Bài thi khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) với thời gian làm bài 150 phút. |
Thí sinh làm bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo Lịch thi trên cùng một phiếu Trả lời trắc nghiệm (TLTN). Hết thời gian làm bài của môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi (CBCT) mới thu Phiếu TLTN.
Các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi; thí sinh ghi mã đề thi này trên Phiếu TLTN để theo dõi.
Không để dấu hiệu trên bài thi
Trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, Bộ GD&ĐT yêu cầu CBCT phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… nào khác ngoài bài thi, giấy nháp (có chữ ký của cán bộ coi thi); phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… này nếu phát hiện vi phạm.
Trong khoảng thời gian nghỉ chờ và làm thủ tục thi giữa 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, thí sinh đã thi môn thành phần trước đó nếu có nhu cầu đặc biệt và hợp lý thì được CBCT xem xét cho phép ra ngoài phòng thi.
Thí sinh phải nộp Phiếu TLTN cho CBCT, chịu sự quản lý và phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng thi.
1% thí sinh mắc lỗi trong bài thi trắc nghiệm
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, thực tế thống kê quá trình chấm thi cho thấy có khoảng 1% thí sinh mắc lỗi trong làm bài thi trắc nghiệm. Cụ thể có 4 loại lỗi do thí sinh tạo nên trong quá trình làm bài như sau:
Thứ nhất thí sinh là không tô số báo danh, tô nhầm dẫn đến số báo danh này trùng nhau, tô không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành số báo danh của thí sinh vắng thi.
Thứ hai là không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.
Thứ ba là phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
Thứ tư là những lỗi do quét bài như để gấp phiếu trả lời trắc nghiệm, sai mặt phiếu, làm phiếu biến dạng.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, những lỗi này sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh và trong đó có những lỗi do chính thí sinh gây ra.
Trong hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT yêu cầu cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi trên để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GD-ĐT.
Đồng thời, Bộ cũng cho biết các bài thi vi phạm quy chế thi được xử lý theo quy định của quy chế thi: bài thi tổ hợp chỉ trừ điểm của môn thành phần mà thí sinh vi phạm kỷ luật (mức độ khiển trách trừ 25% điểm, mức độ cảnh cáo trừ 50% điểm), không trừ điểm môn thành phần mà thí sinh không vi phạm kỷ luật.
Tác giả: Nhật Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí