Ngâm mình trong nước lũ để cứu học trò
Một trong số những hình ảnh ấn tượng nhất năm qua là cảnh các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã dũng cảm, không ngại hiểm nguy cứu học trò bị kẹt trong đợt lũ quét tràn về bất ngờ gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường ngày 13/12 vừa qua.
Hình ảnh đáng khen ngợi của các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). |
Đưa các cháu lên nóc tủ hồ sơ, đỡ các cháu đu lên bệ cửa sổ, cho các cháu đứng trên vai cô ngâm mình dưới nước, có cháu rơi xuống nước cô giáo lặn ngụp tìm vớt… là những việc làm đầy tính nhân văn mà 4 cô giáo cứu 13 học sinh mẫu giáo thoát cơn lũ dữ.
Suy nghĩ “Thà cô chết chứ không để học trò chết” của các giáo viên khiến nhiều người vô cùng cảm phục. Với hành động đẹp này, các cô giáo nơi đây đã nhận được thư khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Thầy cô nhảy Cha Cha Cha với học sinh trên sân trường
Trong không khí và tiết tấu nhạc sôi động, các thầy cô Trường Tiểu học Cây Gáo A (Đồng Nai) đã cùng với học sinh của mình thực hiện điệu nhảy “Cha Cha Cha” điêu luyện như những vũ công chuyên nghiệp ngay trên sân trường.
Rất nhiều người đã bày tỏ sự thích thú, ấn tượng về hoạt động thú vị và vào cuộc hết sức chủ động của các thầy cô trường này với các động tác nhuần nhuyễn. Hầu hết mọi người đều đánh giá cao hoạt động này bởi có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.
“Không khí sân trường trở nên rất vui và sôi động với tiết mục này. Hoạt động này giúp cho học sinh và giáo viên thư giãn rất nhiều. Để thực hiện được như này không phải dễ, bởi các giáo viên phải dành thời gian để tập luyện cho học sinh. Chưa kể, các giáo viên cũng phải là những người nhiệt huyết, có tinh thần văn nghệ mới có thể làm được”, một giáo viên chia sẻ.
Cô giáo “bênh” Hoa hậu Kỳ Duyên
Năm qua, sự việc Hoa hậu Kỳ Duyên bị phát hiện hút thuốc lá ở nơi công cộng, cụ thể là ở quán cafe, đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ phái dư luận. Sự việc tiếp tục được đẩy lên cao với quyết định kỷ luật của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với cô nữ sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương đã bất ngờ có chia sẻ gây sốc trên mạng xã hội Facebook với tiêu đề “Tôi khinh” bày tỏ quan điểm bênh vực và ủng hộ Kỳ Duyên. Status bênh vực sinh viên của vị giảng viên này nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt với những bình luận trái chiều của cộng đồng mạng. Dư luận hướng nhiều “búa rìu” đến PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh bởi bà là một giảng viên đại học.
Nguyên văn lời bênh vực từng gây bão mạng của vị giảng viên:
“Tôi khinh! Cái gì mà “Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên hút thuốc lá nơi công cộng và tụ tập với bạn bè ở nơi có khung cảnh không phù hợp là những hành vi không tương xứng với danh vị Hoa hậu Việt Nam”. Luật pháp hay nội quy cuộc thi có chỗ nào cấm cô bé hút thuốc à?
Tôi khinh những vị mũ cao áo dài luôn miệng rao giảng văn hóa nhưng đi đâu cũng phả thuốc lá vào mặt cả phụ nữ có thai, ngày nào cũng trốn vợ để đi nhậu, trông thấy nhân viên đáng tuổi con cũng đưa lời ong bướm, bắt gọi là “anh”,… giờ đây lại túm tụm lại hiếp đáp cô bé chưa đầy 20 tuổi.
Bỏ đi Kỳ Duyên. Đừng cho họ cơ hội bắt nạt em nữa. Hãy ném cái vương miện dỏm ấy vào mặt họ, về vui đời sinh viên đi.
FTU luôn chào đón em!”.
Thầy giáo vừa nhảy vừa hát với học sinh trên bục giảng
Nhân dịp 20/10, thầy giáo Lê Minh (Trường THPT Nông Cống 1, tỉnh Thanh Hóa) đã có một tiết mục văn nghệ ấn tượng tặng các nữ sinh khi thực hiện những bước nhảy uyển chuyển cùng với nam sinh ngay tại lớp học.
Tiết mục văn nghệ của thầy giáo này sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có hàng nghìn lượt xem và bình luận của nhiều học sinh bày tỏ sự ấn tượng và thích thú về một người thầy tâm lý, gần gũi.
Thậm chí một số người hóm hỉnh cho rằng: “Đây chính là thầy giáo của năm”. Tuy nhiên, số ít người thì cho rằng hoạt động tuy vui nhưng các giáo viên cũng chú ý tiết chế trên lớp học để giữ hình ảnh người giáo viên.
Ngôi trường đặc biệt hơn 30 năm chỉ có thầy giáo
Các thầy giáo của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) khiến nhiều người vô cùng cảm phục khi vượt qua điều kiện sinh hoạt và giảng dạy khó khăn để bám trường, công tác tốt.
Cách trung tâm thị trấn hơn 30 km, nhưng để vào được trường, các giáo viên nơi đây phải đi mất cả ngày. Bởi để đến được điểm trường của mình, các giáo viên nơi đây hằng ngày phải đi xe máy vượt qua một trong những cung đường dốc, hiểm trở bám theo sườn núi. Con đường này mùa khô cát bụi mịt mù, mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội.
Đây còn là ngôi trường được biết đến với nhiều “không”: không đường ôtô, không điện, không sóng điện thoại, không Internet,…
Những điều kiện quá khó khăn cũng chính là nguyên nhân khiến ngôi trường này kể từ ngày thành lập đến nay, đã hơn 30 năm, không hề có bóng dáng của các cô giáo. Thay vào đó, 44 thầy giáo vẫn ngày đêm miệt mài cắm bản, vượt khó để gieo chữ ở tất cả 6 điểm trường với 29 lớp học.
Tuy nhiên, không vì thế mà các thầy giáo ở đây nản lòng mà tập làm quen và cố gắng khắc phục bằng mọi cách có thể. Các hoạt động, phong trào có thể đơn giản hơn nhưng không bao giờ thiếu dưới mái trường này.
Thầy giáo 9X hàng chục lần xin ra đảo để dạy học
Thuộc thế hệ 9X, nhưng thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990, giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) khiến nhiều người thán phục khi từng hàng chục lần xin ra Trường Sa để dạy học.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa có hoàn cảnh giống mình phải nghỉ học cũng chỉ vì nhà nghèo, ngay từ bé Quyết đã mong muốn trở thành một người giáo viên để đem con chữ đến với những vùng đặc biệt khó khăn. Để hiện thực hóa ước mơ, thời còn học tại Trường ĐH Sư phạm Nha Trang, Quyết đã nhiều lần chủ động lên Sở GD-ĐT Khánh Hòa để hỏi về việc tuyển giáo viên tại Trường Sa. Năm 2012, thời điểm chỉ mới tốt nghiệp ra trường, Quyết nộp đơn tình nguyện xung phong ra đảo cống hiến với đoạn nội dung: “Tôi xin cống hiến tất cả sự nghiệp của mình cho Trường Sa”.
Thầy Quyết chia sẻ: “Tôi đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dạy học, dù khi đó chưa biết hoàn cảnh cụ thể trên đảo ra sao. Chỉ biết bản thân luôn nung nấu muốn đem con chữ tới những vùng khó khăn nhất”.
Với những cống hiến của mình, thầy giáo trẻ được chọn là một trong những giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016.
Cô giáo làm bài thơ “Đât nước mình ngộ quá phải không anh?”
Cô giáo Trần Thị Lam (giáo viên chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) được nhắc đến nhiều khi là tác giả của bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” được cư dân mạng chia sẻ với nhiều đồng cảm. Cô Lam cho hay, bài thơ được sáng tác theo cảm hứng nhất thời của cô chứ không nhằm mục đích nào khác.
Cái tên cô giáo Lam tiếp tục được dư luận quan tâm hơn sau khi bài thơ của cô được đăng tải không lâu, trên mạng dấy lên và lan truyền thông tin cô bị nhà trường kỷ luật. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết nhà trường không hề có bất kì hình thức xử lý kỷ luật nào đối với cô giáo Lam. Bởi việc sáng tác thơ là quyền tự do cá nhân, riêng tư của cô nên nhà trường không can thiệp và cô vẫn đi dạy bình thường.
Lãnh đạo phòng PA83 – Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng xác nhận, không có chuyện cô giáo Lam “bị xử lý” sau khi bài thơ lan truyền trên mạng.
Cô Trần Thị Lam sinh năm 1973, là tổ trưởng tổ văn của trường. Cô Lam là giáo viên giỏi cấp tỉnh và gắn bó với Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh gần 20 năm nay.
Thầy giáo viết chữ bằng miệng
Vì khuyết tật không thể viết chữ bằng chính đôi tay của mình, anh Phùng Văn Trường (sinh năm 1979, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) quyết tâm dùng miệng tập viết.
Viết chữ bằng miệng nhưng 7 năm qua người đàn ông này còn khiến nhiều người ngưỡng mộ hơn vì tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Anh nhận giúp đỡ các gia đình trong thôn rèn chữ, luyện toán cho con em họ. Mỗi ngày, lớp học của người thầy giáo đặc biệt vẫn luôn rộn tiếng ê a đánh vần và những con số và cộng, trừ, nhân, chia.
Thanh Hùng