Bị kết tội giết người, Tráng A Dơ, SN 1984, ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã phải trả giá bằng bản án 20 năm tù. Vào trại giam Nam Hà cải tạo từ năm 2012 đến nay, Dơ chưa một lần được người thân tới thăm nuôi.
Cuộc cãi vã định mệnh
Có lẽ do mặc cảm về tội danh của mình nên lúc mới gặp, Dơ còn ngần ngại, không muốn nói chuyện vì “việc mình làm xấu hổ chứ vui vẻ gì đâu mà phải khoe, đi tù thì phải chịu thôi”. Anh ta bảo rằng, từ ngày đi tù đến giờ chưa nhận được bất cứ tin tức gì của gia đình. Dơ chỉ biết được thông tin về các con ở thời điểm anh ta đang trong trại tạm giam, còn từ ngày về trại cải tạo thì bặt tin nhà luôn.
“Ngày ở trại giam cứu, anh trai tôi có vào thăm một lần. Anh ấy bảo hai con tôi đang ở với anh ấy, còn giờ thì không biết chúng thế nào”, Dơ bộc bạch.
Cũng như bao thanh niên trong bản, Dơ lấy vợ sớm và nhanh chóng trở thành ông bố của hai con. Nhà chỉ có làm ruộng, ngoài ra thì lên rừng hái măng, hái củi nên cuộc sống của gia đình Dơ cũng thanh bần như nhiều gia đình khác. Ở bản, Dơ có tiếng là hiền lành và yêu vợ nhất.
Theo lời anh ta thì hai người yêu nhau từ những lần đi rừng hái củi, biết nhau qua tiếng khèn lá, khèn môi, mãi rồi mới nên duyên vợ chồng vì nhà Dơ nghèo, không đủ tiền sính lễ.
“Nhà tôi không có bạc nén, nhiều trâu bò để nhà vợ khao bản nên chúng tôi bàn nhau làm vụ bắt vợ giả. Được đám trai làng giúp sức, cô ấy lại đồng thuận nên tôi đưa được cô ấy về nhà cúng gia tiên, thế là tôi có vợ mà chỉ mất một con lợn làm cỗ”, Dơ kể.
Hỏi lý do vì sao yêu vợ thế lại giết vợ, anh ta ngoảnh mặt đi, trầm ngâm. “Không nhớ thì tôi đỡ đau lòng. Cán bộ nhắc tôi lại thấy trước mắt mình có núi có rừng và có cả khẩu súng kíp khiến vợ tôi thiệt mạng”, Dơ nghẹn lời.
Theo lời Dơ thì buổi tối hôm đó, cách đây 6 năm, Dơ sang nhà anh trai uống rượu đến lúc ngà say thì trở về. Lúc này vợ Dơ cũng vừa nấu mèn mén (bột ngô được đồ lên làm thức ăn thay cơm của người dân tộc Mông) xong.
Thấy Dơ có vẻ say, người vợ dìu chồng vào giường nằm nhưng Dơ bảo chưa say, muốn bàn với vợ một chuyện. Thấy chồng bảo thế, vợ Dơ liền cầm chai rượu ra rồi cả hai cùng uống.
Sau vài tuần rượu, Dơ bảo vợ mang khẩu súng kíp mà anh ta làm trước đó xuống xem đã ổn chưa. Chả là mẹ Dơ ốm liệt giường mấy năm nay, mà theo phong tục của người Mông thì khi trong gia đình có người chết, đến giờ cúng cơm con trai phải bắn súng kíp (mẹ 3 phát, bố 4 phát - PV) như một thông điệp mời tổ tiên về ăn cơm để đón người thân về bên đó. Khẩu súng kíp này Dơ mới hoàn thành được mấy bữa nhưng chưa đem ra bắn thử lần nào nên không biết đã đạt chưa.
Nghĩ chồng say rượu rồi, mang súng ra bắn nhỡ bắn nhầm vào ai đó nên chị vợ không lấy. Thấy vậy, Dơ liền đứng lên với khẩu súng kíp đang treo trên cột, cầm xuống thử. Người vợ liền giằng lại….
“Tôi không nhớ giữa chúng tôi đã xảy ra chuyện gì. Chỉ mang máng nhớ rằng mình có đứng lên kéo khẩu súng và hình như có ai đó giằng lại. Rồi gạt tay, rồi giằng co,… đến khi có tiếng súng nổ tôi mới choàng tỉnh”, Dơ nhớ lại, nét mặt đầy đau khổ.
