Thế giới

Putin giải thích nguyên nhân thảm kịch tàu ngầm hạt nhân Kursk

Tổng thống Nga cho rằng tình trạng yếu kém thời hậu Liên Xô là nguyên nhân dẫn tới vụ tàu ngầm Kursk phát nổ năm 2000.

Xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt. Ảnh: Tass.

"Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga phải đối mặt với những khó khăn lớn về kinh tế và xã hội, tất nhiên là quân đội cũng không thể thoát khỏi tình trạng đó. Thảm kịch tàu ngầm Kursk là một dấu hiệu trong tình trạng chung của các lực lượng vũ trang", Sputnik dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn ngày 11/3.

Thảm kịch tàu ngầm Kursk xảy ra vào ngày 12/8/2000, chỉ hơn ba tháng sau khi ông Putin nhậm chức Tổng thống Nga. Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình này gặp sự cố trong "Mùa hè-X", cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Nga trong hơn 10 năm. Đợt tập trận có sự góp mặt của hơn 30 tàu chiến, bao gồm soái hạm Peter Đại đế, 4 tàu ngầm tấn công và nhiều biên đội tàu mặt nước.

"Tôi thậm chí không biết có một cuộc tập trận lớn đang diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Igor Sergeyev gọi điện cho tôi, nói rằng hải quân Nga mất một tàu ngầm nhưng đã tìm thấy nó, khẳng định công việc cứu nạn đang được tiến hành. Ban đầu chúng tôi không biết đã có thảm kịch xảy ra, mọi việc chỉ trở nên rõ ràng về sau", ông Putin tiết lộ.

Tổng thống Nga cũng xác nhận kết quả của cuộc điều tra chính thức về thảm họa này, cho thấy một vụ nổ xảy ra trong khoang chứa ngư lôi, dẫn tới cháy lớn và kích nổ toàn bộ số vũ khí trên tàu.

Trong ngày đầu tập trận, tàu ngầm Kursk phóng thành công một tên lửa Granit mang đầu đạn giả. Hai ngày sau, thủy thủ đoàn chuẩn bị phóng một ngư lôi huấn luyện Type-65 nhằm vào tàu Peter Đại đế. Ngư lôi này không mang đầu đạn, được sản xuất và kiểm tra với quy chuẩn chất lượng thấp hơn đạn chiến đấu.

Tổng thống Putin thăm hỏi thân nhân các thủy thủ trên tàu Kursk. Ảnh: Kremlin.ru.

Nhóm điều tra hải quân Nga kết luận vụ nổ bắt nguồn từ HTP, dạng cô đọng của hydrogen peroxide, vốn được dùng làm nhiên liệu cho ngư lôi Type-65. Một mối hàn lỗi trên vỏ ngư lôi khiến HTP rò rỉ ra ngoài. Khi tiếp xúc với nước biển và một chất xúc tác, nó nhanh chóng giãn nở với thể tích gấp 5.000 lần ban đầu, tạo ra lượng lớn hơi nước và oxy.

Áp lực từ phản ứng này làm thủng bồn nhiên liệu kerosene trên ngư lôi và gây vụ nổ đầu tiên tương đương với 100-250 kg thuốc nổ TNT lúc 11h28 ngày 12/8. Vách ngăn giữa khoang ngư lôi và trung tâm chỉ huy không chặn được sóng xung kích của vụ nổ, do hai khoang được nối bằng ống thông khí mở. Điều đó khiến 36 người trong khoang chỉ huy thiệt mạng ngay lập tức.

140 giây sau, ngọn lửa từ vụ nổ đầu tiên kích hoạt 5 đầu đạn ngư lôi trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, gây ra vụ nổ thứ hai tương đương 3-7 tấn TNT, tạo ra lỗ thủng lớn trên vỏ tàu, phá nát ba khoang đầu tiên, khiến Kursk chìm xuống biển. 95 trong tổng số 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng ngay sau hai vụ nổ. Chỉ có 23 người ở khoang số 9 cuối tàu sống sót, nhưng nỗ lực cứu hộ thất bại khiến họ tử vong vì thiếu oxy sau đó vài ngày.

Thảm họa tàu ngầm Kursk là một trong những sự cố gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử tàu ngầm quân sự thế giới, chỉ xếp sau vụ chìm tàu USS Thresher của Mỹ năm 1963 làm 129 người thiệt mạng. Đây cũng là một trong nhiều sự kiện thúc đẩy cải cách toàn diện trong quân đội Nga, nhằm khôi phục tiềm lực quốc phòng và khả năng sẵn sàng chiến đấu trong thế kỷ 21.

Tác giả: Tử Quỳnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP