Tin

Quảng Bình: Nỗi lòng nữ sinh đạt 29 điểm vẫn rớt đại học

Những ngày qua, ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) xôn xao trước thông tin một nữ sinh đạt tổng điểm thi đại học 29 điểm nhưng vẫn rớt đại học. PV Dân trí đã vào vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Mong muốn và hi vọng còn lại của em là được theo học ngành Sư phạm để đỡ phần nào tiền học phí
Mong muốn và hi vọng còn lại của em là được theo học ngành Sư phạm để đỡ phần nào tiền học phí

Đó là trường hợp của em Bùi Kiều Nhi (SN 1997, ở thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình). Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nhi đạt số điểm cao nhất nhì huyện, với 29 điểm (trong đó, Địa lí 9,75 điểm; Sử 9 điểm; Văn 8,75, cộng với 1,5 điểm ưu tiên). Với số điểm trên, Nhi dường như đã chắc chắn đậu Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Thế nhưng, mọi người chưa kịp mừng vui thì ngày 4/9, Nhi và gia đình nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hoá thông báo em Bùi Kiều Nhi không đủ điều kiện theo học tại các trường Công an Nhân dân vì đã khai báo không trung thực trong phần khai xét lý lịch.

Clip Nữ sinh 29 điểm bị trượt Đại học

Trong công văn số 2240/CV-CAH ghi rõ, qua xác minh hồ sơ đương sự trong phần thí sinh dự thi tự khai, Công an huyện Tuyên Hoá trả lời như sau: Tra cứu hệ thống thông tin nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Bình cũng như hồ sơ lưu trữ lại TAND huyện Tuyên Hoá cho thấy, ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013) là bố đẻ của chị Bùi Kiều Nhi, đã bị từng bị TAND huyện Tuyên Hoá xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ” (theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/92).

 Ngày 4/9, em Bùi Kiều Nhi mới nhận được công văn của Công an huyện về việc em không được theo học tại các Trường Công an Nhân dân.

Ngày 4/9, em Bùi Kiều Nhi mới nhận được công văn của Công an huyện về việc em không được theo học tại các Trường Công an Nhân dân.

Tuy nhiên, trong phần khai lý lịch của Bùi Kiều Nhi khai về bố lại không có án tích và đã cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật.

Cầm tờ công văn trên tay, Kiều Nhi và mẹ mình là chị Phạm Thị Thanh Bình (SN 1971) oà khóc nức nở. Chị Bình sụt sùi kể lại: “Thời điểm hai vợ chồng lấy nhau là cuối năm 1992, lúc đó công nghệ thông tin chưa phổ biến như bây giờ nên bản thân tôi trước khi cưới cũng không hề hay biết anh Tường lúc đó đang thụ án. Đến bây giờ, sau khi nghe mấy chú công an nơi con nộp hồ sơ báo về là cháu không đủ điều kiện nhập học vì thiếu trung thực… Đến bây giờ tôi cũng không dám tin đó là sự thật, và sự thật đó lại đến quá muộn khiến con gái của tôi mất luôn cơ hội vào các trường Công an, lại không kịp làm nguyện vọng bổ sung những ngành học khác. Nếu như biết trước thì tôi cho con chọn ngành Sư phạm chứ giờ nhìn con thế này tôi thấy thương nó quá”.

Hai mẹ con như thất thần vì không hề hay biết ông Bùi Vĩnh Tường đã từng có án tích
Hai mẹ con như thất thần vì không hề hay biết ông Bùi Vĩnh Tường đã từng có án tích

Theo một người bạn của ông Tường cho biết, thời đang còn là thanh niên, do gia đình đói kém nên anh Tường có hùn vốn với một số người nữa mua lại gỗ của người dân đi rừng về sau đó đem lên tàu đưa ra TP Vinh bán kiếm lời. Lúc đó, có đoàn thanh tra đến kiểm tra và hai bên có lời qua tiếng lại với nhau nên anh Tường đã bị đoàn liên ngành lập biên bản và xử phạt.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Vân, Chủ tịch xã Đức Hoá cho biết: “Chuyện anh Tường từng bị TAND huyện Tuyên Hoá tuyên 9 tháng tù treo rất ít người biết. Bởi sự việc năm đó cũng không có gì là ghê gớm, không gây nguy hiểm hay thiệt hại lớn cho xã hội nên khi được hưởng án treo, anh Tường vẫn đi lao động bình thường cho đến khi có gia đình nên cũng không ai nhắc lại làm gì nữa. Và trong cuộc sống hằng ngày, anh Tường là một người hiền lành, tu chí làm ăn và yêu thương vợ con cho đến khi mất”.

