Theo ảnh chụp vệ tinh, quanh khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún. (Ảnh: 38North) |
"Đây có thể là rung chấn do vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân lớn khiến vỏ Trái Đất dịch chuyển và cần thời gian để nó ổn định trở lại", Reuters dẫn lời đại diện của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết.
Cũng theo USGS, họ đã phát hiện nhiều dư chấn tương tự ở khu vực này kể từ sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên. Điều này làm dấy lên lo ngại vùng núi nơi Bình Nhưỡng thử hạt nhân đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí khó có thể chịu đựng thêm một vụ thử nào khác và có thể khiến Triều Tiên mạo hiểm lựa chọn thử hạt nhân trong không trung.
Bãi thử Punggye-ri nằm ở khu vực đồi núi phía đông bắc Bình Nhưỡng. Đây được coi là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và là bãi thử hạt nhân còn hoạt động duy nhất trên thế giới.
Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra trong một hệ thống đường hầm chạy dưới chân núi Mantap, gần bãi thử Punggye-ri. Đường hầm dài hơn 1km với 3 cửa vào. Qua thời gian, hệ thống đường hầm này được mở rộng ra.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí