Xe

Rúng động thế giới: Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản dùng thép kém chất lượng

Dính đòn oan vì nhà cung cấp thép Kobe Steel (Nhật Bản) không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hàng loạt “ông lớn” ngành ôtô Nhật Bản đang trở thành tâm điểm của vụ bê bối do dùng thép không đạt chuẩn, những cái tên được nhắc tới có Toyota, Mazda và Nissan…

Hiroya Kawasaki lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel trong buổi công bố thông tin bê bối tại tập đoàn này.

Vụ bê bối đang làm rúng động ngành công nghiệp Nhật Bản khi vừa qua Tập đoàn sản xuất thép Kobe Steel thừa nhận đã chuyển giao các sản phẩm không đáp ứng được những quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật mà khách hàng yêu cầu.

Vụ bê bối giả mạo số liệu của Kobe Steel đang ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp tại Nhật Bản. Ngày càng nhiều nhà sản xuất thông báo đã sử dụng các sản phẩm nhôm của tập đoàn trên trong sản xuất ô tô, tàu hỏa, tên lửa và thậm chí thiết bị quốc phòng.

Kobe Steel đã gây ra một vụ bê bối trên bình diện toàn cầu, với các ngành nghề khác nhau. Đoàn tàu sản xuất cho Anh Quốc sử dụng thép của công ty này.

Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy dữ liệu đã được làm giả cho khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm, 2.200 tấn sản phẩm đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm và được giao cho các khách hàng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017.

Và tình hình này trở nên càng nghiêm trọng hơn khi mà có tới 6 trong số các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất của "xứ Mặt Trời mọc" bao gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel.

Nissan cho biết đã sử dụng các sản phẩm nhôm của Kobe Steel trong cấu trúc mui xe. Mới tuần trước, hãng cũng đã phải công bố một đợt triệu hồi xe quy mô lớn sau khi bị nhà chức trách phát hiện sử dụng nhân viên kiểm soát chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình kiểm tra chất lượng xe.

Ít nhất cả sáu ông lớn của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản và các thương hiệu khác đều sử dụng thép của Kobe Steel.

Trong khi đó, Toyota đã phát hiện thấy vật liệu bị giả mạo dữ liệu của Kobe được sử dụng cho mui xe, cửa xe và một số bộ phận ngoài của xe do hãng sản xuất.

Thậm chí, Subaru còn sử dụng những sản phẩm không đạt chuẩn trên trong máy bay của hãng. Được biết, Subaru đã sản xuất máy bay huấn luyện cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDP) và cánh cho máy bay Boeing như Boeing Dreamliner.

Cổ phiếu của Kobe Steel rơi đáy sau khi thông tin vụ bế bối được công bố.

Honda cũng báo cáo tình trạng tương tự. Mazda xác nhận đã sử dụng nhôm được Kobe Steel cung cấp còn Suzuki và Mitsubishi vẫn đang kiểm tra xem xe của họ có chịu ảnh hưởng không.

Trước tình hình nghiêm trọng này, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô tiến hành kiểm tra khẩn cấp để xem liệu có cần tiến hành các chiến dịch thu hồi xe hay không.

Lãnh đạo Kobe Steel trong cuộc gặp với các quan chức chính phủ Nhật Bản tại Tokyo.

Vụ giả mạo số liệu của Kobe Steel còn lan sang cả ngành công nghiệp quốc phòng của “đảo quốc Mặt trời mọc”. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết các nhà sản xuất lớn như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI Corp đã sử dụng các sản phẩm nhôm không đạt chuẩn của Kobe Steel. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ tên của các thiết bị quốc phòng bị ảnh hưởng.

Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản và quản lý nhà nước. Gần đây nhất, hãng sản xuất túi khí đã phá sản Takata là nguyên nhân dẫn tới cuộc triệu hồi xe lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới. Chất lượng túi khí không đảm bảo của Takata được cho là có liên quan đến cái chết của 17 người trong các vụ tai nạn xe hơi trên toàn cầu.

Tác giả: Gia Bảo Theo Kyodo, AFP, Reuters

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP