Lao Động - Việc Làm

Quan chức nghỉ hưu chưa chắc đã ‘hạ cánh an toàn’

Để “hạ cánh an toàn” với một quan chức nghỉ hưu không phải điều dễ dàng. Bà Lê Thị Kim Oanh tự hào vì mình đã “an toàn” cả nghĩa đen và nghĩa bóng lúc về hưu.

Không phải “con ông cháu cha” mới thăng tiến

Quan chức có được cái “hạ cánh an toàn” không phải điều dễ dàng. Bà Lê Thị Kim Oanh – nguyên Phó Vụ trưởng vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra an ninh (Vụ 2), VKSND Tối cao từng là một cái tên ấn tượng trong ngành kiểm sát khi còn đương chức.

Đến nay đã về hưu, bà vẫn luôn được đồng nghiệp đi sau nhắc đến đầy tôn trọng. Với bà, như thế là đủ cho một người mang nghiệp “quan chức”. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện thân tình với người phụ nữ này xung quanh chuyện đời, chuyện nghề.

Bà Lê Thị Kim Oanh.

Thưa bà, một đời công tác gắn bó với ngành kiểm sát, bà có thể chia sẻ cơ duyên đến với nghề?

Tôi sinh ra ở Hàng Ngang, Hà Nội nhưng lại khởi nghiệp ở VKSND tỉnh Đồng Nai và về hưu ở VKSND Tối cao. Đó là một vòng tròn nhiều duyên nợ. Ngày mới ra trường, vì không thuộc diện “con ông cháu cha” nên tôi về Đồng Nai theo diện được phân công. Tôi tự cảm thấy con đường thăng tiến của mình có nhiều thăng trầm nhưng cũng rất tự hào. Bởi hoàn toàn đi lên bằng năng lực của mình, nên tôi càng trân trọng những gì mà mình đã đạt được.

Vinh dự vào Đảng từ năm 24 tuổi đến năm 1991 khi 31 tuổi, tôi làm Phó phòng Kiểm sát điều tra án trị an – an ninh ở VKSND tỉnh Đồng Nai. Năm 1996, tôi ra Hà Nội công tác một thời gian thì được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2). Làm một người có chút chức sắc ở đơn vị tối cao của ngành kiểm sát, vinh dự và tự hào nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Nhưng nhờ nguyên tắc làm việc hết mình, chăm chỉ, công tâm mà tôi đã được các lãnh đạo tin tưởng.

Nhiều năm gắn bó với ngành kiểm sát cùng bao vui buồn, nỗ lực và được ghi nhận, chắc hẳn bà đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Mỗi lần nhớ lại những ngày tháng với bộn bề công việc, tôi không có gì nuối tiếc, ân hận. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và tính cách tự lập từ bé nên tôi đã vượt qua mọi khó khăn. Mặc dù là phụ nữ, nhưng tôi luôn tâm niệm mọi việc không thể kém cỏi hơn cánh đàn ông. Tôi nỗ lực để chứng minh rằng, quan niệm phụ nữ chỉ ở nhà lo việc bếp núc là hoàn toàn sai lầm.

Tôi có một nguyên tắc là trong công việc không bao giờ để sếp mắng. Tôi có thể làm một việc nào đó chậm hơn nhưng tuyệt nhiên là không từ chối và sẽ làm hết tất cả những gì mình được giao. Có lẽ bởi sự chắc chắn, quyết đoán, không ngại việc, không dựa dẫm vào các mối quan hệ và làm việc bằng tất cả năng lượng sung sức nhất của mình nên tôi có được sự nể trọng, tin tưởng của đồng nghiệp.

Bà Lê Thị Kim Oanh (đứng) khi còn công tác tại VKSND Tối cao.

Ngoài thời gian làm việc, tôi không ngại khó, tìm tòi và học hỏi vì muốn làm mọi việc một cách tốt nhất có thể. Thậm chí trong thời gian còn công tác, chưa bao giờ tôi đi ngủ trước 1h sáng. Đặc thù nghề kiểm sát cần những chứng cứ đầy đủ, xác đáng, sai một li đi một dặm. Bởi thế, ai cũng cần làm việc công tâm.

Dẫu vậy, tôi vẫn thấy mình là người may mắn. Và tôi mong rằng mọi người có thể thay đổi quan niệm tiêu cực, không phải chỉ có “con ông cháu cha” mới dễ dàng thăng tiến ở một cơ quan Nhà nước. Hãy cứ làm và công hiến bằng tất cả năng lực và sự nhiệt tình, mọi kết quả sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Buộc tội một ai đó dựa trên các tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập được là việc làm không hề đơn giản, đặc biệt khi công việc góp phần không nhỏ để tránh oan sai. Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình?

