đãi về giá.
Giám đốc Marketing một doanh nghiệp ô tô FDI nhận định, trong hoàn cảnh hiện nay, những DN có tiềm lực mạnh vẫn có thể duy trì sự ổn định, nhưng sẽ có DN phải tăng giá sớm do không chịu nổi sức ép tỷ giá tăng, cho dù biết tăng giá xe chắc chắn sẽ tác động tới doanh số bán.
Hơn nữa, theo các chuyên gia kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, trên cơ sở những chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh. Như vậy, đồng USD sẽ còn lên giá đáng kể so với các đồng tiền khác. Điều này sẽ tác động tới nhập khẩu ô tô.
Một DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cho biết, nếu tỷ giá dừng lại ở mức 1,5% như hiện nay, giá nhập khẩu ô tô cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều. Song, nếu điều chỉnh thêm 2-3% nữa, buộc các hãng xe phải tăng giá. USD cứ tăng giá thêm 500 đồng thì nhập khẩu một chiếc ô tô 10.000 USD, quy ra phải tốn thêm từ 8-9 triệu đồng nữa.
Cũng có DN lo lắng, chỉ cần tỷ giá cứ giữ ở mức hiện nay, không giảm xuống nữa, cũng phải tính chuyện điều chỉnh giá xe, vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Thời điểm giá xe được điều chỉnh tăng, theo một số DN, có thể diễn ra sau tháng 7 âm lịch. Bởi tháng 7 là “tháng cô hồn”, nhu cầu về ô tô thường giảm, nếu tăng giá xe sẽ không hợp lý. Nhưng sang tháng 8, thị trường ô tô bước vào đợt cao điểm cuối năm, nhu cầu tăng, khi đó giá xe tăng sẽ không bị ảnh hưởng.
Lo ngại nhất của các DN là sau tháng 7 âm lịch, tỷ giá vẫn không giữ được như hiện nay mà tăng thêm, khi đó, giá xe sẽ tăng. Bên cạnh đó là hiện tượng “té nước theo mưa”, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Thị trường ô tô hiện đang trong tình trạng khan hiếm, xe nhập khẩu về không nhiều, luôn thiếu hàng, trong khi xe trong nước chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, tỷ giá tăng là cớ để các DN đẩy giá xe lên, nhất là khi nhu cầu tăng cao.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet