Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Điện ảnh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực Điện ảnh nhằm thúc đẩy nền Điện ảnh nước nhà ngày càng phát triển, tháng 7/2010 Ban bí thư Trung ương Đảng đã Quyết định lấy ngày 15/3 là ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam, được tổ chức trên phạm vi cả nước.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Hà tĩnh là nơi chảo lửa, túi bom, nhưng CBCNV ngành chiếu bóng đã vượt qua bao gian nan thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng giao đó là: đưa phim ra phục vụ tận chiến hào, trận địa pháo để động viên chiến sỹ, đồng bào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; chiếu phim tại vùng trọng điểm địch đánh phá ác liệt như: Ngã Ba Đồng Lộc, Linh Cảm, Cầu Nghèn, tuyến đường 15A, đường 21, 22 hoặc các bản làng xa xôi hẻo lánh: Hương Sơn, Hương khê, Kỳ Anh đến các vùng dân cư đồng bằng ven biển như: Thịnh Lộc, Kỳ Phương, Kỳ Trinh… những nơi địch có thể pháo kích bất cứ lúc nào. Đặc biệt, phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh đã cử 2 đội chiếu bóng lưu động sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Trong những năm tháng chiến tranh, CBCNV ngành chiếu bóng không chỉ đổ mồ hôi tìm cách che chắn ánh sáng để đảm bảo an toàn cho buổi chiếu mà còn đổ máu hy sinh như : Liệt sỹ Nguyễn Văn Minh hy sinh tại Truông Bồn Nghệ An trên đường nhận phim từ Hà Nội về; một số đ/c để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường B, K, C, tại các trọng điểm đường 21, 22, Ngã Ba Đồng Lộc trong lúc làm nhiệm vụ. Chính trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, Phát hành phim và chiếu bóng Hà tĩnh đã tổ chức được hàng ngàn buổi chiếu phim phục vụ hàng triệu lượt Cán bộ, chiến sỹ, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân. Với những thành tích đó, năm 1968, Phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba, năm 1973 tiếp tục được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì.Thời kỳ 1975-1991 đây là giai đoạn sát nhập tỉnh, ngành phát hành phim và chiếu bóng Nghệ Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống, đặc biệt 8 huyện thị phía nam thuộc Hà Tĩnh cũ có 7 rạp và 25 đội chiếu bóng phục vụ đến khắp mọi vùng quê, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên toàn dân thi đua đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định cuộc sống.Năm 1991 đến nay (6/2012), Phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh lại trở về với tên gọi của mình. Hoạt động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt cùng với khó khăn chung của ngành phát hành phim và chiếu bóng cả nước, phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh cũng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt Nghị định 48/CP của chính phủ ra đời như một liều thuốc bổ vực dậy ngành điện ảnh.Việc thực hiện đầu tư thiết bị hiện đại hóa khâu phổ biến phim từ năm 1995 thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển điện ảnh” là một chủ trương sáng suốt mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nói chung và hưởng thụ tác phẩm điện ảnh cho nhân dân; công tác chiếu bóng lưu động đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành điện ảnh trong việc thực hiện công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân đặc biệt là nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa…Năm 2012 thực hiện đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh được sát nhập vào Trung tâm văn hóa tỉnh, trên cơ sở đó kiện toàn lại bộ máy tổ chức, tinh giảm biên chế, sắp xếp lại trên nhiều phương diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng kịp thời; chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn ở cơ sở” đã và đang được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; phát hành phim và chiếu bóng còn tổ chức chiếu phim kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác nhằm tăng thêm nguồn thu đảm bảo đời sống cho CBCNV và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước.Hiện nay Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Tĩnh quản lý 01 rạp chiếu phim (400 ghế), mới được đầu tư nâng cấp, sửa chữa tại trung tâm TP.Hà Tĩnh, 03 đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào miền núi: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Hàng năm thực hiện hàng trăm buổi chiếu phim, phục vụ hàng chục ngàn lượt người xem; tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước; đưa những giá trị nhân văn của nghệ thuật thứ 7 đến với quảng đại quần chúng nhân dân.Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Tĩnh có những bước thăng trầm nhưng luôn được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh, Tỉnh ủy, UBND, Sở VHTTDL cùng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, sự nỗ lực vươn lên của toàn thể CBCNV. Nhiệm vụ trước mắt hết sức nặng nề nhưng với truyền thống vẻ vang của 60 năm qua cùng với sức mạnh tổng hợp của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, nhất định phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là người lính xung kích trên mặt trận Văn hóa-Tư tưởng.
Nguyễn Như Thuyết
Sở VH-TT&DL