Tổng hợp của sự nhảm nhí
Nếu như các mùa hè năm trước đọng lại dư vị của những bộ phim được xem là “coi cũng được” với doanh thu đem về khá khủng cho nhà sản xuất như: Để mai tính (2010), Long ruồi (2011), Cưới ngay kẻo lỡ (2012)… Những bộ phim trên đã định hình cho mùa phim hè, khiến nó phát triển rầm rộ bên cạnh mùa phim Tết. So với mùa hè các năm trước, phim hè 2013 dù sắp chạm đích nhưng vẫn khiến nhiều người phải ngẩn ngơ vì sự bội thực của các loại phim siêu nhảm và dở tệ. Dù rằng năm nay, phim Việt ra mắt vào mùa hè khá đông đảo, quyết liệt, với nhiều cái tên làm khán giả mong chờ vì lời hứa hẹn từ mùa phim tết nhưng kéo dài mãi đến hè mới kịp ra mắt như: Lọ lem Sài Gòn, Bụi đời Chợ Lớn, Biết chết liền, Đường đua, Thạch Sanh, Lửa phật, Âm mưu giày gót nhọn…
Gần như các phim trên đều ra rạp trễ hẹn so với lời công bố từ trước. Như phim Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy bị duyệt lên, duyệt xuống vì có quá nhiều cảnh bạo lực. Hoặc những bộ phim chưa ra rạp đã bị cấm phát hành dù nhà sản xuất từng cho biết đã đầu tư gần 16 tỷ đồng như Bụi đời Chợ Lớn. Hay những bộ phim chưa kịp hoàn thành dù đã công bố lịch chiếu rầm rộ như Âm mưu giày gót nhọn. Dù khá rầm rộ, nhưng mỗi bộ phim lại mang một số phận khiến phim hè ngày càng giảm chất lượng. Chưa kể đến những bộ phim hè siêu nhảm kinh điển như Cát nóng, Biết chết liền, Săn đàn ông cũng khiến khán giả phải rùng mình ngao ngán vì tính chất thảm họa đã vượt tầm kiểm soát.
Có một điều được lặp đi lặp lại trong phim Việt, đó là kịch bản được viết lên nhằm khai thác yếu tố gây cười. Nhiều đoạn thoại được dàn dựng lên không ít những màn “thọt lét” khán giả nhưng lại không khéo léo khiến những màn gây cười ấy lại rời rạc với mạch phim, nên không đẩy phim đến tận cùng mà khiến nó kéo dài lê thê mà không tạo được hiệu ứng cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều phim tạo chú ý bằng cách sử dụng dàn diễn viên ngôi sao để hút khách như kiểu làm của các phim thần tượng.
Hit: Hoàng tử và lọ lem là một điển hình. Bộ phim sử dụng hàng loạt các ngôi sao thần tượng của giới trẻ như: Midu, Ngọc Trinh, Andrea… nhằm kéo khán giả ra rạp nhưng lại xây dựng trên một kịch bản quá dở với những câu chuyện thiếu logic đến sửng sốt và nhiều chi tiết thừa thãi gây hoang mang cao độ cho người xem. Chưa kể đến những lỗi tưởng chừng quá ngô nghê vì âm thanh quá ẩu. Từ các màn biểu diễn tới thoại thì phần tiếng không khớp với khẩu hình của diễn viên. Dựng phim rời rạc khiến tông màu của phim ở mỗi cảnh mỗi khác nhau. Tóm lại, Hit: Hoàng tử và lọ lem là một sự tổng hòa của các thảm họa, nhưng khi khán giả vào rạp lại không rời ghế, bởi họ tò mò một nỗi, đoạn sau của phim tệ hơn đoạn trước như thế nào. Và có chăng điều đọng lại chỉ là những câu thoại kinh điển như: “Yêu nhau vì sinh lý, quý nhau vì đồng tiền”, “năng khiếu của những đứa thần kinh là làm cho người thông minh ức chế”.
Trong khi đó, phim Biết chết liền của đạo diễn Lê Bảo Trung lại “tấn công” khán giả bằng những cảnh gợi cảm quá đà của Angela Phương Trinh. Đồng thời khiến khán giả hại não vì những pha kinh dị cười đau ruột. Khác với cách làm phim kinh dị thông thường, ở phim này hầu như chỉ sử dụng những chiêu trò hóa trang để dọa khán giả. Hình ảnh ma nữ thoắt ẩn, thoắt hiện trong bóng đêm, gương mặt ghê rợn của những người mắc bệnh lạ ở ngôi làng quỷ ám được khắc họa cẩn thận để tạo sự rùng rợn cho người xem, nhưng tiếc thay nó chỉ làm cho phim thêm phần nhạt nhẽo và buồn cười. Dù rằng bộ phim được đầu tư kinh phí để làm phim 3D nhưng lại không phát huy được tác dụng kỹ xảo tiên tiến mới, khiến cho bộ phim vốn rơi vào cảnh đã lãng phí nay lại càng lãng phí hơn.
Có những hãng phim chỉ có mỗi… văn phòng giao dịch
Nhận xét về nền điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, phó giám đốc phụ trách nghệ thuật hãng phim truyện Việt Nam cho biết: “Trong khoảng 10 năm nay, điện ảnh Việt có sự thụt lùi so với các nền điện ảnh trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore… Cách đây 10 năm điện ảnh Thái Lan cũng đang chập chững để tiệm cận với điện ảnh thế giới, nhưng nếu bây giờ so sánh với họ, điện ảnh Việt Nam đã trở nên yếu ớt. Hệ lụy là những tác phẩm không còn được lưu tâm nữa. Chúng ta không được chọn vào những liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương, liên hoan phim Quốc tế Dubai. Với các liên hoan phim nhỏ chúng ta còn gặp khó khăn thì đừng mơ mộng ở những điều lớn hơn”.
Phân tích sâu về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói: “Do bắt đầu xã hội hóa điện ảnh nên điện ảnh Việt chưa có sự chuẩn bị rõ. Nhiều phim Việt đang trong thời điểm định hướng, các phim mang tính thương mại nên giá trị thẩm mỹ, giáo dục thấp. Hiện nay, hễ có tiền thì có thể làm phim. Nếu như lĩnh vực y tế có bác sĩ, thì ở nước ta hãng phim chỉ có các văn phòng mà thôi. Ở Mỹ có hàng chục hãng phim, hệ thống phát hành, nhân sự đông đúc có kinh nghiệm, kỹ năng. Còn ở Việt Nam chỉ có vài người tất cả đều phải đi thuê mướn nên hầu hết đều có tính giải trí nhiều để bù lại vốn đã bỏ ra, khi đã bỏ ra nhiều tiền để làm thì đều muốn thu lại, nhưng khi đã thu được nhiều tiền thì không bỏ ra nhiều tiền để làm nữa để có lời”.
Nhà biên kịch Tô Hoàng, giảng viên trường đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM phân tích sâu thêm: “Vì vốn đầu tư không có mà để đầu tư có lời phải chiều theo thị hiếu khán giả trẻ bằng những bộ phim tình yêu, lăng xê sao này sao khác. Nguyên nhân sâu xa khác là thiếu nhân lực, không kể đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên mà chúng ta còn thiếu cả nhân viên kỹ thuật, kém về cơ sở vật chất, không có máy móc hiện đại. Thiếu nhiều quá nên phải tìm cách hạ thấp đề tài mà kéo người xem đến rạp. Do đó muốn phát triển nền điện ảnh phải nhanh chóng đưa người đi học nước ngoài cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật”.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đề nghị: “Nếu chúng ta không mạnh về kinh phí, kỹ thuật, thì tìm một định hướng khác với những dự án vừa nhỏ thôi nhưng có giá trị cao, quy mô thì không cần lớn nhưng câu chuyện sâu sắc, chúng ta nên lấy tấm gương từ Iran họ đã thành công khi bắt đầu thực hiện hướng đi đó từ những năm 90. Ngoài ra, nếu có cơ chế mở hơn một chút, sẽ có tác phẩm tương đối tốt. Bởi hiện nay ngay trong phần kịch bản nhiều tác giả vẫn còn suy nghĩ viết như thế nào để được chọn và được duyệt, thì sẽ làm ảnh hưởng đến tính sáng tạo tuyệt đối của tác phẩm. Nếu có sự cộng hưởng giữa văn hóa, nhà biên kịch sẽ cộng hưởng và phát triển nền điện ảnh. Hiện nay, Cục điện ảnh đã đưa ra chủ trương phát triển mới, phải có bước đi chính xác. Để phát triển nền điện ảnh chúng ta nên đào tạo nhân lực ở chiều sâu, tiếp cận công nghệ mới của điện ảnh thế giới”.
Dù là phim thị trường cũng phải có thông điệp. Đằng này…!!!
Đạo diễn Trọng Trinh, hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Trong nền kinh tế thị trường, bỏ một đồng thì phải thu hồi lại được. Nhiều bộ phim không mang lại hiệu ứng một phần nhỏ có thể do đặt sai đối tượng khán giả. Bên cạnh đó là sự vội vàng hấp tấp của những người làm nghệ thuật. Do đó làm sao không có sạn, và làm sao chinh phục được khán giả. Nhiều phim quá dễ dãi thì người xem không đến rạp là điều dễ hiểu và dù là dòng phim thị trường thì cũng phải tạo ra một thông điệp rõ ràng có cá tính màu sắc đúng ngôn ngữ điện ảnh”.
Cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan quản lý
Nhà biên kịch Tô Hoàng, giảng viên trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Về căn bản, phim do tư nhân làm thiên về câu khách để hút giới trẻ đến rạp, nên nội dung không sâu sắc, tính khái quát chưa cao nhưng lại nhiều tiền. Với những hãng phim nhà nước thì lại quá nhiều kịch bản còn xơ cứng, không có vốn, phim Nhà nước một năm chỉ có 4-5 bộ. Để phát triển điện ảnh Việt Nam trong tương lai chúng ta cần đầu tư và phát triển nhiều thứ hơn nữa mà để làm những điều đó cần có sự quan tâm hơn nữa từ nhà nước”.
Hợp Phố
Người Đưa Tin