Nhà đẹp

Rắc rối đủ bề khi cố sửa nhà giáp Tết

Không muốn sửa nhà qua 2 năm, chị Chuyên tăng tiền công cho thợ nhưng họ vẫn làm ẩu khiến WC bị thấm, tủ bếp không để vừa đồ.

Sau khi bán nơi ở cũ, gia đình chị Chuyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi thuê một căn hộ hết 12 triệu đồng mỗi tháng trong lúc chờ chuyển về nhà mới. Sau khi nhận căn chung cư thô giao thô hơn 2 tháng trước, chị Chuyên quyết tâm sửa ngay để kịp có nhà mới trước Tết.

Biết kế hoạch của chị, nhiều người quen biết cản vì cho rằng lượng công việc sửa chữa nhiều trong khi thời gian quá gấp. Ngoài ra, việc tìm thợ trong thời gian giáp Tết cũng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, chị Chuyên tính nếu chờ đợi qua Tết, gia đình sẽ phải trả thêm 4-5 tháng thuê nhà hết gần 50 triệu (chưa kể điện nước). Ngoài ra, chị cũng muốn mau sớm chuyển về nhà mới gần nơi làm việc của cả hai vợ chồng.

Bạn không nên vội vàng khi cải tạo nhà để tránh phải sửa chữa lặt vặt về sau. Ảnh minh họa: LPI.

Do chồng bận rộn nên chị Chuyên quán xuyến toàn bộ việc cải tạo nhà vào đầu tháng 12. Lúc đầu, chị dự tính sẽ thuê trọn gói của một công ty thiết kế và xây dựng vì việc hoàn thiện nhà từ xây thô khá phức tạp. Tuy nhiên, khi chị liên lạc thì hầu hết các kiến trúc sư được giới thiệu đều từ chối. Họ đang bận rộn hoàn thành nốt các công trình đã nhận và lo không kiếm đủ thợ trong khi chỉ còn 2 tháng là tới Tết.

Chị Chuyên đành lựa chọn giải pháp thứ hai là thuê kiến trúc sư thiết kế nội thất căn nhà 98 m2 với chi phí 20 triệu đồng. Sau đó, chị nhờ một chủ thầu xây dựng quen biết tìm kiếm các đội thợ cho từng hạng mục.

Lúc mới đầu, công việc khá thuận lợi khi đội thợ thi công đúng tiến độ. Cảm giác yên tâm nên chị Chuyên 2-3 ngày mới qua xem nhà vào buổi tối. Thời gian gần đây, chị thấy việc sửa nhà có vẻ chậm lại thì chủ thầu cho biết, một số thợ xin nghỉ do được nơi khác mời chào giá cao hơn. Hai bên không có thỏa thuận, cam kết gì nên cũng không giữ chân được họ. Thời gian không còn nhiều nên chị Chuyên đành phải hứa sẽ trả công cao hơn để kiếm đủ thợ làm nhà cho xong.

Cách đây ít ngày, ngôi nhà được hoàn tất nên chị Chuyên bắt đầu cho chuyển nội thất về. Nhưng tới khi kê giường tủ, bàn ghế vào, vợ chồng chị Chuyên mới phát hiện rất nhiều lỗi. Do không tính toán kỹ, các ổ điện lại nằm ở dưới gầm giường hoặc phía sau tủ, không thể cắm dây vào được. Dù rất bực nhưng chị đành phải "ngọt nhạt" để mấy người thợ còn lại đục tường, đi lại đường dây điện.

Các khoang bếp cũng không được đo đạc chính xác nên những khoang dành riêng cho các loại bếp, lò vi sóng và máy rửa bát hoặc quá rộng hoặc quá chật không để vừa đồ. Bởi vậy, gia đình phải kê một số thứ ở phía trên bàn bếp.

Tệ nhất là khu WC bị thấm nước xuống nhà dưới, phải dỡ gạch ra để chống thấm lại. Bồn cầu lắp cũng chưa đúng nên nước giật yếu, dễ kẹt giấy vệ sinh. Chị Chuyên đành để tạm một chiếc thùng bỏ giấy bên ngoài.

Trước Tết năm ngoái, gia đình chị Trâm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng khổ sở vì mong muốn xây nhà cho xong. Làm nghề kinh doanh nên chị muốn làm dứt điểm mọi việc, tránh dây dưa sang năm mới. Do trục trặc về thủ tục xây dựng, sang tháng 12 âm lịch, gia đình chị vẫn chưa sơn trát xong. Năn nỉ mãi, đội thợ hứa sẽ làm tới sát ngày ông Công ông Táo (23/12 âm).

Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên vào ở, gia đình chị Trâm đã chịu không nổi bởi mùi sơn mới nồng nặc. Cả nhà không dám đóng kín cửa toàn bộ vì sợ ngạt thở dù trời khá lạnh. Ở được vài ngày, chị đành cho hai bé về ở với ông bà nội còn hai vợ chồng chạy qua lại để lo việc thắp hương, đón khách. Nhiều buổi tối, anh chị sang ở nhà nội cùng các con luôn.

Hàng ngày, chỉ có ánh sáng cửa sổ nên các bức tường trông khá phẳng. Nhưng khi toàn bộ hệ thống đèn được bật lên, các mảng mấp mô do trát ẩu mới lộ hết ra. Không chỉ thế, những người thợ tay nghề yếu, không có giám sát chặt chẽ nên việc chống thấm kém. Chỉ một vài tháng sau, vào đợt mưa dầm tháng 3, nhà chị Trâm đã có những vết nước loang trên tường nhà.

Chia sẻ về việc xây sửa nhà dịp giáp Tết, anh Nguyễn Thế Thành, giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội, khuyên, các gia đình không nên vội vàng làm nhà kịp đón năm mới. Công ty của anh thường chốt hợp đồng cuối cùng vào 2 tháng trước Tết. Như vậy, anh mới có thể thu xếp được nguyên vật liệu, thợ, sắm đồ nội thất với chất lượng tốt nhất cho công trình.

"Nhiều người Việt Nam kỵ việc làm nhà qua 2 năm. Tuy nhiên, dịp gần Tết, việc tìm kiếm thợ có tay nghề tốt khó hơn bình thường hoặc tiền công sẽ cao hơn nhiều. Tới 23/12 âm lịch, hầu hết thợ đều sẽ giải tán về quê ăn Tết. Nhiều thợ làm ẩu cho xong để kịp bàn giao và đi làm công trình khác hay nghỉ Tết", anh Thành cho biết.

Ngoài ra, ngay cả khi nhà kịp hoàn thành, gia chủ cũng không nên chuyển vào ở ngay. Bởi khi đó, trong nhà còn mùi sơn và hóa chất độc hại từ những nguyên vật liệu, chất tẩy rửa, nước đánh bóng đồ gỗ.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP