Như thường lệ, cứ đến thứ 7 hàng tuần, can, phạm nhân được phố biển giáo dục pháp luật. Họ xếp hàng vào lớp và ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe cán bộ giảng bài. Lứa tuổi không giống nhau, hành vi phạm tội không giống nhau đến nhận thức cũng không mấy tương đồng. Vì vậy, để tạo sự hấp dẫn đối với mỗi giờ lên lớp, cán bộ giáo dục chuẩn bị những tình huống riêng biệt để can phạm nhân có cách nhìn nhận, tiếp thu và phản biện ở những khía cạnh khác nhau. Đó cũng là cách làm có hiệu quả cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Huy Chương – Phó Giám thị trại tạm giam cho biết: Ngay từ đầu năm, Trại tam giam ra chương trình, kế hoạch tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biên thông tin và các chế độ chính sách đối với phạm nhân. Theo đó, các tổ, đội công tác triển khai thực hiện. Trại đã lựa chọn những cán bộ có kỹ năng sư phạm, truyền đạt các nội dung dễ hiểu đến các phạm nhân. Mỗi bài giảng là chứa đựng cả những trăn trở, suy nghĩ của cán bộ giáo dục, để làm sao khi truyền đạt pháp luật để mỗi phạm nhân thấy rõ những việc làm sai trái để quyết tâm làm lại cuộc đời.
Phổ biến giáo dục pháp luật cho phạm nhân (ảnh tư liệu) |
Theo kế hoạch, hàng tuần đơn vị tổ chức giáo dục cho tập thể phạm nhân, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 5 tiếng. Với tinh thần trách nhiệm, Trại tạm giam Công an tỉnh thường xuyên tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thời sự, chính sách làm cho mỗi phạm nhân đang chấp hành án ở Trại hiểu biết và nhận thức được kiến thức về pháp luật do Nhà nước ta quy định, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Giúp cho phạm nhân nhận thức được quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của phạm nhân, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong quá trình chấp hành án để sau khi mãn hạn tù về sinh sống tại địa phương có kiến thức, hành trang hòa nhập cộng đồng dân cư, tạo lập cuộc sống, làm ăn lương thiện, làm người công dân tốt. Các hệ thống văn bản như Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2004, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Luật phòng chống ma túy, Luật hôn nhân gia đình, Luật biển Việt nam và nhiều dự luật khác các can phạm nhân thường xuyên được truyền đạt. Bên cạnh đó, Trại cũng làm tốt chức năng Giáo dục đạo đức lối sống cho phạm nhân như nghị lực, lập nghiệp, hối hận và hướng thiện, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam; giáo dục kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng hợp tác… Phổ biến thời sự, chính sách như các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế. Thông tin thời sự của tỉnh nhà, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân. Sau mỗi bài giảng cán bộ Giáo dục ra câu hỏi cho phạm nhân thảo luận và viết bài thu hoạch, có đánh giá nhận xét kết quả của từng phạm nhân, lưu hồ sơ phạm nhân.
Trong lao động, thắp sáng lương tri cho người lầm lỗi (ảnh tư liệu) |
Ngoài ra, Trại còn tổ chức lồng ghép phong trào thi đua vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, kéo co… được tổ chức vào các ngày lễ, tết, nhân dịp sơ kết, tổng kết, tạo cho phạm nhân phấn khởi, yên tâm cải tạo, “tích cực học tập, rèn luyện, cải tạo tốt”. Vì thế, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, Trại giam Công an tỉnh đã thực hiện tốt việc dạy nghề, dạy cách làm người để khi được hoàn lương, phạm nhân nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm.
Phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Trúc, đang thụ án 18 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tâm sự: “Là một người phụ nữ phạm tội, vào đây tôi thấu hiểu cảnh xa gia đình, xa người thân, nhưng được sự quan tâm của cán bộ Trại tạm giam nên tôi yên tâm cải tốt. Hàng ngày, chúng tôi được đọc báo, xem thời sự, hàng tuần được phổ biến giáo dục pháp luật, giúp chúng tôi nhận ra lẽ phải, để không tái phạm làm lại quá khứ. Ngoài việc phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục công dân thì tình người nơi đất trại ở đây đã giúp chúng tôi hướng thiện và dần xóa đi những lỗi lầm quá khứ”. Còn phạm nhân khác chia sẻ với chúng tôi: Chính tấm lòng của cán bộ quản giáo đã giúp tôi hiểu nhiều hơn những việc làm sai trái của mình, giúp tôi sớm ăn năn, hướng thiện!
Hướng dẫn phạm nhân tăng gia sản xuất |
Đất trại một ngày bình yên. Cán bộ chiến sỹ lặng lẽ làm công việc của những người gieo mầm thiện cho rất nhiều phạm nhân từ lầm lỗi trở về lương thiện. Nơi đây vẫn còn in mãi dấu chân, mồ hôi, trí tuệ và công sức của những người quản giáo, những cán bộ, chiến sĩ Công an như những người lái đò đưa khách sang sông. Đã rất nhiều phạm nhân cải tạo tốt tái hòa nhập cộng đồng. Còn các anh… vẫn miệt mài với nơi đây. Chúng tôi rời Trại tạm giam Công an tỉnh trong sự quyến luyến khó tả. Có thể tình đất, tình người nơi đây khiến con người có cảm giác ấm áp, gần gũi. Cảm giác ấy đến từ tình cảm giữa 2 ranh giới: người phạm tội và người gieo mầm thiện.
Và bao giờ cũng vậy: dẫu con người ta có lỗi lầm đến đâu thì trong họ vẫn có những mầm thiện. Mầm thiện ấy được nuôi dưỡng từ những người cán bộ quản giáo. Phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những việc làm thường xuyên như thế. Và, chúng tôi xin được gọi những cán bộ, chiến sỹ công an ở đây là những “người thầy đặc biệt”!