Hịch khoa học công nghệ
Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, các thành viên đang chia sẻ, truyền cho nhau cùng đọc, xem một bài Hịch khoa học công nghệ của tác giả Phạm Xuân Cần.
Với cách mượn lời văn của người xưa, trong nội dung bài Hịch, tác giả đã nêu ra rất nhiều vấn đề nhức nhối xoay quanh việc phát triển khoa học công nghệ trong nước, từ đó so sánh với các quốc gia khu vực và thế giới.
Một vấn đề cũng được tác giả nhắc nhiều trong bài và thu hút sự chú ý, đó là việc, nước ta có quá nhiều các giáo sư, tiến sĩ về khoa học, nhưng để kể tên những người được thế giới công nhận như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu là rất ít.
Trong khi những người không có bằng cấp như “Thần đèn” hay “Hai lúa” có thể dời những công trình lớn hoặc chế tạo máy bay thì rất nhiều bóng dáng giáo sư hay tiến sĩ lại không thấy đâu.
Bên cạnh việc nêu rõ vấn đề yếu kém trong khoa học cộng nghệ của nước ta, bài Hịch của tác cũng đề cập đến vấn đề chạy chức quyền, sự tha hóa trong một bộ phận lãnh đạo, bệnh thành tích…
Ở phần cuối, tác giả Phạm Xuân Cần cũng đặt ra mong muốn, hy vọng mỗi người dân hãy quan tâm nhiều hơn đến việc học hành, nghiên cứu khoa học… để từ đó đất nước sẽ “hóa hổ, hóa rồng”, “trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng”…
Có như vậy thì những thứ như giải thưởng Nobel, Fields… sẽ chẳng còn khó và không còn là điều xa lạ đối với Việt Nam.
Chỉ sau một thời gian ngắn, bài Hịch đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và hàng ngàn bình luận của các thành viên sau khi theo dõi, đọc xong.
Và chính lời văn mạnh mẽ, đi thẳng vào các vấn đề còn tồn tại của ngành khoa học cộng nghệ đã khiến bài Hịch càng thu hút sự quan tâm.
Không ít ý kiến cho rằng, bài Hịch đã làm “thức tỉnh thần hồn cũng như nội dung thấm đẫm tim gan” hay “mỗi câu, mỗi chữ đọc xong đều thấm thía trong tâm can”.
Một đoạn trích trong Hịch khoa học công nghệ của tác giả Phạm Xuân Cần.
“Mỗi người là một tế bào. Muốn xã hội tốt, đất nước phát triển mỗi cá nhân phải có nhận thức rõ ràng, đều cố gắng hoàn thiện, cố gắng lao động, cố gắng trau dồi nhân phẩm, đạo đức, kiến thức và học hỏi.
Có như vậy những tập thể mới vững, xã hội mới an, văn minh mới sáng, đất nước mới giầu đẹp được”, thành viên Dung Phương Nguyễn viết.
Đồng quan điểm đó thành viên Chi Nguyen cũng bày tỏ: “Hy vọng sau bài hịch tinh thần dân tộc sẽ lại bùng lên người người đều cố gắng, đất nước ta ngày càng phát triển giống như khi xưa sau Hịch tướng sĩ quân Nguyên Mông đã bị ta đánh tan tành”.
Mong các nhà khoa học thấy rõ trách nhiệm với đất nước
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An xác nhận, ông chính là tác giả của bài Hịch trên.
Ông Cần cho biết, ông viết bài Hịch khoa học công nghệ (KHCN) vào năm 2010, ngay trong buổi họp tổng kết hoạt động KHCN năm 2009 của tỉnh, mà ông đang là người đồng chủ trì hội nghị.
“Cũng nghĩ viết tếu táo cho vui, thậm chí còn đề tác giả là “Khoa Học Đại vương Trần Công Nghệ”, nhại cụ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Xong, tôi đọc và gửi cho một số bạn bè xem, thấy ai cũng tỏ ra rất thích thú. Mấy tháng sau tình cờ có người nói có bài Hịch KHCN trên mạng hay lắm.
Tôi vội vàng vào lục tìm thì đúng là bài Hịch của mình đã được đưa lên mạng. Sau này mới biết một cô bạn là biên tập viên của một tờ tạp chí khoa học đã gửi nó cho một số nhà khoa học và từ đó họ đã đưa lên một trang blog khá nổi tiếng khi đó”, ông Cần kể.
Theo ông Cần, đến năm 2011 khi lập blog, ông mới đưa bài này về blog của mình và ngay từ những năm đó bài Hịch đã nhận được sự tán thưởng của độc giả cũng như nhanh chóng lan truyền trên mạng, đồng thời có một số dị bản khác nhau.
“Mấy hôm nay nó lại được nhắc đến khá rôm rả. Dĩ nhiên là tôi cũng thấy rất phấn chấn, khi một bài văn nhại cổ tếu táo của mình lại được cộng đồng quan tâm đến như vậy”, ông Cần cho biết thêm.
Ông Cần chia sẻ, dĩ nhiên bài Hịch này có liên quan đến công việc mà xưa nay ông vẫn đang làm, đó là nghiên cứu khoa học và hiện nay là quản lý nhà nước về KHCN.
Tuy nhiên, đây không phải là một báo cáo tổng kết hay một công trình khoa học, nên không thể đánh giá, đo đếm chính xác hiện trạng.
Một số vấn đề trong đó được nhấn mạnh bằng các thủ pháp phóng đại hay ngoa dụ để gây ấn tượng, chưa hẳn là những thực tế phổ biến.
“Tôi cũng là “người trong chăn”, nên biết chăn có rận hay không. Như vậy có thể coi bài Hịch này là tiếng nói tự trào của tôi, một người trong cuộc.
Và hy vọng là nó cũng nhận được sự đồng tình, đồng cảm của các đồng nghiệp và dư luận xã hội.
Bài Hịch viết với giọng văn nhại cổ, tự trào, tếu táo, nhưng lí do và mục đích cũng như động cơ của người viết là hết sức nghiêm túc.
Tôi không mong gì hơn là qua những lời có vẻ tếu táo đó, người đọc, nhất là các nhà khoa học, các nhà quản lý và lãnh đạo cũng như công chúng có một cảm nhận về thực trạng KHCN cũng như những vấn nạn của chính ngay giới nghiên cứu.
Bài Hịch cũng đã kêu gọi các nhà khoa học cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, tuy nhiên theo cách trào phúng pha chút dễu cợt, chua cay.
Tất nhiên, mỗi người tùy theo góc độ tiếp cận, tùy theo nhận thức và lợi ích của mình có thể có những quan điểm khác nhau đối với bài Hịch.
Nhưng, tôi có thể khẳng định rằng: Động cơ của tôi là trong sáng, có tính xây dựng và cũng mong muốn mọi người nhìn nhận bài hịch theo hướng phản biện tích cực”, ông Cần bày tỏ.
Một đoạn trích trong bài Hịch khoa học công nghệ của Tác giả Phạm Xuân Cần:
… Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chắc cả trung đoàn
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu cũng dăm đại đội
Được thế thì:
Kiếm giải “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng…
theo Trí Thức Trẻ