Chủ trương phát huy nội lực của các DN trong nước luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, việc triển khai chủ trương đúng đắn này đã đạt được những thành công bước đầu, trong đó có lĩnh vực chế tạo, lắp đặt cơ khí.
Khẳng định năng lực thợ lắp máy VN
Tại Nhà máy sản xuất vôi hóa Hương Hải (xã Lê Lợi, Hoành Bồ, Quảng Ninh), hàng trăm kỹ sư, công nhân Cty cổ phần cơ khí lắp máy Lilama (EMC) đang khẩn trương làm việc. Theo Phó TGĐ thường trực EMC Nguyễn Văn Huân, tổng khối lượng lắp đặt của dự án là hơn 3.000 tấn thiết bị, phần chế tạo trong nước gần 1.400 tấn và đã được EMC hoàn thành.
Không chỉ thành công tại các dự án mới, quy mô nhỏ và vừa, các nhà thầu trong nước, trong đó có những người thợ lắp máy Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế tại các công trình lớn, trọng điểm. Câu chuyện Thủy điện Sơn La về đích trước ba năm, làm lợi cho ngân sách gần 1 tỷ USD là minh chứng rõ nhất. Tiếp nối thành công đó, tại công trường Thủy điện Lai Châu, các cán bộ, kỹ sư, công nhân Cty cổ phần Lilama 10 cũng đang tích cực hết mình sớm đưa tổ máy 1 vận hành vào cuối năm nay. Sau khi phần việc về đập dâng và đập tràn hoàn thành, phần việc chính hiện nay do Lilama 10 đảm nhiệm.
Đưa chúng tôi dạo một vòng công trường, Phó giám đốc Ban điều hành Lilama Lai Châu Chu Đức Triệu khẳng định, mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại, thiết bị và một số hạng mục bàn giao chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả công trình nhưng tiến độ phát điện tổ máy 1 chắc chắn bảo đảm. Tại công trường, Lilama huy động hơn 900 người, thi công ba ca liên tục, đến nay đã chuẩn bị xong công tác tổ hợp tổ máy 1, đang lắp giá đỡ rotor tổ máy 2 để chuẩn bị xếp tôn si-lích, hoàn thành xong các van cung xả mặt của nhà máy… So với trước đây, số lượng các chuyên gia giảm đáng kể, hiện chỉ 20 người, chủ yếu tham gia công tác giám sát, phần việc chính đều do các người thợ trong nước đảm nhận thi công.
Sẵn sàng cho các dự án lớn, phức tạp hơn
Cũng tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các DN phải tiếp tục con đường này và không được chủ quan, thỏa mãn vì yêu cầu kỹ thuật, công nghệ ngày càng phức tạp và phát triển cao hơn. Việc xây dựng thành công Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có ý nghĩa bước ngoặt, đây là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy lớn nhất Việt Nam, công nghệ tiên tiến hiện đại và cũng là dự án đầu tiên chủ đầu tư và tổng thầu EPC đều là DN Việt Nam.
Theo TGĐ Lilama Lê Văn Tuấn, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là dự án lớn nhất do Lilama, một nhà thầu trong nước làm tổng thầu. Tại dự án này, Lilama đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm quản lý từ các dự án trước đó. Các đơn vị của Lilama đã đảm nhận hầu hết phần việc quan trọng, làm lợi cho chủ đầu tư hàng trăm triệu USD về chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành trong suốt vòng đời nhà máy do tăng công suất (hơn 5,8% công suất định mức) nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu. Các chỉ số khí thải ra môi trường cũng thấp hơn nhiều so với cam kết; hệ thống xử lý tro xỉ hoạt động khép kín giữ cho nhà máy luôn được sạch, không gây tác động xấu đến môi trường chung quanh.
Tại dự án này, tỷ lệ nội địa hóa chế tạo thiết bị đạt khoảng 30% nhưng sắp tới tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Lilama sẽ đẩy mạnh, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa về giá trị, phấn đấu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng trên giá trị tổng thầu EPC khoảng 43.000 tỷ đồng. Đây cũng là dự án thành công khi được hưởng cơ chế đặc thù, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tin tưởng, phát huy nội lực của chủ đầu tư và tổng thầu EPC đều là các DN trong nước.
Để sẵn sàng tham gia các dự án tiếp theo với độ phức tạp ngày càng cao, việc tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới được các DN rất chú trọng. GĐ Lilama Vũng Áng 1 Phạm Hồng Sơn cho biết, Lilama đã quản lý được toàn bộ giao diện thiết kế trong điều kiện tổng mức đầu tư thấp. Bước đột phá là làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng, chế tạo thiết bị để giảm chi phí, nhưng điều này đồng nghĩa với công tác thiết kế càng phức tạp hơn. Đối với phần chạy thử, mặc dù chỉ chiếm khoảng 5% khối lượng công việc, nhưng đây là khâu rất quan trọng, đánh giá sự thành bại của dự án. Các kỹ sư của Lilama đã đóng góp khoảng 50% công sức cho công tác chạy thử. Điều đáng ghi nhận Lilama là DN cơ khí đầu tiên thực hiện được công tác chạy thử toàn bộ các hệ thống: lò hơi, tua-bin, máy phát…
Có thể khẳng định, dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành là một bước tiến mạnh mẽ trong việc phát huy nội lực, tạo cơ hội để đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ sư lành nghề, sẵn sàng cho các dự án phức tạp hơn sau này.
Hùng Dũng / DĐDN