"Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Ngày 18/11, theo nguồn tin riêng từ Báo Người Đưa Tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung số 03, ngày 15/11/2019 vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La”.
Phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử ở Sơn La mở ngày 15/10/2019. |
Theo đó, nhiều khoản tiền “đi đêm” giữa các bị can và những người nhờ nâng điểm đã được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Cụ thể, quá trình làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền giữa bị can Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Lò Thị Trường (SN 1976, trú tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đối với số tiền 300 triệu đồng mà bị can Huynh và Lò Thị Trường khai nhận trong quá trình điều tra và tại phiên tòa (đã nhận và đã trả lại).
Phúc cung lại, bị can Lò Văn Huynh vẫn khai nhận ngày 13/6/2018, Lò Thị Trường đến nhà Huynh đặt vấn đề nhờ nâng điểm cho con trai, đồng thời hứa hẹn, thỏa thuận và đưa trước cho Huynh số tiền 300 triệu đồng. Ngày 24/7/2018, Huynh đã trả lại cho Trường số tiền trên.
Đối với Lò Thị Trường vẫn thừa nhận cung cấp thông tin con trai cho Huynh, nhưng thay đổi tình tiết so với lời khai trước đây và tại phiên tòa sơ thẩm, cụ thể: Mục đích Trường chuyển thông tin cá nhân của con là để nhờ Huynh “xem điểm”; không hứa hẹn, thỏa thuận về lợi ích, không đưa tiền cho Huynh.
Tuy nhiên, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, lời khai ban đầu và khai nhận của Lò Thị Trường tại phiên tòa sơ thẩm có đủ cơ sở xác định: Khoảng 18h ngày 13/6/2018, Lò Thị Trường đến nhà Lò Văn Huynh đặt vấn đề nhờ Huynh giúp nâng điểm cho con trai là L.M.H (nhờ nâng điểm các môn Toán, Văn, Lịch sử đạt 24 điểm) để H. đỗ vào trường Công an nhân dân.
Huynh trao đổi là chỉ phụ trách chấm thi tự luận, không phụ trách chấm thi trắc nghiệm nên Trường tiếp tục nhờ Huynh giúp và đặt vấn đề đưa tiền để Huynh lo giúp.
Huynh đồng ý nên Trường lấy tiền trong túi đưa trước cho Huynh 300 triệu đồng, hẹn sau khi có kết quả sẽ cảm ơn thêm nhưng không nói rõ là bao nhiêu.
Khoảng 18h ngày 27/6/2018, Trường đến nhà Huynh đưa cho Huynh giấy báo dự thi của con trai.
Sáng ngày 28/6/2018, Huynh ghi lại thông tin cá nhân của H. vào tờ giấy rồi đưa cho Nguyễn Thị Hồng Nga giúp sửa bài thi nâng điểm hai môn Toán, Lịch sử cho thí sinh H.
Kết quả, thí sinh L.M.H. được 25,65 điểm, sau khi chấm thẩm định bị hạ 11,3 điểm.
Ngày 24/7/2018, Lò Văn Huynh đã gọi Lò Thị Trường đến nhà và trả cho Trường số tiền trên.
Ngày 21/10/2019, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi bị can đối với bị can Lò Văn Huynh về tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 2, Điều 354 BLHS.
Và quyết định khởi tố bị can Lò Thị Trường (SN 1976, trú tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) về tội Đưa hối lộ, theo quy định tại khoản 2, Điều 364 BLHS.
Nhiều người thoát lao lý ngoạn mục như thế nào?
Hành vi đưa, nhận tiền của Lò Văn Huynh và Lò Thị Trường đã bị phanh phui, các bị can đã bị khởi tố về hành vi đưa và nhận hối lộ. Song, cũng có hành vi “đút lót” chạy điểm cho con trong kỳ thi THPT quốc gia, một số người đã may mắn thoát lao lý.
Lò Thị Trường bị khởi tố về hành vi Đưa hối lộ. |
Ngoài hành vi nhận tiền của Lò Thị Trường, bị can Lò Văn Huynh cũng khai nhận tiền của Nguyễn Minh Khoa - Nguyên Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA03 Công an tỉnh Sơn La 2,1 tỷ đồng (1 tỷ đồng đã nhận, 1,1 tỷ đồng đã thỏa thuận nhưng chưa nhận).
Song, Nguyễn Minh Khoa tiếp tục giữ nguyên lời khai ban đầu, thừa nhận có chuyển thông tin 03 thí sinh cho Huynh, nhưng mục đích là nhờ “xem điểm”, không hứa hẹn, thỏa thuận về lợi ích, không đưa tiền cho Huynh.
Do vậy, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ quy kết hành vi hứa hẹn, thỏa thuận đối với số tiền 2,1 tỷ đồng và đưa, nhận hối lộ với khoản tiền 1 tỷ đồng mà bị can Huynh đã khai trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm.
Tiếp đến, tài liệu của cơ quan điều tra cũng nêu rõ, về nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền giữa bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí) và Trần Văn Điện (Cán bộ Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đối với số tiền 1.040.000.000 đồng mà bị can Nga đã khai nhận trong quá trình điều tra và tại phiên tòa.
Cơ quan điều tra đã phúc cung lại đối với bị can Nga, kết quả: Bị can Nga vẫn khai nhận, tối ngày 13/7/2018, tại nhà bố mẹ đẻ, Nga đã nhận của Trần Văn Điện số tiền 1.040.000.000 đồng, nhưng thay đổi về tình tiết, cụ thể: Nga khai không hứa hẹn, thỏa thuận với Trần Văn Điện về giá tiền khi nhận giúp nâng điểm cho 4 thí sinh.
Sau khi có kết quả điểm thi, chiều tối ngày 13/7/2018, ông Điện đến nhà bố mẹ đẻ của Nga để cảm ơn đã giúp nâng điểm cho 4 thí sinh và cho Nga 1 túi nilon đựng tiền và nói “gia đình các thí sinh gửi tiền cảm ơn”. Sau khi Điện về, Nga mở ra đếm các tập tiền thì thấy có 1.040.000.000 đồng.
Đối với Trần Văn Điện vẫn giữ nguyên lời khai trước đây và tại phiên tòa sơ thẩm, việc chuyển thông tin cá nhân của 04 thí sinh là để nhờ Nguyễn Thị Hồng Nga giúp “xem điểm”, không hứa hẹn, thỏa thuận với Nga về lợi ích, không đưa tiền cho Nga.
Do vậy, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ quy kết hành vi đưa, nhận hối lộ đối với số tiền nêu trên.
Tương tự, một số bị can khác như Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng chính trị sở GD&ĐT), Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) có khai nhận cầm tiền của một số người nhờ nâng điểm cho thí sinh.
Song những người bị tố “đi đêm” với Sọn và Thủy tiếp tục giữ nguyên lời khai trước đây cũng như tại phiên tòa sơ thẩm mở hôm 15/10 vừa qua, cho rằng mục đích chuyển thông tin cho các bị can là nhờ “xem điểm”, không hứa hẹn, thỏa thuận về lợi ích, không đưa tiền cho các bị can.
Đó cũng là lý do mà nhiều người may mắn thoát vòng tố tụng. Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp này, nhiều người chấp nhận “mất tiền để không phải … tật mang”.
Tác giả: Tư Viễn
Nguồn tin: Báo Người Đưa Tin