Năm 2020, khi trào lưu sở hữu ngôi nhà thứ 2 (second home) lên cao, chị T.T.Đ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng một người bạn lên Lâm Đồng để góp vốn mua chung một sản phẩm bất động sản, rộng hơn 1ha có tầm nhìn ra đồi, suối, với tổng giá trị là 6 tỷ đồng. Tại Lâm Đồng chị Đ có 2 người bạn đang sinh sống ở đây nên đã rủ nhau góp vốn để mua bất động sản này.
Cũng vì tin tưởng, thuận tiện cho việc mua, bán về sau và do tính chất công việc bận rộn nên chị Đ thỏa thuận với 2 người bạn ở Lâm Đồng, thống nhất để 1 người độc thân đứng tên đại diện cho mảnh đất đó. Mọi việc diễn ra thuận lợi và thường xuyên trao đổi qua 1 nhóm ở trên mạng xã hội mà 4 người đã lập ra.
Tuy nhiên, năm 2022, khi thấy giá đất tăng, chị Đ cùng người bạn ở TP.HCM muốn bán bất động sản này để chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã được thỏa thuận từ trước thì phía 2 người bạn ở Lâm Đồng luôn tìm cách kéo dài vì nhiều lý do.
Bất động sản Lâm Đồng "nóng" với trào lưu sở hữu ngôi nhà thứ 2. Ảnh: V.Dũng |
Qua xác minh chị Đ bất ngờ khi biết mảnh đất nêu trên đã được sang tay đổi chủ qua người khác, 2 người bạn ở Lâm Đồng bán lại với mức giá 12 tỷ đồng, nhưng lại không báo vì số tiền này đã được sử dụng hết.
"Tôi và người bạn ở TP.HCM mỗi người góp 1,5 tỷ đồng, cùng với 2 người ở Lâm Đồng mua mảnh đất đó. Hiện, tôi đã làm đơn tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm đến công an để xử lý hành vi này" chị T bức xúc nói và tỏ ra lo lắng, không biết có đòi được số tiền này không vì đây là số tiền đi vay ngân hàng để đầu tư.
Liên quan đến vấn đề góp vốn mua chung bất động sản, chia sẻ Nhadautu.vn, luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, Đoàn Luật sư TP.HCM - một trong những luật sư chuyên giải quyết các tranh chấp liên quan đến bất động sản cho biết, hiện nay do nền kinh tế gặp khó khăn, có rất nhiều khách hàng đã tìm đến các luật sư để xử lý những vấn đề về góp vốn mua chung bất động sản.
"Thông thường chúng ta thấy trên thị trường do giá trị một bất động sản giá thường rất lớn, nếu chia nhỏ phần thì mỗi người sẽ góp rất ít phù hợp với nhiều nhà đầu tư có vốn ít. Khi chia nhiều phần từ khoảng 2 người, 3 người thậm chí 4, 5 hoặc 10 người cùng mua chung một bất động sản có giá trị lớn. Như vậy tồn tại rất nhiều các vấn đề khi tiến hành giao dịch", luật sư Cường nói.
Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, Đoàn Luật sư TP.HCM. |
Thỏa thuận mua chung sơ sài
Thông qua hàng loạt hồ sơ gửi đến công ty, luật sư Cường lưu ý đến các nhà đầu tư, khách hàng một số vấn đề tìm ẩn rủi ro cũng như đưa ra các khuyến nghị.
Thứ nhất, các thỏa thuận góp vốn mua chung bất động sản rất sơ xài. Nguyên nhân là do không có tư vấn và thiếu kinh nghiệm nên hầu như các bên không có thỏa thuận về câu chuyện là thời gian bán, phương án bán, giá bán như thế nào…
Thứ hai, để tiện cho việc làm thủ tục, giao dịch nên chỉ có 1 người đứng tên trên quyền sử dụng đất thay vì đồng sỡ hữu.
Thực tế cho thấy mua chung bất động sản cùng với những người rất thân, thậm chí anh em trong cùng gia đình cũng có nhiều vấn đề nhức nhối. Họ tố cáo, đưa nhau ra công an vì có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hay khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Đây là những bài học rất đau lòng mà những nhà đầu tư, khách hàng có vốn ít hoặc có ý tưởng mua chung bất động sản phải hết sức lưu ý Luật sư Trần Minh Cường |
Thứ ba, góp vốn mua bất động sản ở xa nơi sinh sống, có thể là ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Hòa… Như vậy địa điểm mua thường rất xa và những bên mua chung thường không sinh sống ở địa phương đó nên thường để cho người ở địa phương (là một trong những bên góp vốn) đó đứng ra quản lý.
"Sau một quá trình kinh tế khó khăn, giá đất đi lên thì hiện nay xảy ra một số vấn đề tranh chấp như: Một trong các bên không bán khi bất động sản gia tăng giá, một trong các bên muốn thu hồi vốn nhưng không đạt thoả thuận của những đồng sỡ hữu còn lại; người đứng tên bất động sản đó bán bất động sản đó đi và không chia theo đúng tỉ lệ hoặc bán nhưng che giấu giá thật có liên quan thậm chí có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bán rồi nhưng không hoàn trả cho các nhà đầu tư đồng sở hữu bất động sản đó", luật sư Cường cho hay.
4 nguyên tắc bất di bất dịch
Để tránh rủi ro trong góp vốn mua chung bất động sản, luật sư Cường đưa ra một số nguyên tắc. Trong đó, việc thỏa thuận góp vốn mua chung phải được thành lập bằng văn bản.
Thứ hai, việc mua chung thì chúng ta phải đồng sở hữu đứng cùng vào bên mua trong hợp đồng mua bán và đứng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không nên ngại khó khăn về thủ tục hay phải di chuyển nhiều lần.
Thứ ba, chỉ mua bất động sản ở vị trí ở gần, cách nơi sinh sống khoảng 2-3h lái xe, không mua bất động sản ở xa nếu không có người thân cận quản lý.
Thứ tư, trong hợp đồng, nhà đầu tư, khách hàng phải thỏa thuận rất rõ về các nội dung cơ bản sau: Nguyên tắc hợp tác, tỷ lệ phân chia lợi nhuận, tỷ lệ góp cổ phần, quyền và nghĩa vụ của các bên và đặc biệt là khi có một bên mua chung muốn rút vốn trước thời hạn thì phải xử lí như thế nào.
"Hiện nay, thực tế cũng cho thấy, bất động sản mua chung cùng với những người rất thân, thậm chí anh em trong cùng gia đình từ mặt nhau. Họ tố cáo, đưa nhau ra công an vì có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hay khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Đây là những bài học rất đau lòng mà những những đầu tư, khách hàng có vốn ít hoặc có ý tưởng mua chung bất động sản phải hết sức lưu ý", luật sư Cường nhìn nhận.
Tác giả: Vũ Phạm
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư