Ngay khi chắc chắn mình đã giành ngôi vị vô địch, người đầu tiên anh báo tin là vợ. Tin nhắn vẻn vẹn chỉ mấy chữ ngắn gọn: “Mẹ ơi, bố đã lấy được huy chương vàng (HCV)”.
Chị Chu Thị Tám đọc rồi khóc òa. Cả đêm đó chị thao thức không ngủ được. Sáng dậy, chị mở máy tính cho con trai xem, thằng bé vừa xem vừa vỗ đùi đen đét: “Bố giành được HCV rồi!”.
Đó là một trong rất nhiều câu chuyện chưa một lần được kể về nhà vô địch thế giới môn cử tạ Lê Văn Công, vận động viên khuyết tật đầu tiên đưa lá cờ Việt Nam tung bay ở vị trí cao nhất trên đấu trường Paralympic.
Mức tạ 183 kg và đứa con gái nhỏ
Cơn mưa chiều 22-9 không lớn nhưng cũng đủ biến nhiều con đường thấp trũng từ Hóc Môn về xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An ngập gần nửa bánh xe. Tưởng vậy đã xong, ai dè về gần đến nhà anh còn có đoạn đường dài tầm cây số nham nhở ổ gà, ổ vịt. Xe xóc nảy, có đoạn đá xanh còn lởm chởm nhiều đến độ chỉ muốn vứt luôn xe máy để đi bộ vào.
Rồi tôi chợt nhớ lại cuộc nói chuyện lúc sáng cùng ngày với HLV Nguyễn Hồng Phúc (HLV môn cử tạ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình), ông kể: “Bao nhiêu năm rồi, mỗi ngày Công vẫn chạy xe từ Long An lên Tân Bình tập luyện, mỗi ngày hơn 40 cây số đấy nhưng dù nắng, dù mưa chẳng vắng buổi nào”.
Vô đầu hẻm, dừng xe trước tiệm một quán cà phê nhỏ hỏi nhà Lê Văn Công, một người đàn ông nhanh nhảu: “Hỏi Công cử tạ, Công HCV đúng hông, xóm tui đó, thấy cái nhà có cái bạt màu xanh kia hông, đó đó, cần tui dẫn đường cho”, người đàn ông hồ hởi tự hào khoe.
Chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của gia đình anh khi trời đã sẩm tối.
Căn nhà nhỏ ấm áp. Anh Công đang ngồi ngay ghế đá trước hiên nhà. Nhớ lần anh trở về từ sáng 21-9, chị Út Tám, vợ anh, kể chuyện tối trước ngày anh về, ba mẹ con thao thức mãi. Đến 3 giờ 30 sáng thì chị dậy. Con bé thường ngày ngủ một mạch đến 5 giờ sáng nhưng hôm đó mới 4 giờ cũng dậy theo. Chắc nó biết hôm nay bố về.
Từng nâng thành công mức tạ 183 kg, vượt xa đối thủ nặng ký người Jordan để giành ngôi vô địch, phá luôn kỷ lục thế giới, vậy mà lúc bế đứa con gái nhỏ, bàn tay gân guốc của người lực sĩ run run. Gần một tháng rồi bố con anh chưa được gặp nhau.
Chỉ vào thằng nhóc đang chơi ở góc nhà, chị Tám cười: Cậu cả đó! Cậu bé tên Tuấn Anh, năm nay bước vào lớp 1. “Mới vào học, cu cậu chỉ được 7, 8 điểm, cao nhất là 9 điểm chứ chưa bao giờ được 10. Hôm đó, hai bố con ngồi chơi, nó khoe bố là nó được 9 điểm, rồi nó ôm cổ bố bảo: Nếu con được 10 điểm thì bố lấy HCV nha bố! Hai bố con ngoắc tay đồng ý” – chị Út Tám kể.
Chuyện sẽ rơi vào quên lãng nếu không có chuyện đúng tối anh thi, buổi chiều cậu con trai nhắn tin trên Facebook: “Bố thấy không, con được 10 điểm rồi. Bố phải lấy HCV cho con!” – anh Công bật cười nhớ lại.
Lê Văn Công hạnh phúc ngày trở về bên gia đình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Lê Văn Công ôm chầm lấy HLV Nguyễn Hồng Phúc trong giây phút chiến thắng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Mối tình thầy trò sâu đậm
Nhìn thành công hôm nay anh có được, ít ai ngờ rằng đã có lúc người đàn ông ấy từng chán nản đến nỗi muốn buông xuôi sự nghiệp.
Đó là vào cuối năm 2010, giữa lúc đang ở đỉnh cao của sự nghiệp khi liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng, anh bất ngờ gặp tai nạn. “Ngày đó vợ chồng tôi ở trọ trên ngã tư Hàng Xanh – TP.HCM. Trên đường từ cầu Thị Nghè về, mưa ngập khiến tôi bị lọt hố ga, rách dây chằng. Bác sĩ khuyên không nên tập tạ nữa”.
HLV Nguyễn Hồng Phúc bùi ngùi nhớ lại lúc đó ông đã từng nghĩ rằng học trò mình sẽ giải nghệ. Bởi với một vận động viên cử tạ, rách dây chằng ở vai là vết thương trí mạng. Nhìn người học trò vẫn ngày ngày đến phòng tập và tỏ ra vui vẻ nhưng ông hiểu trong sâu thẳm tâm hồn anh Công là nỗi thất vọng cùng cực.
Anh Công bị đau, chỉ có thể tập vật lý trị liệu và những động tác tay đơn giản, không được động đến tạ. Nhưng vì “nhớ cử tạ quá” nên cứ đến 3 giờ 30 chiều – giờ tập mọi ngày là anh lại thu xếp công việc chạy xe lên Nhà thi đấu Tân Bình xem anh em tập “cho đỡ thèm”. Khi mọi người về hết, anh nán lại, sờ cục tạ quen thuộc ngày nào mình từng tập rồi bật khóc.
“Nhìn bạn bè tập trung đội tuyển mà mình chẳng làm được gì, thời gian đó tôi suy sụp lắm. May mắn vợ và các thầy luôn bên cạnh động viên: Thầy Nguyễn Hồng Phúc, thầy Mai Trí Dũng, thầy Lê Văn Hải…, nhất là thầy Phúc. Thầy Phúc tới nhà thường xuyên. Thầy thường vỗ vai bảo nếu đam mê thì hãy cứ gắng trị lành vết thương. Hai thầy trò mua mấy lon bia, ít mồi về nhậu với nhau như hai người bạn. Hồi chưa bị thương, thầy cũng thường đưa tôi về, vì mới tập xong căng cơ lỡ bị chuột rút rất nguy hiểm. Thầy Phúc tâm lý và tình cảm lắm!”.
Rồi một ngày của hai năm sau, anh bình tĩnh thưa thầy: “Con ổn rồi thầy. Con muốn tập tạ trở lại”. Dù mừng lắm nhưng để đảm bảo an toàn, hai thầy trò xách nhau lên viện kiểm tra, bác sĩ ngạc nhiên cho biết Công đã hồi phục được 90%.
“Bài tập lại đầu tiên thầy chỉ cho nâng cây không, rồi hôm sau mới cho nâng tạ, mỗi ngày tăng lên dần: 10 kg, 20 kg… Lúc tập thầy vẫn phải dìu tay theo, thầy còn phải nhờ hai người dìu hai bên quả tạ để nếu xảy ra chuyện gì thì đỡ liền” – anh Công trầm ngâm nhớ lại.
Căn nhà mơ ước còn phía trước
Trước khi gặp anh, tôi từng đọc một bài viết “Xin Công một nụ cười” của chị Nguyễn Hướng Dương (Giám đốc Thư viện Sách nói dành cho người mù). Xem lại từng bức ảnh trên trang Facebook của anh, nhìn lại những chặng đường anh đã đi qua, lúc đánh bại đối thủ nặng ký người Jordan để giành ngôi vô địch, phá luôn kỷ lục thế giới, Lê Văn Công, người khuyết tật đầu tiên đưa lá cờ Việt Nam tung bay trên đấu trường Paralympic, cũng chưa hề có một nụ cười hạnh phúc trọn vẹn. Điều ám ảnh tôi khi lật từng bức ảnh về anh là đôi mắt cương nghị, quật cường nhưng thăm thẳm nỗi buồn.
Cho đến ngày về tận nhà gặp anh hôm đó, tôi dường như gặp một Lê Văn Công khác. Trong cái lặng yên của anh khi ngắm cậu con trai đang ngồi nghịch nơi góc sân nhà, tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc to lớn đang đầy ắp trên nét mặt của anh. Anh chào tôi bằng một nụ cười: “Trà hả, vào đây, đi đường mệt lắm không?”.
Nụ cười hồn hậu, chất phác của chàng trai Hà Tĩnh hay hiện hữu trong từng câu chuyện anh kể: Chuyện về người thầy luôn ở bên động viên anh cố gắng, chuyện về lời hứa với cậu con trai nhỏ trước khi lên đường thi đấu: “Nếu con được 10 điểm, bố lấy HCV”…
Thi thoảng, thấy vợ đi qua lại, anh trêu đùa. Chị liếc khéo anh một cái, anh bật cười. Anh nói ở nhà anh thích trêu chị. Anh bảo sẽ cố gắng làm việc kiếm tiền, vừa tiếp tục tập luyện ở Nhà thi đấu Tân Bình vừa trở lại với nghề sửa điện tử trước đây.
Ước mơ của anh là mua cái nhà ở TP.HCM, gần chỗ tập luyện, đi lại cho đỡ cực, bởi có những bận anh đi tập đến 7-8 giờ tối mới về, trời mưa, đường ngập, chị Tám ở nhà lòng nóng như lửa đốt, chẳng dám ăn cơm. Nhưng lương không có, thu nhập chỉ đợi vào mỗi mùa giải thì ước mơ đó phải đợi đến bao giờ?
Câu hỏi ấy cứ theo tôi mãi trên suốt chặng đường về…
Đi về gần 100 km mỗi ngày chăm vợ đẻ Từ trước tết 2016, khi được gọi vào đội tuyển quốc gia, anh cùng các vận động viên sống tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia 2 TP.HCM tít quận Thủ Đức. Ngày vợ sắp sinh, anh xin phép thầy nghỉ năm ngày về chăm vợ. Ngày 12-3-2016, bé Trâm Anh, cô công chúa nhỏ của anh cất tiếng khóc chào đời. Gần 100 km – đó là quãng đường mỗi ngày Lê Văn Công đi về liên tục suốt 20 ngày khi chị Tám sinh bé Trâm Anh. Sài Gòn đang mùa mưa, đường về vất vả nhưng anh chẳng ngại. Anh bảo phụ nữ mới sinh con dễ tủi thân lắm. Anh chẳng làm được gì nhiều nhưng anh vẫn về nhà để chị Tám biết chị luôn có anh ở bên. “Gần 100 cây chứ hơn nữa cũng phải về chứ. Về với vợ với con!” – anh kể vậy. |