Yêu cầu lý giải lý do chậm chuyển tiền “lại quả” cho các sếp, Sơn tỏ vẻ khổ sở nói vì phải thu xếp về thời gian. “Bị cáo nói thế nào thì có thể chủ tọa cũng không tin nhưng ở TCty Hàng hải, việc đó phải làm bằng tiền mặt”, Sơn nói.
16h46’, Luật sư Trần Thị Hồng Phúc hỏi lại đại diện Bộ Tài chính (giám định viên trong cơ quan giám định liên Bộ), có phải ụ nổi gọi là “tàu nối bờ không”, ông này phủ nhận.
Về ý nghĩa của công ước HS, ông này cho biết là để quy ước tên gọi theo mã hàng hóa mang tính chất quốc tế (mã và tên khi áp vào phải song trùng nhau thì hàng hóa mới hợp lệ để được tính thuế thông quan).
16h41’, Luật sư Hoàng Huy Được tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều, Chiều nói lại quá trình làm ụ nổi Doc 220, tất cả các hoạt động chào giá, khảo sát đều chuyển cho Phó Tổng GĐ Chung, không phải Chiều làm. Chung còn trực tiếp tham gia đàm phán giá.
Chiều giải thích, Ban QLDA đã thành lập trước khi xem xét ụ nổi 220 này mà chưa phải do Chiều thực hiện là vì thời điểm đó, Chiều đang ở trong Vũng Tàu lo việc đất đai để làm dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Công việc xúc tiến Ban QLDA đầu tư ụ nổi vì thế do Phó Tổng GĐ khác đảm nhận.
16h31’, Thanh minh về việc Trần Hải Sơn khai chỉ gặp ông Goh trong chuyến khảo sát ụ nổi 83M, bị cáo Sơn quả quyết, vì trong chuyến đi khảo sát ụ Doc 220 trước đó ông này không xuất hiện.
Còn về người Nga mà các luật sư đề nghị triệu tập trong ngày làm việc đầu tiên của phiên xử phúc thẩm, Sơn xác nhận có gặp người này trong chuyến đi khảo sát ụ Doc 220 này nhưng không hiểu mục đích sao luật sư đề cập việc này ở đây.
16h21’, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp lời đồng nghiệp. Ông Thiệp đặt vấn đề, khi ông Goh yêu cầu đưa thông tin một công ty để hợp thức hóa thủ tục chuyển tiền 1,666 triệu USD, bị cáo nói với em gái Trần Hải Hà thế nào? Sơn đề nghị công bố lại bút lục vì nếu khai khác đi luật sư lại “vặn” vì không đoán được ý luật sư định hỏi là gì.
Ông Thiệp giải thích, hồ sơ là do Sơn yêu cầu Phú Hà. Vậy khi đặt vấn đề công ty Phú Hà phải ký khống hợp đồng hợp tác kinh doanh thì phải giải thích với em gái như nào. Sơn đáp mọi thủ tục đều do Sơn làm, chỉ nhờ em gái ký hộ. Đã có lời nhờ mà vì quan hệ anh em nên bà Hà cũng không xem xét cụ thể, bảo gì ký nấy, chỉ nói “làm để anh tiếp nhận được 1,666 triệu USD”.
Khi nói các em chuẩn bị tiền để đưa cho các sếp, Sơn không nói lý do phải đưa. Nhưng biết số tiền em lấy ra là từ tài khoản 28 tỷ đồng nhận về đó.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp
16h16’, Luật sư Hoàng Huy Được hỏi thêm Trần Hữu Chiều. Chiều khẳng định lại, chính công ty AP là người giới thiệu ụ nổi Doc 220 trước khi giới thiệu ụ 83M. Trần Hải Sơn có tham gia chuyến khảo sát ụ Doc 220 này. Theo đó, Sơn khai chỉ biết ông Goh tại cuộc khảo sát ụ 83M tại Nga là không đúng sự thật.
Luật sư Được chuyển sang hỏi Trần Hải Sơn. Sơn nhắc lại việc Dũng, Phúc nhắc “tiến hành nhanh” việc nhận tiền lại quả. “2 sếp đã thúc như vậy mà khi nhận được 28 tỷ đồng, 8 tháng sau anh mới chuyển hết tiền theo yêu cầu cho các sếp. Nhận thì một cục, chuyển thì nhỏ giọt là sao?” – luật sư truy. Sơn nói sếp chỉ đạo nhanh là về việc nhận tiền chứ không phải là đưa cho các sếp ngay.
16h15’, Tòa hỏi Sơn còn giữ chứng gì về việc rút 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Hàng hải để mang đến cho Phúc, Sơn nói không giữ gì.
16h7’, Ông Thắng chuyển sang bị cáo Trần Hải Sơn. Luật sư băn khoăn vì sao Sơn lại tự nguyện quan tâm đến Chiều, còn lo cho con Chiều đi du học. Sơn trình bày vì ở TCty, Chiều là người tốt, lại là người có chuyên môn nhất, làm việc tận tâm. Mà khi đưa tiền thì cũng không phải là cho luôn, ban đầu là tiền cho Chiều vay.
16h4’, Luật sư Trần Đại Thắng hỏi thêm Dương Chí Dũng, tháng 8/2008, khi mang valy ruợu lên máy bay như thế nào? Dũng nói do nhân viên sân bay làm thủ tục, mang vào phòng chờ cho. Ông Thắng hỏi thêm bị cáo Trần Hữu Chiều về cuộc khảo sát ụ Doc 220 nhưng không thành (tháng 3/2007) vì ụ này bị chìm đắm. Từ đó, đến tháng 7/2007, AP mới chào đến Vinlines ụ 83M.
16h1’, Bị cáo Trần Hữu Chiều xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự. Lý do nêu ra, ngoài trách nhiệm của HĐQT còn các thành viên, phòng ban chức năng trong TCty mà đã không phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải chia sẻ trách nhiệm dân sự. Chiều đề nghị xem xét trách nhiệm của các thành viên trong HĐQT và lãnh đạo các phòng ban khác tham gia vào việc này.
15h52’, Tòa hỏi thêm Mai Văn Khang. Khang khẳng định tham gia đoàn khảo sát ụ nổi chỉ với tư cách người phiên dịch vì bị cáo biết… tiếng Anh, mặc dù là đi Nga. Không dịch giao tiếp được nhưng bị cáo dịch hồ sơ của ụ nổi, dịch trao đổi với ông Goh vì ông này nói tiếng Anh.
Cụ thể về giám định kỹ thuật thì Khang không tham gia, chỉ là đi theo chân Lê Văn Dương – đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm VN. Báo cáo giám định của Dương theo đó có chữ ký nháy của Khang vì có 1 phần quan trọng về hồ sơ pháp lý, hồ sơ đăng kiểm do Khang dịch. Còn phần trao đổi với chủ ụ thì do người khác dịch tiếng Nga làm. Việc chỉ nhìn thấy ụ nổi lên 1 nửa Khang khẳng định bản thân cũng băn khoăn, đã cảnh báo Trần Hải Sơn nhưng Sơn đã ký vào bản báo cáo đó rồi.
Khang mong tòa xem xét minh oan. Chủ tọa hỏi lại, bị cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ hình phạt. Khang đáp: “Nếu không minh oan được thì cũng xin được giảm án”. Ngồi bên cạnh, Dương Chí Dũng bật cười.
15h46’, Nữ thẩm phán hỏi thêm, khi kể với em là có một khoản phải chuyển cho các bác thì có nói là tiền từ cái gì không? Sơn ấp úng diễn giải loanh quanh. Thẩm phán hỏi lại: “Tự nhiên em gái nhận được khoản tiền rất lớn, 28 tỷ đồng, nếu không giải thích gì có ai chịu không?”. Bị cáo giải thích gia đình làm ăn nên đó là chuyện bình thường, cần bao nhiêu tiền chỉ báo em là được. Vị nữ thẩm phán lắc đầu, nhận định lời giải thích của bị cáo “nghe không lọt”.
Yêu cầu lý giải lý do chậm chuyển tiền “lại quả” cho các sếp, Sơn tỏ vẻ khổ sở nói vì phải thu xếp về thời gian. “Bị cáo nói thế nào thì có thể chủ tọa cũng không tin nhưng ở TCty Hàng hải, việc đó phải làm bằng tiền mặt” – Sơn vặn vẹo tay trước vành móng ngựa.
15h33’, Tòa hỏi lại Trần Hải Sơn. Về bản tuyên thệ của ông Goh các luật sư đã thu thập được và công bố tại tòa, Sơn nói, chưa tường minh từng nội dung luật sư đọc nhưng có suy nghĩ là ông Goh làm tuyên thệ này khi phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra, đã có nội dung của án văn. Những thông tin này thế nào thì bị cáo cũng rất suy nghĩ và chắc chắn nó đã bị nắn cong, không đúng sự thật diễn ra.
Trong tài liệu này nói “không bao giờ ông Goh liên hệ với Dũng, Phúc”, Sơn khẳng định là không tin.
Bị cáo khẳng định có gặp ông Goh trong quá trình làm thương vụ ụ nổi. Không nhớ cụ thể bao nhiêu lần, có lần gặp ở TCty, ở TPHCM (khi làm thủ tục để nhận khỏan tiền 1,666 triệu USD). Tòa hỏi về lần đầu, lần cuối, Sơn đều trả lời không nhớ rõ.
Chủ tòa phiên tòa nói ông Goh sang Việt Nam rất nhiều, kết quả xác minh thông tin nhập cảnh cho thấy. Tuy nhiên, Sơn khẳng định việc đó bị cáo không liên quan, không biết.
Về thời gian làm hợp đồng khống với công ty Phú Hà để chuyển tiền về Việt Nam, Sơn cũng không nhớ rõ thời điểm. Yêu cầu cung cấp một công ty có tài khoản là từ ông Goh, Sơn chỉ cung cấp cho ông này, không chuyển qua công ty trung gian nào khác của Nga.
Tuy nhiên, trong bản tuyên thệ, ông Goh khẳng định không biết công ty nào là Phú Hà, chỉ nhận thông tin từ công ty Global Success (Nga) khi đơn vị này chỉ định chuyển tiền.
“Bị cáo suy nghĩ cách trả lời của ông Goh như thế ở thời điểm này không ảnh hưởng gì đến ông ấy nên ông ấy nói vậy”- bị cáo phán đoán.
Có một điểm, Sơn trình bày, chỉ cung cấp tài khoản, tên công ty của em gái cho ông Goh, không thực hiện việc gì khác. Mà chắc chắc Dũng, Phúc biết việc có khoản tiền này hoàn lại sau thương vụ 83M.
Việc này Sơn không báo cáo lại với Chiều mà chỉ đến phòng báo Dũng, Phúc vì Chiều không liên quan. Khi báo cáo, Phúc rõ ràng biết, còn bảo “đồng ý, triển khai nhanh việc này đi”.
Lý giải việc tháng 6/2008 đã nhận được tiền từ AP nhưng 7-8 tháng sau mới chuyển Dũng, Phúc, Sơn cho rằng, chỉ có khoản 2 tỷ sau cùng chuyển cho Phúc chậm vì có 1 khoảng thời gian phải sang Nga lo đưa ụ nổi về Nha Trang, nằm tại Nha Trang sửa chữa một thời gian lâu.
Tòa hỏi về việc Sơn nhờ em gái tìm cho 1 ngôi nhà 3-4 tầng ở vị trí đẹp đẹp, Sơn trả lời giờ không nhớ rõ. Sơn khai lại, có láng máng nhớ chỉ nói với em gái Huyền là phải chuyển cho Dũng một tài sản gì giá trị, bằng tiền hay nhà thì tính thêm.
Lúng túng, Sơn thanh minh, nói chuyện với em gái có nói “có một khoản tương đương như này phải chuyển cho các bác”. Có thể từ đó em gái hiểu nhầm.
15h20’, Đại diện Cục Đăng kiểm phản đối lời khai của Trần Hữu Chiều. Bộ quy phạm tàu biển có chia rõ từng nhóm quy phạm cho tàu biển riêng, ụ nổi tiêng, cần cẩu riêng…
Tòa hỏi nếu về Việt Nam ụ này có cần làm giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm môi trường? Đại diện Cục đăng kiểm gật đầu xác nhận.
Còn việc đưa ụ về Việt Nam bằng tàu nâng nặng chứ không phải lai dắt thì không cần những giấy tờ này.
Đại diện cục đăng kiểm khẳng định Đăng Kiểm viên đã rất cẩn trọng khi làm báo cáo giám định gửi lại Cục Đăng kiểm sau chuyến đi Nga.
15h15’, Tòa hỏi ý kiến thêm đại diện Vinalines. Ông này trình bày, phương án giải quyết ụ nổi 83M hiện tại, phương án hợp tác liên doanh khai thác, tự khai thác, bán thanh lý ụ… đều được tính toán. Báo cáo này nêu rõ, nếu một ụ tương tự mới đóng giá 4,2 triệu USD. Thanh lý ụ theo hướng án phá dỡ để bán sắt vụn thu mua tàu biển thì được khoảng 49 tỷ đồng.
Ông này nói thêm, mỗi loại ụ có một đặt thù riêng. 83M là ụ rất đặc biệt, trước đó dùng cho quân đội nên nói tìm ụ tương đồng thì cũng rất tương đối thôi.
Các chi phí cho ụ hiện tại, khoảng 600-800 triệu đồng/tháng. Con số 1 tỷ đồng/tháng đưa ra trước đó là có cả giá hợp đồng neo đậu và bảo vệ khắc phục sự cố, nhưng gần đây không có tiền nữa nên bên neo đậu đang đe dọa có thể cắp hợp đồng bảo vệ. Nếu cắt thì giá thấp hơn.
Giá bán thanh lý 49 tỷ đồng là đã tính có cả công phá dỡ, nguyên tiền thu về. Tuy nhiên, Vinalines đã bỏ rất nhiều tiền sửa chữa nên không định bán sắt vụn mà chờ thời điểm tốt hơn của ngành.
Phần sửa chữa là ủy quyền cho công ty của Sơn làm còn tiền bỏ ra vẫn là của Vinalines.
13h14’, Dũng nói thường xuyên đi công tác nên có 1 túi xách lớn một chút, đủ để mang thêm bộ quần áo chứ không mang theo valy, phải ký gửi hành lý bao giờ.
13h9’, Tòa hỏi tiếp Dương Chí Dũng. Dũng nói tại khách sạn Sheraton (TPHCM), Sơn có mang đến tặng Dũng một valy rượu. Khi đó Dũng đi cùng một số người bạn, đang ngồi uống cà phê ở đó. Sơn gọi điện, kéo valy đến, Dũng đứng dậy đưa Sơn lên phòng. Sơn nói “em gửi anh mấy chai rượu để anh tiếp khách”. Sau đó cả 2 cùng xuống dưới.
Chiều hôm đó, Dũng ra Hà Nội luôn thì có điện cho người phục vụ ở phòng chờ máy bay, túi rượu này cũng kéo qua cửa an ninh, sau đó mở ra nhưng cũng không nhớ có mấy chai ruợu, là rượu Balantine. Dũng không uống rượu nên mang về rồi cũng lấy dần ra cho anh em. Dũng “thề độc” là khai thật, có vợ ở đây, tòa có thể hỏi xác minh.
Dương Chí Dũng nghe tòa hỏi thêm
15h5’, Phúc kể bản thân đã từng có bút phê các giấy tờ yêu cầu chuyển ban tài chính kế toán kiểm tra các loại chứng từ, khi nào họ mang sang khẳng định đúng thì mới ký quyệt chi.
Tòa gọi bị án Bùi Thị Bích Loan để hỏi đối chứng. Loan nói các lời khai không đúng, chỉ có 2 lần thanh toán chuyển tiền mua ụ nổi. Việc thanh toán 8,1 triệu USD, khi đó ban tài chính kế toán – cán bộ Trịnh Quang Huy có trình chứng từ yêu cầu Loan ký nháy để còn trình Phúc. Loan hỏi lại Huy đủ chưa, Huy nói chưa. Khi đó Loan có lên gặp Phúc báo cáo 2 nội dung: hiện ban tài chính kế toán chưa nhận được bộ hồ sơ chứng từ đầy đủ theo hợp đồng ngoại thương; đề nghị chuyển đủ để ban tài chính kế toán kiểm tra.
Khi đó Phúc nói là đoàn đi (anh Chiều) đã nhận đầy đủ, nói Loan cứ ký tắt vào rồi chuyển sau. Quá băn khoăn, Loan từ chối ký tắt vào bản chỉ dẫn thanh toán của Citibank. Từ việc thanh toán bằng 1 chứng từ mà tách ra làm 3 sau đó thì Loan hoàn toàn không biết vì thanh toán qua LC, ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động làm.
14h55’, Phúc thuật lại lần gặp Goh tại TCty. Thời điểm đó trước khi TCty cử đoàn khảo sát đi Nga. Từ lần gặp đó ông Goh mới có thư mời gửi qua Phúc. Goh cũng không bao giờ có thư từ, mail liên lạc qua lại với bị cáo. Ban đầu bên AP chào giá cao lắm nhưng bị cáo yêu cầu cứ ép giá đi nên mới hạ dần xuống mốc 9 triệu USD.
“Bị cáo ép từ 13 triệu xuống đến 10,3 triệu USD. Đến mốc 9 triệu USD thì các cấp dưới nói nếu tiếp tục ép thì họ sẽ bán ụ cho đơn vị khác, không bán cho Vinalines nữa” – Phúc kể.
Thậm chí sau đó, Chiều và Sơn tham mưu báo lên trong hạn 1 ngày nếu không ký hợp đồng thỏa thuận họ sẽ bán cho bên khác. Vì vậy trong vòng 2 tiếng đồng hồ Phúc phải quyết định việc này. Phúc tham khảo lại các ban tham mưu thì đều nhận được những cái “gật đầu”.
Nói về việc hồ sơ thanh toán bị tách ra làm 3 hóa đơn thay vì một lần chuyển tiền 8,1 triệu USD, Phúc cũng khẳng định không biết, đến khi bị bắt, điều tra mới được biết có 3 hóa đơn chứng từ như thế. Phúc khi đó đã đề nghị điều tra làm rõ ai là người chỉ đạo tách ra đó. Tuy nhiên, 3 hóa đơn này vẫn có chữ ký của Mai Văn Phúc.
Về việc kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan đã từng phát hiện bên bán chưa phát hành đủ các chứng từ, Phúc nói cũng không biết. Đến thời điểm này cũng không rõ thực hư có đúng là thiếu chứng từ không. Bị cáo khẳng định mới chỉ nghe thông tin này 1 chiều từ CQĐT nhưng cũng băn khoăn vì thủ tục qua ngân hàng rất cứng, nếu không đủ chứng từ sao họ giải ngân.
14h51’, Bị cáo Mai Văn Phúc trình bày, tham ô rõ ràng là oan. Còn với tội cố ý làm trái, toàn bộ chỉ đạo, hành vi của bị cáo không có chỗ nào là biết rõ việc sai rồi, không đúng mà vẫn cố ý làm. Tòa hỏi: “Trước tháng 7 có đoàn nào hay cá nhân nào đàm phán hoặc giao dịch với AP về ụ nổi 83M?”. Bị cáo trả lời không biết.
14h48’, Nói về khoản tiền 340 triệu đồng nhận của Trần Hải Sơn, Chiều khẳng định lại là trước đó hỏi vay Sơn 1 tỷ. Tổng cộng cả khoản 340 triệu đồng này, Sơn có chuyển cho Chiều hơn 1 tỷ nhưng không có lần nào đưa cho 500 triệu đồng, không lần nào đưa 20.000 USD. Bị cáo vay với mục đích chữa bệnh và xây nhà vì bố mẹ ở Hải Phòng có hoàn cảnh rất thương tâm.
Chiều khẳng định, sau thời điểm Sơn nói thôi tiền đó giữ lại “em biếu bác bồi dưỡng” thì Chiều mới hỏi lại cái này có liên quan gì đến ụ nổi không? Sơn lại nói “không có gì, bác cứ yên tâm đi”.
Nói về nhận thức khi nhận khoản tiền này, Chiều vẫn cho rằng mình rất vô tình mà mắc phải tội tham ô chứ không bàn bạc, thỏa thuận gì. Đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo về tội tham ô.
14h38’, Triều khai, khi đi giám định, Chiều nói nếu ai làm trong ngành đều biết tàu biển mà quá 15 tuổi thì không được nhập, ý thức là ụ nổi không phải tàu biển nhưng quản lý theo quy phạm của tàu biển (khi đăng ký), tuổi tác thì không ảnh hưởng gì đến việc khai thác thiết bị. Vậy nên mọi hồ sơ vẫn thể hiện ụ nổi này sản xuất từ năm 1965, không có động thái gian dối gì về tuổi của thiết bị này.
Vì phải có giấy phép đi biển một chuyến nên phải có các giấy phép về an toàn vận hành, đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm môi trường như với một tàu biển nên phải đăng ký tàu biển cho ụ nổi. Tuy nhiên, chuyển sang phương thức vận chuyển bằng tàu nâng thay cho lai dắt thì nhiều giấy phép xin khi đó không còn giá trị gì nữa.
Nhưng về đến Việt Nam, để đưa vào hoạt động vẫn cần những giấy phép tiêu chuẩn này vì ụ nổi được quản lý theo quy phạm của tàu biển. Đây là một hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên vẫn phải có chứng nhận phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Giấy này do Cục đăng kiểm cấp.
Đăng ký chứng nhận hàng hải cũng phải làm để quản lý ụ này. Khi ụ về, Chiều xác nhận chưa được đăng ký vì về phải sửa chữa mới đăng ký được. Mà sửa cũng chỉ là tạm thời nên mới được đăng ký chứng nhận hàng hải tạm thời do Chi cục Hàng hải TPHCM cấp.
Chiều trình bày, giá mua của ụ là 9 triệu USD. Giá nâng của ụ là 25.000 tấn nhưng do không được đăng kiểm Nga phân cấp tiếp nên phải giảm tải xuống. So với thiết bị đóng mới mỗi đơn vị tính sức nâng (1,2-1,5 triệu USD), khi về sửa chữa sức nâng lên được thêm thì tính ra được 800.000 đồng/tấn sức nâng nên giá trị của ụ thành con số 9 triệu USD. Giá 9 triệu USD là giao tại Nakhodka, còn sau đó mọi thủ tục phía công ty AP phải làm.
Chiều cho biết cũng đã đề nghị làm rõ vấn đề, tiền ứng trước là 9000.000USD, sau đó chỉ cần thanh toán nốt 8,1 triệu USD là xong nhưng không hiểu sao AP sau đó lại tách ra làm 3 lần chứng từ.
“Ai là người thỏa thuận với AP để tách hóa đơn như thế thì mới có 1 phần 4,3 triệu USD chuyển cho trung gian Global Success. Ai là người chuyển nghĩa vụ làm thủ tục thanh toán cho Việt Nam?” – Chiều băn khoăn.
14h30’, Trần Hữu Chiều được tòa hỏi thêm. Chiều nói rằng trước thời điểm đi khảo sát ụ nổi 83M thì chưa biết công ty AP nhưng có biết thông tin khi TCty tổ chức khảo sát ụ Doc 220 thì cũng là công ty AP này chào bán. Khi ụ 220 này bị chìm, TCty có nhờ AP tìm cho một ụ khác. Trước đó Chiều cũng chưa có tin tức gì về ụ 83M này.
Dự án mua ụ có từ tháng 7/2007 nhưng là giao cho Phó Tổng GĐ Chung. Đáng ra việc đi khảo sát cũng là của anh Chung nhưng vì người này có việc bận nên giao lại cho Chiều.
Mọi giấy tờ ký của Chiều đều dưới tư cách Trưởng Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chứ không phải tư cách Phó Tổng GĐ TCty.
Các cuộc họp của TCTy về việc này, Chiều không được mời với tư cách thành viên HĐQT mà là Trưởng Ban QLDA. Chiều nhắc lại không hề nhận chỉ đạo trực tiếp nào từ Dũng, Phúc. Chỉ có lần đi khảo sát ụ nổi, Sơn có nói với Chiều là mọi việc Dũng, Phúc đã trao đổi “bác cứ để cho em làm”. Chiều nghĩ là vì trước đó Sơn đã tham gia việc khảo sát ụ Doc 220 nên cứ thế làm.
Việc giám định độc lập Marilex, không ai chỉ đạo mà Chiều cho rằng khảo sát của bên Đăng kiểm không đủ tư cách giám định nên gọi điện về xin ý kiến của Phúc về việc thuê thêm một đơn vị giám định độc lập, được đồng ý, Chiều đã ký hợp đồng.
Khi về, trong các hồ sơ trình đều có báo cáo của giám định độc lập này. 2 báo cáo giám định của Đăng kiểm viên và của Marilex Chiều cho là có giá trị như nhau, báo cáo của Lê Văn Dương chỉ khác là có yêu cầu sửa chữa trước để đảm bảo môi trường còn báo cáo của Marilex không thể hiện nội dung này.
14h28’, Về chi tiết người lái xe tên Quỳnh đã đến khách sạn Victory đón Sơn khi Sơn mang 5 tỷ đồng đến đây cho Dũng, Sơn nói không nhớ Quỳnh làm việc cho mình từ khi nào. Khi Sơn bị bắt tại sân bay, anh này vẫn đang làm cho công ty của Sơn, đã ra tận sân bay đón Sơn.
14h26’, Tòa hỏi sao tại cơ quan điều tra lại khai nhà Phúc có cổng, cửa dù đó là chung cư? Sơn lý giải hỏi thì cứ khai như vậy thôi nhưng không đọc lại chi tiết nên có thể bỏ qua. Bị cáo chỉ nhớ nhà đó gần một tòa nhà của TCty Hàng hải.
14h15’, Bị cáo Trần Hải Sơn đứng dậy. Tòa hỏi, khi mua ụ nổi 83M làm gì, Sơn nói là Giám đốc của Cty TNHHH sửa chữa tàu biển thuộc Vinalines, là Phó Trưởng Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Về đề xuất đi khảo sát ụ nổi 83M, Sơn nói vì phụ trách mảng dự án ở Vũng Tàu, khi ra Hà Nội thì thấy có 1 giấy chào bán cho Phó Tổng GĐ Đào Văn Chung do công ty AP gửi.
Việc giao dịch, đàm phán về ụ nổi này, đánh giá vai trò của từng người, Sơn khẳng định, Phúc giao cho Chiều làm trưởng đoàn. Không có phân công công việc cụ thể của TCTy nhưng vì Chiều là Phó Tổng GĐ nên cũng điều hành cả đoàn luôn.
Liên quan việc này, TCty có các cuộc họp, Sơn chỉ tham dự 1 cuộc, còn lại đều không có mặt. Về số tiền đưa cho Dũng, tòa hỏi lại, Sơn nói không nhớ cụ thể những ngày nào, chỉ nhớ theo khoảng thời gian với một vài tình tiết cụ thể của những lần đó. Lần đưa valy tiền đến khách sạn Victory Sơn khẳng định có điện thoại trước cho Dương Chí Dũng nhưng không nhớ rõ khoảng mấy giờ, không nhớ rõ sau khi điện có mang tiền đến ngay không.
Lần Sơn khai rút 2 tỷ đồng bằng chứng minh thư tại Ngân hàng Hàng hải ở Hà Nội để mang cho Phúc, Sơn phân trần đã nhiều lần rút tiền bằng chứng minh thư nhưng không nhớ cụ thể.
14h14’, Nói về khoản vay Citibanks để mua ụ nổi (130 triệu USD), Dương Chí Dũng giải thích, tài sản bảo đảm chắc phải là của TCTy vì không có bảo lãnh vay của Chính phủ. Vốn chủ sở hữu của TCty khi đó khoảng 8000 tỷ đồng.
14h10’, Chủ tọa hỏi lại Dương Chí Dũng về việc có lần khai Trần Hải Sơn mang biếu 1 valy rượu. Dũng nói không nhớ rõ thời gian đó nhưng cũng là một cuộc vào Sài Gòn làm việc. Lần Trần Hải Sơn khai mang 5 tỷ đồng đến khách sạn Victory, Dương Chí Dũng xác nhận, đợt đi công tác TPHCM khi đó thì đúng là ở khách sạn này.
Được hỏi về thời gian lưu trú cụ thể tại đây, Dương nói không nhớ ở mấy ngày nhưng chắc chắn về Hà Nội trước cả đoàn vì công việc rất bận. Về thời điểm Sơn có thể đến gặp, Dũng khẳng định chỉ có thể là chiều tối ngày bay vào vì ngay sáng hôm sau là họp hành liên miên cùng cả đoàn. Mà điều đó thì vô lý vì chuyến bay cùa bị cáo đến tận 17h30 hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, phải 6-7h tối mới về đến khách sạn vì đường tắc.
Các bị cáo chuẩn bị nghe phán quyết của tòa
14h06′, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chưa tuyên án, quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số nội dung.
Chủ tọa phiên tòa hỏi Dương Chí Dũng, trước đoàn khảo sát của Trần Hữu Chiều làm trưởng đoàn có đoàn nào đi khảo sát ụ nổi 83M không? Dũng trả lời không nhớ rõ… Chủ tọa nhắc lại cụ thể về vụ nổi 83M chứ không phải ụ nào khác, Dũng trả lời lại, ụ nổi 83M này thì có 1 đoàn do Mai Văn Phúc ký quyết định cử đoàn đi.
Trước đó, Ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đã trình lên Phúc về việc có ụ nổi này được chào bán rồi. Không có thông tin này thì trước đó, TCty không biết về ụ nổi này.
13h55′, Tất cả các bị cáo đã được đưa vào phòng xét xử. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng ngồi trên hàng ghế đầu tiên sát sau vành móng ngựa.
13h30, tại cổng tòa, bà Phạm Thị Mai Phương – vợ bị cáo đã đứng cùng các luật sư, người thân chờ xe chở phạm đến. Dương Chí Dũng nhanh chóng được áp giải thẳng vào phòng xử án.
Dương Chí Dũng được áp giải vào phòng xử sớm nhất
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKSND tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố Dương Chí Dũng về 2 tội tham ô tài sản, cố ý làm trái, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, đề nghị tòa tuyên y án sơ thẩm 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tử hình về tội tham ô tài sản với cựu Chủ tịch Vinalines. Kiểm sát viên thậm chí còn kiến nghị tăng mức bồi thường thiệt hại với Dương Chí Dũng vì đánh giá mức phạt 110 tỷ đồng tòa sơ thẩm đưa ra vẫn nhẹ so với “tội trạng” của bị cáo.
Phương Thảo