Để làm tốt công việc này thì không có bí quyết nào ngoài sự công tâm và làm việc một cách nghiêm túc. Bởi án tại hồ sơ nên mọi chứng cứ của một vụ án phải được thu thập chính xác, đầy đủ khi đưa vào hồ sơ. Ranh giới giữa chứng cứ với chứng cứ non đôi khi rất mong manh. Do đó, làm công việc kiểm sát cần xác định đủ chứng cứ trước khi phê chuẩn cho công an bắt giam một người nào đó.

Tôi luôn tâm niệm, nếu chứng cứ còn non thì thà bỏ sót còn hơn bắt nhầm. Nếu một đối tượng ở ngoài mà bản chất tội phạm thì lúc này lúc khác sẽ chịu tội trước pháp luật. Nhưng nếu bắt oan một con người thì sai lầm đó là không thể sửa chữa được.

Bởi thế trong quá trình công tác, có những vụ án mà phía công an chuyển tài liệu đến nhà tôi trong đêm, tôi cũng sẵn sàng nghiên cứu ngay để củng cố chứng cứ một cách đúng nhất. Chắc bởi đam mê rồi nên cứ thế làm thôi, không có gì khó khăn cả.

Làm lãnh đạo đừng để sau lưng có những cái “bĩu môi”

Thưa bà, một trong những vấn đề thời sự đang được dư luận đặc biệt quan tâm là làm trong sạch bộ máy cán bộ, lãnh đạo. Bởi một số người được đề bạt khi không đủ tiêu chuẩn, một số lãnh đạo “tuyển người nhà không tuyển người tài” vào cơ quan, đơn vị mình công tác gây bức xúc. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Tôi nghĩ rất đơn giản, tự trọng là phẩm chất rất quan trọng với cá nhân một con người, đặc biệt là với người lãnh đạo. Nếu thấy mình có đủ khả năng làm lãnh đạo thì hãy nhận, còn nếu không thì nên thẳng thắn từ chối khi được quy hoạch, đề bạt. Không nên vì sợ bị người khác coi thường năng lực khi từ chối làm lãnh đạo mà cố chấp để làm, như thế sẽ ảnh hưởng đến cả tập thể, cả hệ thống. Còn nếu vì mưu lợi cá nhân mà bỏ qua năng lực và lòng tự trọng để có được một cái “ghế” nào đó khiến anh em, đồng nghiệp coi thường thì càng không nên.

Đã có bao nhiêu trường hợp “con ông cháu cha” được cất nhắc không dựa trên năng lực? Đây là điều mà dư luận cần minh bạch, rõ ràng. Nhưng cũng cần nhìn nhận đúng, nếu “con ông cháu cha” mà được học hành đàng hoàng, năng lực tốt thì càng cần được trân trọng. Bởi vừa có nền tảng của gia đình, vừa có năng lực là điều tuyệt vời nhất. Cái đáng sợ là bằng giả, bằng mua chứ không phải cứ “con ông cháu cha” đã là đáng sợ. Dù sao đi nữa thì lãnh đạo mà để lại những cái bĩu môi đằng sau lưng thì bản thân tự phải suy nghĩ thay đổi.

Vừa qua, vụ việc ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương là một minh chứng cho thấy sự quyết liệt trong công tác cán bộ của Đảng ta, đi đến cùng mọi vấn đề bức xúc xã hội. Đó cũng là minh chứng rõ nhất cho việc không phải về hưu là đã “hạ cánh an toàn”. Xin hỏi suy nghĩ của bà về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng, một cán bộ lãnh đạo phải làm sao cho cấp dưới nể trọng, cấp trên tin tưởng. Càng là người đứng đầu thì trách nhiệm càng nặng nề hơn. Ít nhất, tôi tự hào với gia đình vì luôn là tấm gương cho con cháu và được đồng nghiệp tin tưởng, quý mến. Cho đến tận bây giờ, những người làm “lính” của tôi thời còn công tác vẫn luôn nhớ và quan tâm tôi. Đó là điều vinh dự nhất sau những năm tháng say mê với nghề. Tôi thấy thực sự rất hạnh phúc với những tình nghĩa ấm áp đó.

Suốt những năm tháng công tác, tôi chưa từng nhận một đơn kiện cáo nào về bản thân mình. Làm quan chức “hạ cánh an toàn” không phải việc dễ dàng, nhưng tôi thấy mình đã an toàn cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi nghĩ vụ ông Vũ Huy Hoàng là một bài học sâu sắc cho tất cả những ai đang còn làm “công bộc” của dân. Chúng ta làm gì, sai trái thế nào, nhân dân đều biết cả. Hãy sống và làm việc để được nhân dân tin tưởng và đừng bao giờ nghĩ rằng về hưu là đã “hạ cánh an toàn”.

Xin trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn và chúc bà luôn có những ngày về hưu vui vẻ, hạnh phúc, ý nghĩa!

Dương Thu (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP