Đó là công trình bờ kè phía nam sông Đắk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Công trình được đầu tư xây dựng với số vốn gần 100 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012.
Công trình quan trọng này nhằm bảo vệ bờ sông Đắk Bla không bị sạt lở và tạo mỹ quan cho TP Kon Tum. Tuy nhiên, thời gian dài vừa qua, công trình đã bị một số đối tượng đập phá lan can, nắp mương thoát nước bằng bê tông để lấy sắt bán phế liệu.
Một tấm lan can sắt bị phá hoại nửa chừng |
Có mặt tại khu vực này, phóng viên ghi nhận hàng trăm tấm lan can bằng sắt kích thước chừng 60 cm x 3 m bị các đối tượng lấy trộm. Một số tấm lan can chưa bị lấy đi nhưng đã bị đập biến dạng. Bên cạnh đó, cũng có hàng trăm tấm nắp đậy nương thoát nước bằng bê tông cũng bị đập nát để lấy phần sắt bên trong. Sau khi cạy khỏi nương thoát nước, các đối tượng ngang nghiên đập nắp bê tông ngay tại hiện trường và lấy sắt. Phía cuối bờ kè, một số nắp đậy mương thoát nước đã bị đập phá từ lâu nên cỏ mọc đầy. Xung quanh các khu vực này là nương rẫy, không có người sinh sống.
Các tấm nắp mương thoát nước bị đập tại hiện trường để lấy đi khung sắt |
Sáng 12-10, khi thấy chúng tôi có mặt tại khu vực bờ kè phía nam sông Đắk Bla, một thanh niên bịt kín mặt, đi xe máy vội vã bỏ số sắt vào bao rồi nhanh chóng cho lên xe máy phóng đi mất. Bên trong bao này còn lòi ra mấy thanh sắt.
Một trụ sắt bị "vặt" đầu |
Đáng chú ý, sự việc diễn ra từ rất lâu nhưng cơ quan quản lý không có biện pháp ngăn chặn triệt để nên công trình này ngày càng bị xâm hại. Ông Trương Cảnh Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Công ty cổ phần môi trường đô thị Kon Tum - đơn vị quản lý công trình - thừa nhận có việc trộm cắp, phá hoại tại khu vực bờ kè phía nam sông Đắk Bla, viiệc này xảy ra thường xuyên, nhiều lần, mỗi ngày mất một ít. Qua tìm hiểu có thể tạm xác định đối tượng đó là người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và thiếu niên phá hoại tài sản để bán phế liệu. Thời gian phá hoại đa số diễn ra ngoài giờ hành chính, chủ yếu là ban đêm và các ngày cuối tuần.
Hàng trăm tấm lan can đã bị lấy đi bán phế liệu |
"Đối khu vực này thì thưa thớt dân cư, không có người ở do đó việc kịp thời phát hiện để ngăn chặn tình trạng phá hoại thì rất là khó khăn đối với công ty" – ông Vinh nói và cho biết công ty là một doanh nghiệp chưa có các chế tài xử lý các đối tượng. Đề nghị các cơ quan phối hợp để xử lý tình trạng phá hoại như hiện nay.
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động