Trong nước

“Quan” chức nhà nước “Hạ cánh” đã… không an toàn?

Gần đây, đã có những ví dụ cho thấy, có những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, cán bộ, công chức làm trái khi đương chức, khi nghỉ hưu đã không còn được “an toàn” – Ảnh minh họa.

Gần đây, đã có những ví dụ cho thấy, có những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, cán bộ, công chức làm trái khi đương chức, khi nghỉ hưu đã không còn được “an toàn”.

“Hạ cánh” đã… không an toàn?

Ở ta, hay có câu “hạ cánh an toàn”, nhằm chỉ những cán bộ, quan chức nhà nước có hành vi tiêu cực, tham nhũng nhưng khi về hưu không bị truy tố, xử lý, đơn giản vì người đó đã…về hưu.

Nhưng gần đây, đã có những ví dụ cho thấy, có những cán bộ, công chức làm trái khi đương chức, khi nghỉ hưu đã không còn được “hạ cánh an toàn”.

Mới nhất là vụ ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cuối tuần trước đã bị cơ quan điều tra của Bộ Công an bắt giữ, do có những hành vi làm trái pháp luật trong vụ án Công ty Cho thuê tài chính II của Agribank làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước khi ông này còn đang đương chức, kiêm Chủ tịch của công ty này.

Ngay trong ngành công an, cũng từng có một tiền lệ: tháng 11/2006, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Trưởng ban Chuyên án vụ PMU18 được nghỉ hưu, nhưng gần hai năm sau, tháng 5/2008, ông vẫn bị khởi tố vì tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án này.

Ông Quắc sau đó bị kết tội “cố ý làm lộ bí mật công tác”, và bị kỷ luật ở mức cảnh cáo.

Nhưng quả thật, hiện cũng chưa có nhiều ví dụ như vậy. Những người hiện được cho là “không an toàn” khi nghỉ hưu khác thì sai phạm của họ vẫn đang trong quá trình xem xét.

Ví dụ như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, sau khi nghỉ hưu đã bị báo chí phản ánh việc xây dựng khu nhà ở có quy mô được cho là không tương xứng với thu nhập của ông. Việc này đã gây nên nhiều ý kiến. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, trong thời gian làm Tổng thanh tra, ông Truyền có ký một số quyết định bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Nhưng việc đó có tiêu cực, có tham nhũng để phải xử lý không, thì hiện nay vẫn chưa rõ.

Hay trường hợp ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới đây, có thông tin phản ánh việc ông tham gia ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, một công ty mà trước đó, khi còn làm Bộ trưởng, ông đã ký một quyết định phê duyệt dự án cho nó hoạt động. Nếu căn cứ vào Nghị định 102/NĐ-CP thì việc ông Dũng tham gia công ty này là sai quy định, vì nghị định này cấm quan chức lãnh đạo làm trong chuyên ngành mình quản lý 36 tháng sau khi nghỉ hưu.

Các trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý nêu trên, theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, là cần được xem xét.

Theo ông, những việc làm như ông Hồ Nghĩa Dũng là không được phép làm và cần rút kinh nghiệm ngay, vì bản chất của nó có thể là hành động “lót ổ” nhằm hạ cánh, thu lợi khi nghỉ hưu mà pháp luật đã có quy định cấm.

Do đó, cơ quan quản lý cán bộ cần phải xem xét và có kết luận, xử lý để người dân không thắc mắc, băn khoăn và để ngăn ngừa những quan chức, cán bộ nhà nước có những hành vi tương tự, cố tình làm trái: bổ nhiệm cán bộ hàng loạt, phê duyệt dự án đầu tư… để thu lợi cá nhân trước khi nghỉ hưu, để dọn đường, tìm kiếm việc làm, có thu nhập cho mình ở các công ty, dự án sau khi nghỉ việc ở cơ quan nhà nước.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP