Kinh tế

Những nỗ lực bước đầu của Hà Tĩnh

“Hà Tĩnh bước đầu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ”. Ðó là nhận xét của Trưởng Ðoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/CP Trần Hồng Kỳ, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sau khi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Nghị quyết 11 tại Hà Tĩnh.

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Chúng tôi có mặt tại Công ty CP thức ăn gia súc Thiên Lộc (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại (KS và TM) Hà Tĩnh) trong những ngày đầu triển khai quyết liệt Nghị quyết 11/NQ-CP (NQ 11), Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Phương cho biết: Do  các loại vật tư, nguyên liệu (chủ yếu nhập khẩu) đều tăng 10-30% nên đơn vị đã lập phương án tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, không sản xuất vào giờ cao điểm; tối ưu hóa trong sản xuất để tiết giảm điện; lập phương án giảm hao hụt nguyên liệu từ 0,96% xuống 0,6%; giảm chi phí tiếp khách 10%, giảm đi công tác xa khi chưa cần thiết… Nhờ đó, tránh được sự tăng đột biến về giá thức ăn gia súc nên hàng vạn khách hàng ở các tỉnh miền trung là bạn hàng của công ty vẫn phát triển tốt nghề chăn nuôi trong giai đoạn lạm phát hiện nay.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS và TM Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết: 30 công ty con của Tổng Công ty đều triển khai chương trình hành động theo NQ 11, thông qua phong trào thi đua cải tiến công nghệ, thực hành tiết kiệm. Nhất là các nhà máy đã cải tiến công nghệ tại nhà máy tuyển tinh I-mên-hít nhằm tận thu triệt để tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, đã tăng mức thu hồi I-mên-hít lên 20%; tăng mức thu hồi nguyên liệu rutile, zircon lên từ ba đến bốn lần so với năm 2010. Ðồng thời, phát huy tối đa năng lực các loại máy móc thiết bị hiện có, hạn chế đầu tư mua sắm mới. Doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các giải pháp cải tiến công nghệ sấy (cải tiến lò sấy để tiết kiệm dầu, công nghệ tuyển…)  tuyển tinh, nhằm tiết kiệm 5-10% dầu và điện. Hiệu quả thu được dự kiến không chỉ hàng chục tỷ đồng nhờ giảm chi phí từ vật tư, nguyên liệu mà còn tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên. Ngoài ra, doanh nghiệp đang tập trung hoàn thiện công nghệ sản xuất Thạch Anh dựa trên việc tự nghiên cứu công nghệ và khai thác các thiết bị máy móc hiện có thay cho thiết bị nhập khẩu để tăng doanh thu và lợi nhuận cho Tổng công ty.

Tại Khu kinh tế Vũng Áng, các nhà đầu tư đang dồn sức thi công để sớm đưa các công trình vào hoạt động. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam kiêm Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vũng Áng – Quảng Trạch Phạm Văn Ðịnh cho biết: Ðến nay, nhiều hạng mục quan trọng của Nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200 MW đang hoàn thành, nhất là việc hoàn thành lắp bao hơi số 1 và 2. Tiến độ công trình xây dựng trọng điểm quốc gia này đã vượt tiến độ gần ba tháng so với kế hoạch và phấn đấu quý II-2012, lần lượt tổ máy số 1 và 2 sẽ hòa lưới điện quốc gia. Hiện Hà Tĩnh đang tập trung quyết liệt công tác mặt bằng để ngay trong tháng 3 này, bàn giao nốt mặt bằng một số hạng mục còn lại cho nhà thầu triển khai thi công. Việc vượt tiến độ của Nhiệt điện Vũng Áng 1 vừa góp phần thực hiện tốt NQ 11 vừa giải bài toán thiếu điện cho đất nước.

Ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm

Có thể nói ở mỗi công trình, mỗi doanh nghiệp đến từng địa phương, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh bước đầu triển khai khá quyết liệt NQ 11, bằng các chương trình hành động cụ thể của mình. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu Tư (KH&ÐT) Phan Cao Thanh cho biết: Hà Tĩnh tạm dừng việc trang bị mới ô-tô, thiết bị văn phòng đắt tiền; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, tiếp khách, hội nghị, xăng xe…, không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật cấp bách. Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu thu ngân sách năm 2011 vượt 17% so với dự toán được giao, đồng thời tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong dự toán năm 2011 (khoảng 42 tỷ đồng. Ngay trong tuần đầu triển khai, Sở KH và ÐT đã cắt giảm tám công trình với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để dồn vốn cho các công trình triển khai nhanh, có khối lượng hoàn thành lớn đang còn thiếu vốn và các công trình quan trọng, cấp bách khác hoàn thành trong năm 2011. Về các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn, năm 2010, Hà Tĩnh được phân bổ 1.755,13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và 1.227,4 tỷ đồng nguồn trái phiếu Chính phủ. Ðến nay, tiến độ giải ngân đạt hơn 93% (cao nhất từ trước đến nay). Ðể thực hiện có hiệu quả NQ 11, Hà Tĩnh đang dồn sức cho công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm như: dự án Khu kinh tế Vũng Áng, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dự án hệ thống công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, nâng cấp một loạt tuyến quốc lộ (8A, 15, 1A) cùng các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ khác.

Tỉnh trích ra nhiều tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để động viên các doanh nghiệp đưa hàng tiêu dùng về các địa bàn vùng sâu, vùng xa và phát động phong trào: Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tiến hành rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương để có kế hoạch hỗ trợ, giảm nghèo… Tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như: hỗ trợ lãi suất đầu tư; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng chương trình nông thôn mới theo lộ trình của Chính phủ.

Triển khai thực hiện NQ 11 và Chỉ thị 01, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tín dụng và lãi suất; chú trọng ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các ngân hàng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các doanh nghiệp sản xuất, nhất là lĩnh vực tam nông mà theo Giám đốc Công ty CP thức ăn gia súc Thiên Lộc Nguyễn Ngọc Phương: Ðể vượt qua giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp đang thiếu từ 8 đến 10 tỷ đồng để bù đắp chi phí do giá vật tư, nguyên liệu tăng cao và vốn lưu động rất cần sự quan tâm từ phía ngân hàng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đề nghị: Chính phủ sớm khẩn trương hỗ trợ nguồn ngân sách giúp tỉnh khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, đặc biệt là hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi; bổ sung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế và các công trình phục vụ các dự án trọng điểm, có như vậy Hà Tĩnh mới có điều kiện kiềm chế được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội cho các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do các trận bão lũ lịch sử năm 2010 vừa qua’.

Bài và ảnh: Thành Châu

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP