Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy tay khi rời Hà Nội để đến Philippines ngày 12/11. Ảnh: Bá Đô. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành 12 ngày trong chuyến công du châu Á để kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, thề sẽ "sửa chữa" hệ thống thương mại toàn cầu và quyến rũ Trung Quốc. Trump quả quyết với sự nhiệt thành thường thấy ở một doanh nhân rằng chuyến công du của ông sẽ dẫn tới những thỏa thuận thương mại "có đi có lại", một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và một nỗ lực gây sức ép lên Triều Tiên không biết mệt mỏi từ cộng đồng quốc tế, theo USA Today.
"Các nước đang lợi dụng Mỹ", ông Trump nói trước các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một trở về Washington. "Những ngày tháng ấy đã chấm dứt".
Dù Tổng thống Trump tỏ ra tự tin, thành công của chuyến công du châu Á vừa qua thực tế phụ thuộc vào việc ông và Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng những quốc gia khác sẽ hành động ra sao trong tương lai, giới chuyên gia nhận định.
Chẳng hạn, Tổng thống Trump tuyên bố đang tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới với các đối tác châu Á, nhưng nếu ông không thực hiện được điều đó, những quốc gia này đơn giản có thể sẽ quyết định giao dịch với nhau thay vì với Mỹ.
Những yếu tố ảnh hưởng khác đa phần không nằm trong tầm kiểm soát của ông chủ Nhà Trắng. Trump muốn thấy các nước, đặc biệt là Trung Quốc, gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế lên Triều Tiên. Nhưng họ mới là bên quyết định có hành động hay không. Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng việc các quốc gia láng giềng tăng gây sức ép lên Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ đã tự đặt mình vào thế khó với những gì ông thể hiện ở nước ngoài. Ông đạt một số thành công về ngắn hạn, ví dụ như thuyết phục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mua hàng hóa Mỹ, nhưng lại thất bại trong việc xử lý những mối lo lắng dài hạn, như việc Trung Quốc từ chối mở cửa thị trường cho những nhà sản xuất ôtô hay các công ty truyền thông xã hội Mỹ.
"Ông Trump dường như nghĩ rằng một mối quan hệ tốt đẹp với ông Tập đã là đủ để giải quyết các vấn đề thương mại và Triều Tiên, nhưng không có bằng chứng nào về việc này", ông Richard McGregor, tác giả cuốn sách "Đánh giá châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Số phận Sức mạnh Mỹ trong Kỷ nguyên Thái Bình Dương", nhận xét.
Tổng thống Trump cho biết ông chuẩn bị ra một "thông báo quan trọng" tại Nhà Trắng liên quan tới vấn đề Triều Tiên và thương mại. Với châu Á, ông vẫn còn một danh sách rất dài việc cần làm.
Khủng hoảng Triều Tiên
Một mục tiêu chính mà ông Trump hướng đến trong chuyến công du vừa qua là thuyết phục các quốc gia châu Á rằng chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên đang đe dọa toàn thế giới.
Với mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ông yêu cầu các quốc gia khác phải góp sức thông qua việc áp đặt những biện pháp trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên, hạn chế giao dịch thương mại cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu họ có nghe theo lời ông hay không. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng chỉ trích chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, song không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng gây áp lực kinh tế thật sự lên Bình Nhưỡng.
Giờ đây, Mỹ và các nhà lãnh đạo khác chắc chắn phải chăm chú theo dõi xem lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ làm gì tiếp theo? Liệu Triều Tiên có tiếp tục phát triển tên lửa có khả năng vươn tới đất liền Mỹ nữa hay không?
Và nếu Bình Nhưỡng vẫn chưa dừng lại những động thái gây hấn, đây sẽ là một bài kiểm tra đối với ông Trump. Các nhà lãnh đạo châu Á, trước chuyến thăm, đã bày tỏ quan ngại về những cuộc cãi vã, những lời đe dọa qua lại giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên. Họ lo sợ có thể bị kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Trump trong khi đó còn đang cân nhắc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực
Tổng thống Mỹ phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Để bảo vệ cho quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Trump nhấn mạnh trong chuyến công du rằng ông muốn theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương, một đối một, thay vì những thỏa thuận đa phương.
Dù vậy, những cuộc thương thảo song phương mà ông chủ Nhà Trắng đề cập ở trên thực tế cũng đang bị đình trệ. Và thị trường quốc tế sẽ quan sát xem liệu chúng có được đẩy nhanh tốc độ hay không sau chuyến công du châu Á của ông. Chẳng hạn, Hàn Quốc đang chờ để biết liệu chính quyền Trump có muốn tái khởi động việc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước không.
Như lời ông Trump khẳng định, châu Á - Thái Bình Dương luôn có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Song nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đang gặp một trở ngại lớn: Trung Quốc.
"Các quốc gia châu Á vẫn muốn một nước Mỹ hùng mạnh, vững vàng tham gia vào khu vực", McGregor bình luận. "Vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc đang đưa ra cho họ một kế hoạch còn ông Trump thì chưa".
Mối quan hệ với Trung Quốc
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc - Mỹ cùng duyệt đội danh dự trong lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Bắc Kinh hồi tuần trước. Ảnh: SCMP. |
Nhiều nhà phân tích nhận định Tổng thống Trump, người từng không ngớt lời chỉ trích Trung Quốc trong thời gian vận động tranh cử, đã có một cách tiếp cận rất khác khi đặt chân tới Bắc Kinh.
Dù khẳng định muốn Trung Quốc ngừng hành vi thao túng tiền tệ và đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ, Tổng thống Trump cũng hứa sẽ hợp tác với chính quyền Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề khác nhau. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời tỏ ra hài lòng trước cách mà Trung Quốc "trải thảm đỏ" đón tiếp ông.
"Người ta bảo rằng trong lịch sử, chưa người nước ngoài nào đến Trung Quốc được chào đón như vậy và tôi tin điều đó", Tổng thống Mỹ nói trước các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một. "Thật đáng kinh ngạc".
Tuy nhiên, dù Tổng thống Trump đảm bảo được một số thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh lại không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc mở rộng thị trường hơn cho các nhà sản xuất Mỹ. Họ cũng không thảo luận về những thay đổi trong chính sách thương mại hay vấn đề Triều Tiên.
Thách thức đặt ra với Tổng thống Mỹ lúc này là nếu Trung Quốc từ chối đáp ứng những yêu cầu mà ông nêu lên trong chuyến công du châu Á, liệu ông có cứng rắn hơn với Bắc Kinh hay không và bằng cách nào?
Chính quyền Trump đang trong quá trình điều tra cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ từ các công ty Mỹ. Nếu nó biến thành một vụ kiện, mối quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí còn có khả năng dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại.
"Trong ngoại giao, sự nhất quán và rõ ràng là vô cùng quan trọng", David Dollar, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Brookings, Mỹ, cho hay. "Dễ hiểu nếu Trung Quốc giờ đây tin họ đã xử lý thành công vấn đề thương mại, nhưng mọi chuyện vài tháng tới có thể sẽ rất khác".
Về vấn đề Triều Tiên, theo ông David Rothkopf, chuyên gia tại Trường nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, Tổng thống Trump đang dựa quá nhiều vào Trung Quốc và Nga, hai quốc gia "không có chung mục tiêu với Mỹ".
Rothkopf cho rằng ông Trump thực sự có cơ hội cải thiện quan hệ với Trung Quốc, với điều kiện Trung Quốc cũng muốn như vậy.
Đối với Tổng thống Mỹ, ông vẫn tỏ ra lạc quan. "Đó là 12 ngày tuyệt vời", Trump khẳng định. "Tôi vô cùng thích thú chuyến đi này. Tôi đã kết thêm nhiều bạn mới ở mức độ cao nhất".
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress