Tin Hà Tĩnh

Nước sông La chuyển màu đỏ đục kéo dài, người dân bất an không có nước sinh hoạt

Nước sông La chuyển đỏ đục ngày càng đậm đặc kéo dài nhiều tháng nay đang khiến người dân bất an, lo lắng. Nắng nóng, hạn hán hàng nghìn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Nhiều tháng nay, gần chục km sông La đoạn chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh chuyển màu nâu đỏ khiến hàng nghìn người dân sinh sống trong khu vực bất an.

Ông Thái Văn Xuân (83 tuổi), trú thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ cho biết, từ tháng 12/2019, nước sông La đang trong xanh bỗng chuyển màu nâu đỏ trong nhiều tháng liền. Hơn một tuần nay, nước sông La chuyển màu đỏ đậm hơn, có lúc đỏ như màu máu, rất đáng sợ. Sự việc khiến ông và hàng trăm hộ dân tại đây vô cùng hoang mang, lo lắng.

Nước sông La chuyển đỏ đục nhiều tháng nay.


“Từ xa xưa ngoại trừ mùa lũ, còn lại dòng nước sông La trong vắt, mát rượi. Tài nguyên này là niềm tự hào của người dân Trường Sơn nói riêng, Đức Thọ nói chung. Sau khi phát hiện nước sông La chuyển màu bất thường, bà con rất hoang mang, lo lắng vì đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hơn 80% dân số xã”, ông Xuân nói.

Theo anh Nguyễn Hải Phong, thôn Bến Hầu, màu nước đỏ đục rất đáng sợ khiến người không thể an tâm sử dụng.

Người dân sinh sống gần khu vực sông vô cùng lo lắng trước hiện tượng xưa nay chưa từng có.


“Trước đây khi nước chưa chuyển màu bất thường, cả gia đình thường xuyên ra sông tắm rửa, giặt giũ, còn nước ăn uống sử dụng nước máy cũng được lấy từ sông La. Hơn tuần nay, thấy nước máy cấp về đỏ ngầu nên gia đình không dám sử dụng. Cứ vài ngày lại đi gần 20 km sang xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mua nước về dùng”, Ông Trần Hữu Phúc, thôn Bến Hầu cho biết.

Ông Võ Công Hàm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ xác nhận, hiện tượng nước sông La nhuốm màu nước đập dâng Ngàn Trươi (Vũ Quang) đã xảy ra nhiều tháng liền. Tình trạng khiến người dân các xã: Đức Lạng, Đức Đồng, Hòa Lạc, Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ, Trường Sơn, Liên Minh, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Tùng Châu "kêu trời". Nắng nóng kéo dài, lại thiếu nước sinh hoạt do nước sông La có dấu hiệu ô nhiễm.

Mặc dù bất an nhưng nắng hạn người dân không còn cách nào vẫn phải dùng nước sông để tắm rửa, giặt giũ.

“Trước đây khi chưa có đập (hồ Ngàn Trươi) sông La xanh biếc. Nhưng từ ngày nước Ngàn Trươi đổ về cả dòng sông đỏ ngầu, dân rất bất an. Chính quyền địa phương cũng đã có phản ánh lên các sở ban ngành chuyên trách”, ông Hàm nói.

Cũng theo ông Võ Công Hàm, nhiều năm qua Nhà máy nước Linh Cảm lấy nước từ sông La đem lên bể xử lý trước khi chuyển cho các HTX cấp cho người dân. Sau khi nước sông La có biểu hiện bất thường, các nhà máy tăng cường thau rửa bể lọc, hóa chất xử lý nhằm cấp nước đảm bảo an toàn cho bà con. Tuy nhiên, tại xã Trường Sơn và một số xã lân cận, nước sau xử lý khi cấp đến hộ gia đình vẫn có màu nâu đỏ, không thể sử dụng.

Màu nước đỏ đục đậm đặc, 2 bên bờ kênh 1 lớp vỉa màu đỏ nâu bám chặt.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc HTX môi trường và nước sạch Trường Sơn cho biết: “Nhà máy của chúng tôi có nhiệm vụ cấp nước cho 1.500 hộ dân trên địa bàn xã Trường Sơn. Từ trước đến cuối năm 2019 chưa bao giờ xảy ra hiện tượng nước sông La bị đổi màu, trừ mùa mưa lũ. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2020 và mới đây nhất (từ 4/7/2020 đến nay) nhà máy phải tạm ngừng cấp nước nhiều ngày vì nguồn nước sông La (đầu vào) bị đỏ đục, không đảm bảo.

Dù đã thau rửa bể lọc, tăng hóa chất xử lý nhưng nước cấp đến hộ dân vẫn có màu vàng. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã đến lấy mẫu nước đi kiểm tra, đang chờ kết quả”.

Người dân tại đây hàng ngày vẫn phải dùng nước sông để tắm gội trong nỗi bất an.

Trước đó, chiều 8/7 tại Kỳ họp 15 HĐND tỉnh khóa XVII, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã công bố, nguyên nhân nước kênh Ngàn Trươi đổ về kênh đào Linh Cảm và sông La đổi màu bất thường xảy ra từ 2019 đến nay vừa được xác định là do khu vực đáy lòng hồ Ngàn Trươi có thành phần sắt sa khoáng, xác thực vật đang phân hủy. Nước tầng đáy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ, thành phần sắt 2 khi xả vào đập Dâng Vũ Quang nước được hòa tan với nhiều ô xy nên đã chuyển từ sắt 2 sang sắt 3 hydroxit và 1 số muối sắt 3, hầu hết ko tan có màu đỏ nâu xỉ, phần còn lại là các muối phức tan trong nước.

Tuy nhiên, vì sao lòng hồ Ngàn Trươi lại có 1 lượng lớn mùn thực vật? Vì sao có thành phần sắt 2 trong lòng hồ Ngàn Trươi? Và trách nhiệm của các cá nhân, liên quan khiến lòng hồ Ngàn Trươi ô nhiễm thì vẫn chưa được công bố? Đặc biệt là giải pháp lâu dài xử lý nguồn nước để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân vùng hạ du.

Công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang là một trong ba công trình thủy lợi lớn nhất cả nước. Từ trung tuần tháng 5/2019, nước tại Đập Dâng - Ngàn Trươi Cẩm Trang bắt đầu xuất hiện hiện tượng chuyển màu đỏ đen, bốc mùi hôi thối kéo dài. Sự việc được lãnh đạo bộ NN&PTNN về chỉ đạo kiểm tra. Kết quả quan trắc mẫu nước thời điểm đó cho thấy, có nhiều điểm thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước tại Đập Dâng Vũ Quang từng gây ra nhiều tranh cãi, tập trung vào 3 nguồn chính: Lòng hồ Ngàn Trươi; Công ty chế biến gỗ MDF Thanh Thành Đạt và Nhà máy quặng sắt Vũ Quang (nhánh Khe Trươi)

Liên quan sự viện này Người Đưa Tin Pháp luật đã có rất nhiều bài viết phản ánh. Trong đó, có nội dung quá trình thu dọn, làm sạch lòng hồ giai đoạn 2016 – 2018, chủ đầu tư (Ban 4) triển khai không đảm bảo, để lại lượng lớn cây cối, mùn thực vật, quá trình ngâm nước lâu ngày thối rữa, phân hủy trở thành một lượng mùn khổng lồ đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi.

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: Tạp chí Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP