Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân. Ảnh: Internet
Theo đó, với tư cách là người đứng đầu UBND thành phố trong giai đoạn trên, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, đặc biệt là trong việc thực hiện các giải pháp, quy định về phòng chống tham nhũng.
3.390 tỉ đồng tiền thuê, sử dụng đất có nguy cơ không thu được
Kết luận thanh tra cho biết, công tác quản lý ngân sách, tài chính, tài sản đã để xảy ra tình trạng một số quận huyện chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về công khai tài chính, ngân sách, một số sở ngành không ban hành văn bản công khai tài chính, không tuân thủ các quy định của nhà nước.
Việc mua sắm, sử dụng tài sản cũng như việc sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số sở ngành, quận huyện không công khai, không báo cáo Sở Tài chính, UBND thành phố.
Trong quản lý các cơ sở nhà đất, tình trạng bị lấn chiếm, bỏ trống, cho thuê, làm nhà ở đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Tính đến hết năm 2013 toàn thành phố có 45.782 m2 đất bị lấn chiếm; hơn 416.000 m2 bị bỏ trống… Nhiều công trình, dự án thi công chậm so với tiến độ phê duyệt, phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, tăng vốn ngân sách.
Trong quản lý sử dụng đất đai cũng còn một số vấn đề như có tới 993 hồ sơ thuê đất chưa ký hợp đồng thuê đất, 807 hồ sơ thuê đất chưa xác định đơn giá theo quy định.
Nhiều đơn vị thuê đất không chấp hành nghĩa vụ tài chính với số tiền thuê đất lên đến 1.838 tỉ đồng và tiền sử dụng đất 1.552 tỉ đồng. Một số dự án chậm triển khai hoặc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá nhưng không tổ chức đấu giá.
Thành phố đã cho 8 tổ chức, cá nhân thuê hơn 15.000 m2 để làm nhà hàng, bãi giữ xe… Tuy nhiên số tiền này sau khi trừ chi phí đã không nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện các kết luận thanh tra để tiếp tục xử lý theo đúng pháp luật.
Cụ thể là dự án số 8 -12 Lê Duẩn (quận 1) vi phạm về giao đất, cho thuê đất không đúng quy định; 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng 100% vốn góp của mình là 50 tỷ đồng cho Công ty Kinh Đô để thu lợi 200 tỉ đồng.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo thanh tra một số nội dung như công tác trợ giá xe buýt tại Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm; chỉ đạo thanh tra và xử lý theo quy định đối với các dự án thiếu năng lực, chậm triển khai còn khá phổ biến trên địa bàn thành phố, trong đó có 400 ha của công ty Bitexco
Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Thanh tra Chính phủ cũng xác định tình trạng lạm thu, thu học phí sai quy định, để ngoài sổ sách, tồn tại trong đấu thầu thuốc…tại một số đơn vị.
Yếu kém trong tiếp dân
Trong lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính, Thanh tra Chính phủ phát hiện tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp là khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực cấp sổ đỏ và các giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh…
Thanh tra Chính phủ xác định các tồn tại, sai phạm nói trên có trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố. Bên cạnh đó, Thanh tra thành phố cũng có trách nhiệm vì chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố đầy đủ, kịp thời các quy định.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với UBND thành phố và cá nhân các chức danh liên quan.
Chỉ đạo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn về việc cung cấp thông tin tài khoản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm
Chỉ đạo thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến công tác bồi thường, thu hồi, quản lý và sử dụng 90 ha đất tái định cư tại khu Nam Rạch Chiếc, quận 2; giải quyết 13 vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn động, bức xúc kéo dài.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND một số quận, huyện như: Tân Phú, quận 6, huyện Hóc Môn, quận 7…