Nhiều người dân vẫn đang cảm thấy tiếc nuối cho cô bé Kiều Nhi
Nhiều người dân vẫn đang cảm thấy tiếc nuối cho cô bé Kiều Nhi

“Về trường hợp em Bùi Kiều Nhi nếu em không được đi học đại học thì quả thật là một điều đáng tiếc cho địa phương, gia đình và nhất là chính bản thân em. Bởi cháu là một đứa hiền lành, bố lại mất sớm trong khi một mình chị Bình phải nuôi 4 đứa con đang trong độ tuổi ăn học nên khó có điều kiện để cho Nhi theo học những ngành học có học phí cao. Và tôi nghĩ rằng, Nhi và mẹ nó không hề hay biết về sự việc này”, ông Vân nói trong tiếc nuối.

Đi tìm hiểu hơn về vấn đề này, Thượng uý Trần Thị Ngọc Hà, người phụ trách công tác sơ tuyển cho các thí sinh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Theo cá nhân tôi thì cảm thấy rất tiếc cho em cũng như địa phương, vì ở huyện nhà hiếm có thí sinh đạt số điểm cao như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm theo quy định của Bộ và sau đó đi thẩm tra, xác minh lại các thông tin trong hồ sơ rồi báo cáo lên tỉnh quyết định”.

Và theo Thượng uý Hoàn, trong quá trình sơ tuyển tại Công an huyện thì em Bùi Kiều Nhi đủ các yếu tố về sức khỏe, tố chất để dự tuyển vào các Trường Công an Nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là những người hướng dẫn các em làm hồ sơ theo quy định của Bộ Công an. Trước khi làm hồ sơ dự tuyển, chúng tôi cũng đã hướng dẫn rất kỹ các em trong việc làm hồ sơ, điền thông tin về lý lịch của những người thân trong gia đình.

“Về sai sót này, tôi thấy khá là đáng tiếc, dù khách quan hay chủ quan thì chúng tôi cũng phải làm theo quy định của Bộ, và trong hồ sơ có phần cam kết của thí sinh và gia đình về việc cung cấp các thông tin đó, nếu có vấn đề gì không trung thực thì thí sinh đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, Thượng uý Hoàn ngậm ngùi.

Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra sai sót và có công văn về (ngày 4/9) thì cũng sắp hết hạn cuối nộp hồ sơ bổ sung NV2 vào các trường nên dường như Bùi Kiều Nhi lại mất đi thêm một cơ hội vào học tại những trường khác.

“Lúc em nhận được thông báo về việc không được nhập học các trường Công an Nhân dân, em tuyệt vọng lắm! Lúc đó, mọi chuyện xảy ra quá bất ngờ khiến cả gia đình ai cũng choáng váng. Sau đó em cũng đã lên mạng xem chỉ tiêu xét tuyển của một số trường Sư phạm để nộp hồ sơ để đỡ tiền học phí nhưng hầu như các trường đều đã hết chỉ tiêu, chỉ còn một vài trường nhưng ở xa quá. Em vẫn muốn có một phép màu nào để em tiếp tục theo đuổi ngành Công an. Nếu không được thì em sẽ đi làm để kiếm tiền rồi sang năm thi lại vào trường Sư phạm nào đó”, Kiều Nhi tâm sự trong nước mắt.

Sau sự việc đáng tiếc này, em Kiều Nhi vẫn mong muốn được vào ngành Sư phạm Tiểu học tại trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, thế nhưng giờ tất cả mọi cơ hội đều đã muộn màng với nữ sinh có số điểm cao nhất nhì huyện miền núi nghèo khó này.

Văn Lịnh – Đặng Tài / Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP