“Cháy”, “Ế” và “Triệu hồi”
Nếu theo dõi hoạt động của dòng xe mang thương hiệu Piaggio trong những năm qua, không ít người phải giật mình thảng thốt.
Hồi tháng 10/2010, chị Thủy ở TP. Hà Tĩnh dừng xe trước cổng Sở Tài chính tỉnh để lên tầng 4 có việc, chưa lên đến nơi thì đã nghe thấy người đi đường hô hoán xe bốc cháy. Đáng lưu ý là chiếc xe này mới chỉ mua được 10 ngày, vận hành 217 km. Chỉ hơn một năm sau, vào tháng 2/2012, một chiếc LX khác của chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) cũng đột nhiên bốc khói khi đang đi trên đường.
Không lâu sau đó, ngày 24/9/2012, một chiếc xe hiệu Vespa LXV của anh Đỗ Ngọc Quang (Đống Đa, Hà Nội) đang dựng trước hiên nhà cũng đột nhiên bốc cháy đùng đùng. Sau 15 phút dập lửa với sự hỗ trợ của những người xung quanh, thứ mà anh Quang nhận được chỉ là chiếc khung nham nhở muội của chiếc xe.
Xe Medley Piaggio của anh Nguyễn Trọng Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) mua từ cuối 2016 nhưng thường hết ắc quy, không khởi động được. |
Nội) mua từ cuối 2016 nhưng thường hết ắc quy, không khởi động được.
Gần đây nhất là tháng 11/2017, một chiếc Vespa đang đi trên phố Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tóe lửa từ gầm rồi bốc cháy dữ dội…
Đây chỉ là một vài trong số những vụ việc được truyền thông phản ánh.
Đó là nói đến cháy, chưa nói đến một số lỗi mà nhiều người tiêu dùng đặt ra như hỏng vặt, linh kiện, chi phí thay thế, sửa chữa luôn thuộc diện đắt đỏ hàng đầu. Trên những group về xe máy của người Việt, không thiếu những tiếng than kiểu: mua xe nhập hơn trăm triệu, mua về xài vài năm, bán đi giỏi lắm được đến 20 triệu đồng. Và đương nhiên, sự so sánh với những dòng xe bình dân, bền bỉ, máy khỏe là điều không tránh khỏi.
Không những thế, mật độ triệu hồi dày đặc của các dòng xe Piaggio cũng khiến nhiều người phải thay đổi quyết định khi muốn mua xe mới. Chỉ trong vòng ba năm, từ 5/2014 đến tháng 11/2017, số lượng xe của Piaggio nằm trong diện triệu hồi đã lên tới 42.579 xe. Giật mình hơn, nếu nhìn vào con số 16.387 xe triệu hồi trong năm 2017 tại Việt Nam (chiếm tới 94% tổng số xe máy bị triệu hồi trong cả nước), nhiều người dù không muốn nhìn thẳng vào sự thật cũng đành phải lắc đầu tiếc nuối cho một thương hiệu….
Quá khứ vàng son không cứu nổi hiện thực cay đắng
Còn nhớ, hơn 10 năm trước đây, Piaggio chập chững bước chân vào thị trường Việt Nam, chấp nhận là kẻ đến sau bởi những thương hiệu xe máy đến từ Nhật Bản. Thế nhưng, chỉ mất một năm, họ đã có thể xây dựng được một nhà máy ở Vĩnh Phúc và sản xuất chiếc Vespa đầu tiên trong năm.
Bước sang năm 2009, thương hiệu xe đến từ đất nước hình chiếc ủng đã tung ra mẫu Vespa LX nội địa. Giá thành phải chăng, đáp ứng được nhu cầu của người dân về mẫu mã, thương hiệu…, Vespa LX nhanh chóng đem lại cho Piaggio những khoản lợi nhuận kếch xù. Tại thời điểm đó, ở phân khúc cao cấp, Piaggio gần như không có đối thủ. Chỉ tính trong 2009, Piaggio đã bán được tới 20.000 xe.
Khi tung ra tân binh Piaggio Liberty với mức bình dân hơn sau đó, thương hiệu này tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường. Với khoảng 70.000 xe bán ra, Piaggio đã chiếm tới 80% thị phần phân khúc xe cao cấp ở thời điểm hoàng kim nhất.
Tuy nhiên, bước vào khoảng năm 2013-2014, doanh số xe Piaggio bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Chỉ có 55.000-56.000 xe được bán trong giai đoạn này. Đến 2015 chỉ còn 46.000 xe, năm 2017 chỉ còn 44.000 xe. Cứ đà này, doanh số bán hàng của hãng xe đến từ nước Ý sẽ còn tiếp tục sụt giảm không phanh.
Nếu đặt con số bán ra chỉ vẻn vẹn 50 chiếc Medley được bán ra trong năm 2017 đứng cạnh con số gần 8.000 xe Honda SH, đối thủ trực tiếp cùng phân khúc thì một câu hỏi được đặt ra sẽ là: Tương lai nào đang chờ đợi Piaggio tại Việt Nam?
Nguyên nhân nào lý giải cho điều này? Từ lâu râm ran trên nhiều diễn đàn ô tô xe máy than phiền, hỏi han cách trị bệnh cho dòng xe này. Khi nhìn vào mẫu xe cao cấp Medley của hãng (đối thủ của Honda SH), nhiều người không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Trọng Nghĩa (Hà Nội), cho dù đã dăm lần thay ắc quy cho chiếc xe Medley mới mua, nhưng chỉ cần đôi tuần không đụng đến đã phải gọi cứu hộ xử lý. Việc một chiếc xe máy cả tháng không đi bị hết điện, đâu đó vẫn có trong đời thường nhưng đôi, ba tuần đã chết máy kiểu này thì “người giàu cũng khóc”. Không chỉ riêng trường hợp anh Nguyễn Trọng Nghĩa, nhiều khách hàng khác của Piaggio cũng trong tình trạng dở khóc dở cười viết thư phản ánh tới báo chí nhờ giúp đỡ để được xử lý triệt để các lỗi lặt vặt như kể trên.
“Đừng bao giờ dạy người giàu phải mua xe gì”, có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao, thương hiệu xe máy sang trọng, cao cấp đến từ nước Ý này đang mất đi thị phần tại Việt Nam.
Tác giả: Chi Huế
Nguồn tin: Báo Dân trí