Dơ bảo tiếng súng làm anh ta tỉnh hẳn rượu và bày ra trước mắt là cảnh người vợ chết. Dơ bị bắt và bị kết án 20 năm tù. Về trại giam Nam Hà cải tạo, Dơ đem theo nỗi lòng đau khổ của người chồng hết mực yêu vợ và những day dứt của một người cha với hai đứa con nhỏ.
Phạm nhân Tráng A Dơ cùng các phạm nhân trong tổ đang làm hàng mã. |
Chỉ biết cố gắng cải tạo
Nhắc đến tội lỗi khi xưa, Dơ bảo càng nghĩ càng thấy trách mình tại sao hôm đó lại uống say thế, rồi lại không nghe theo sự can ngăn của vợ.
“Trong này tôi không cần thêm thứ gì cả. Ở nhà còn thiếu thốn hơn nhiều. Người nhà không tới thăm, tôi chẳng buồn đâu mà chỉ lo ở nhà khó khăn quá, các con không được đi học. Từ ngày vào trại, tôi cũng được đi học, viết được cái chữ rồi, cũng viết được 2 lá thư nhờ cán bộ gửi về cho gia đình rồi đấy”, Dơ khoe.
Niềm an ủi của anh ta là mặc dù không được gia đình tới thăm nuôi nhưng mới đây Dơ đã nhận được thư của con trai. Con khoe đã học đến lớp 5 và đang có ý định nghỉ học để ở nhà làm nương giúp bác.
“Đọc thư con, biết các con ở nhà vẫn khỏe mạnh, tôi mừng lắm. Ngày tôi bị bắt, thằng lớn mới 7 tuổi, con bé thì mới biết chạy. Giờ chúng nó đã biết đỡ đần bác việc nhà, chăn trâu, hái củi”, Dơ kể.
Dơ bảo, cũng cảm thấy tiếc vì con phải bỏ học nhưng “chẳng còn cách nào hơn vì mình đang ở trong này và anh chị thì lại nghèo”.
Qua thư của con, Dơ biết các con được đi học là do có sự giúp đỡ của các chú bộ đội và các thầy cô giáo ở điểm trường mà hai con của Dơ được nuôi ăn. Nhưng hết cấp tiểu học rồi, muốn học tiếp thì gia đình phải tự lo.
“Con gái tôi đang học lớp 2, chắc nó vẫn theo học vì được nuôi ăn ở, thằng lớn về đi nương với bác cũng được. Dù sao thì biết đọc biết viết là được rồi”, Dơ nói như tự an ủi.
Anh ta kể rằng, cũng từ thư của con trai, Dơ biết mẹ mới mất được 2 năm nay. Nghĩ đến mẹ, đến người vợ xấu số và hai đứa con, Dơ lại càng ân hận. Anh ta bảo sẽ không bao giờ đụng đến rượu nữa và phải lấy đó làm bài học để sau này răn dạy con cái.
“Bây giờ tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc chăm chỉ lao động để sớm được hết án, trở về với gia đình. Tôi không biết các con có giận tôi không nhưng trong thư, chúng không nhắc gì đến. Chúng chỉ kể chuyện nhà và dặn tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe. Thằng lớn có vẻ không nuối tiếc việc học hành. Chúng nó trưởng thành hơn tôi nghĩ”, Dơ tâm sự.
Gần 6 năm trôi qua, chừng ấy thời gian Dơ cải tạo trong tù và ngẫm nghĩ về lỗi lầm của mình. Dù chưa đến vòng giảm án song người đàn ông này vẫn không thôi hy vọng. Anh ta bảo sau này về nhà, sẽ đem nghề mây tre đan về dạy cho thanh niên trong bản biết cách đan lẵng, đan giỏ.
“Vùng cao quê tôi, cây mây, cây giang không thiếu, chỉ thiếu việc để làm thôi. Tôi sẽ cố học thêm nhiều mẫu giỏ, lẵng hoa để về truyền nghề cho dân làng. Có việc thì dân bản tôi sẽ không đi xách thuê ma túy nữa, sẽ không còn cảnh phụ nữ ở nhà chăm con, ngóng chồng nữa”, Dơ bảo.
Tác giả: Nguyễn Vũ
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội