Anh Nguyễn Khánh Duy (dân tộc Cadong) cũng chính là người đã tham gia tìm kiếm xác các nạn nhân, đồng thời cũng mang các nạn nhân bị thương đi bệnh viện. Theo anh Duy, những nạn nhân xấu số đều là người sống cùng xóm với anh tại thôn 1.
Qua điện thoại, anh Duy cho biết hiện hơn 100 người dân của thôn 1 vẫn chưa hết bàng hoàng từ vụ sạt lở đất gây tang thương cho thôn 1 và người dân vẫn còn lo sạt lở đất vẫn tiếp diễn nên hiện đang đi ẩn nấp ở trên núi.
Theo anh Duy, khoảng 14h ngày 28-10, khi trời đang mưa lớn thì bất ngờ đất đá đổ sập xuống một xóm ở thôn 1, chôn vùi nhiều người. Trong đó, có 8 người của 3 hộ gia đình đã bị đất đá vùi qua đời, trong đó có hộ 3 người, hộ 4 người và hộ 1 người. Ngay sau khi xảy ra sự việc, người dân địa phương đã dùng cuốc, xẻng đào bới và tìm được xác 7 nạn nhân, còn một nạn nhân là em học sinh học lớp 5 vẫn chưa tìm được xác.
Một vụ sạt lở đất tại huyện Nam Trà My chiều 28-10 - Ảnh: HOÀNG THỌ |
Theo anh Duy, cháu nhỏ này con của ông Vũ Văn Nam, đây cũng là gia đình bị đất đá vùi lấp cả 3 cha con, trong đó anh Nam và một người con khác đã tìm được xác.
Anh Duy cho hay dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến cuối giờ chiều vẫn chưa tìm được xác cháu nhỏ do khối lượng đất đá quá lớn cộng với việc đất đai vẫn đang sạt lở, đe dọa tính mạng người tìm kiếm. Hiện xác các nạn nhân đã được người dân đưa về nhà bà con, hàng xóm để tìm cách mai táng.
Riêng với những người bị thương, anh Duy cho hay có khoảng 4-5 người bị thương nặng như gãy chân, cây đập vào đầu hoặc vào thân khiến người dân phải khiêng bằng võng băng rừng đem ra bệnh viện chữa trị.
Hiện giao thông giữa thị trấn Nam Trà My và xã Trà Vân đã bị chia cắt do đất đai sạt lở. Sóng điện thoại tê liệt từ chiều 28-10 khiến mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, đến khuya cùng ngày mới được khôi phục.
"Chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, hiện vẫn còn lo lắng đất đai tiếp tục sạt lở nên cả trăm người phải lên trên núi ẩn nấp, thôn của chúng tôi chưa từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng và đau buồn như thế này" – anh Duy nói với phóng viên Tuổi Trẻ Online.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Trương Kim Chung (ngụ tại thị trấn Nam Trà My) cho biết tối 28-10, nhiều người dân thôn 1, xã Trà Vân đã kết võng băng rừng khiêng người dân bị thương sau vụ sạt lở đến cấp cứu ở bệnh viện. Thấy người dân đi trong mưa lạnh, anh Chung đã mang các áo quần ấm để người dân vùng bị nạn mặc tạm trong cơn hoạn nạn.
Tác giả: NGỌC HIỂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