Bệnh nhân đau đầu, bác sỹ nội soi cả tai lẫn họng
Vừa qua, Báo Đời sống & Tiêu dùng nhận được phản ánh của nhiều người dân ở thị trấn Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Phòng khám đa khoa Hoành Sơn (tiểu khu 3, Khu phố Hưng Hòa, thị trấn Kỳ Anh).
Trong vai một bệnh nhân mắc chứng bệnh đau đầu, phóng viên đến làm thủ tục khám tại phòng khám Hoành Sơn để tìm hiểu thông tin. Tại đây, phóng viên được bác sĩ Đặng Thị Hoa Lữ, chuyên khoa cấp I khám sơ bộ và một người đo huyết áp, sau đó được chỉ định ra nộp 190 nghìn đồng để chụp X- Quang (Blobdeau-Hirtz) và nội soi răng hàm mặt.
Dù có không có nhu cầu chụp X – Quang nhưng bệnh nhân (PV) vẫn được các nhân viên ở đây đưa đi chụp, không những thế, mà chỉ phản ánh là mình bị nhức mũi nhưng bác sĩ Nguyễn Gia Tuấn nội soi luôn cả tai lẫn họng.
Điều đặc biệt, bệnh nhân chỉ đau ở mũi còn các bộ phận khác bình thường nhưng bác sĩ Nguyễn Gia Tuấn vẫn chẩn đoán “Viêm Amydanl, viêm họng, viêm mũi, viêm ống tai ngoài bên phải”.
Đơn thuốc “cắt cổ” và “thần dược” tự ý pha chế
Sau khi có kết quả chụp X-Quang và nội soi tai mũi họng, “bệnh nhân” được đưa trở lại phòng của bác sĩ Đặng Thị Hoa Lữ và được bác sỹ này đọc bệnh, lên đơn thuốc cho gồm: zinnar 500mg, &choytrotrypsin, cetiri zib 10mg, và một chai nước súc miệng.
Bác sỹ cho biết chai nước súc miệng này “ở đây (phòng khám Hoành Sơn) tự pha chế từ 3 loại thuốc, về súc miệng hàng ngày chứ không được uống”, tuy nhiên khi “bênh nhân” hỏi thành phần để pha chế thì cả bác sỹ lần nhân viên y tế ở đây đều không chỉ ra được, chỉ biết giá của nói là 35 000đ/1 chai.
So sánh đơn thuốc và số thuốc đã mua tại phòng khám đa khoa Hoành Sơn ở thị trường thì đều thấy số thuốc tại phòng khám Hoành Sơn có giá bán cao hơn ở ngoài. Điều đánh nói là nhiều dược sỹ tại các quầy thuốc đều ngỡ ngàng vì theo quy định, phòng khám không được bán thuốc và không được pha chế thuốc. Quầy pha chế thuốc bắt buộc phải có dược sĩ đại học đứng tên và có phòng pha chế riêng.
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Luân, Trưởng phòng Y tế huyện Kỳ Anh cho biết, theo quy định phòng khám không được bán thuốc.
“Trong luật khám chữa bệnh, đã khám bệnh là cấm bán thuốc, đã dẹp rồi. Không được pha chế, nếu pha chế là phải đăng ký, bản quyền, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Quầy thuốc đã được dẹp rồi, nếu có bán thì để anh xuống kiểm tra đột xuất” – ông Luân nói.
Cũng theo ông Luân, mặc dù Phòng khám Hoành Sơn mới mới hoạt động nhưng đã bị cơ quan quản lý nhà nước về y tế đình chỉ hai lần, một lần chưa có giấy phép hoạt động, lần thứ hai không cho bán quầy thuốc.
Trước những hoạt động “nhập nhèm” của Phòng khám đa khoa Hoành Sơn, người dân địa phương bày tỏ mong muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, làm rõ để yên tâm sử dụng các dịch vụ y tế tại đây.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc.