Sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (QH) về các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham gia trả lời chất vấn về nhóm vấn đề này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tôi đã theo dõi QH từ nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này, cũng như theo dõi dư luận và trao đổi trực tiếp với rất nhiều giáo viên và nhân dân thì thấy rằng, giáo dục là vấn đề toàn dân quan tâm. Vấn đề các đại biểu QH đã chất vấn, trao đổi, tranh luận sáng nay cũng rất trùng với những vấn đề mà chúng tôi đã được nghe từ nhân dân qua rất nhiều kênh”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Ảnh: Đỗ Thơm).
Phó Thủ tướng cho rằng: “Không có một báo cáo nào có định tính chính xác. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế hàng năm đều đưa ra những nhận xét khác nhau về kinh tế-xã hội. Với Việt Nam, tùy từng báo cáo nhưng đa phần, giáo dục đứng vào khoảng từ 60-70. Nghĩa là, so với trình độ phát triển kinh tế-xã hội chung thì giáo dục hơn các nước có trình độ tương đương.
Chúng ta còn rất nhiều điều không hài lòng về giáo dục nhưng chúng ta cũng phải đánh giá những nỗ lực của ngành giáo dục, không chỉ trong một vài năm qua mà trong suốt cả một quá trình. Bởi giáo dục bao giờ cũng là một quá trình, đổi mới cũng là một quá trình và nhiều khi, những việc cố gắng ngày hôm nay thì đến 10 năm sau mới có kết quả”.
Liên quan đến giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Cần đặc biệt lưu ý giáo dục đối với dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ chúng ta đã cố gắng trong thời gian qua nhưng thời gian tới sẽ phải có những chương trình chính sách cụ thể hơn để cho giáo dục với đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn”.
Về chất lượng giáo dục đại học được nhiều đại biểu chất vấn cho rằng chưa được nâng cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Có nhiều nguyên nhân nhưng kiểm định chất lượng trong quá trình học và kiểm định chất lượng đầu ra chưa tốt. Tới đây, sẽ khuyến khích các trường tự kiểm định, có các trung tâm kiểm định để làm tốt hơn.
Chính phủ và Bộ GD&ĐT cũng cố gắng chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ đại học, tự chủ về chuyên môn, tài chính, tổ chức nhân sự. Tuy nhiên, tự chủ về tài chính không có nghĩa là Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách, Nhà nước không đầu tư cho các trường tự chủ. Vì thực tế, tự chủ là xu hướng, yêu cầu của các trường đại học lớn trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, trường tự chủ nhưng vẫn nhận được 80% thậm chí là 90% kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Vấn đề tự chủ thực chất là bớt can thiệp hành chính không cần thiết vào công việc của nhà trường trong môi trường giáo dục. Kết quả bước đầu của các trường thực hiện tự chủ thời gian qua của chúng ta là tương đối tốt”.
Phản bác lại ý kiến trước đó của một vị đại biểu QH cho rằng: “Phải chăng, Việt Nam không có triết lý về giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việt Nam có triết lý giáo dục chứ không phải không có. Có điều, Việt Nam không có những câu trích dẫn để thành kinh điển nói rằng đây là bất di bất dịch, là triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục Việt Nam trước hết là xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng con người Việt Nam toàn diện: đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và có trách nhiệm…”
Trước khi kết thúc phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những ý kiến của nhiều đại biểu và nhân dân liên quan đến vụ việc giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bị chính quyền địa phương điều đi làm lễ tân, tiếp khách trong các dịp lễ lớn, làm nóng dư luận thời gian qua.
“Tôi cho rằng đây là việc rất không tốt. Không chỉ với giáo viên mà với tất cả các cán bộ, nhân viên, nếu chúng ta không có thái độ kiên quyết thì sẽ có những sự việc manh nha khác. Ví dụ, nếu chúng ta để ý thì có một vài cơ sở đến các ngày lễ đã yêu cầu cán bộ nhân viên nữ đứng ra làm tiếp tân, tiếp khách một cách không cần thiết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phát biểu sau khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn cũng như phần tranh luận của các đại biểu. Tranh luận để làm sao cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tốt hơn. Đây là việc hết sức bình thường. Điều này chứng tỏ, giáo dục là lĩnh vực được xã hội đặc biệt quan tâm”.
Thu Dương – Đỗ Thơm (ghi)