Giáo dục

Những kỷ lục chưa từng có ở các vụ bê bối thi THPT quốc gia 2018

Những sai phạm trong chấm thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là vụ gian lận chưa từng có trong lịch sử các kỳ thi quốc gia. Kỷ lục không hề vui vẻ này còn kéo theo những "kỷ lục" khác trong cả quá trình phanh phui vụ việc.

Quay ngược thời gian, sự việc bắt nguồn từ những râm ran về nghi vấn về những bài thi điểm cao tại Hà Giang – địa phương mà theo thống kê chỉ có mức trung bình điểm thi THPT quốc gia xếp áp chót cả nước.

Rạng sáng ngày 17/7, khi người dân Hà Giang đã chìm trong giấc ngủ, bầu không khí yên ắng lệ thường bị xua đi trước cổng Sở GD-ĐT Hà Giang khi cánh phóng viên các cơ quan báo đài rầm rập kéo đến. Trước sức ép của báo chí sau nhiều ngày liền “ăn chực, ngồi chờ” ở các cơ quan chức trách, 1h sáng ngày 17/7, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã phải tổ chức một cuộc thông tin báo chí bất thường.

Đây là cuộc trả lời báo chí muộn nhất từ trước đến nay liên quan đến một sự kiện giáo dục. Đến nỗi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) phải thốt lên hướng về phía các phóng viên trẻ: “Thực sự nhìn các em mà anh thấy thương”.

1h sáng ngày 17/7, các phóng viên vẫn đứng kín trước cổng Sở GD-ĐT nơi Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tổ chức rà soát, chấm thẩm định để đợi thông tin về kết quả sự việc nghi vấn điểm thi bất thường tại Hà Giang. Ảnh: Thanh Hùng.

Sẽ là những trải nghiệm khó quên với nhiều phóng viên với một cuộc phỏng vấn lúc nửa đêm trong bộ dạng lếch thếch quần đùi và dép lê. Trong số đó, có những đồng nghiệp, có cả nữ, vận nguyên những bộ quần áo dài. Nhưng tôi biết, vì chạy vội lên Hà Giang, họ còn không kịp mang thêm quần áo.

Cuộc “họp báo” diễn ra chóng vánh trong khoảng 5 phút và trong đêm muộn nhưng cảm giác mệt mỏi lệ thường như bị mờ đi bởi không khí làm việc rốt ráo ngay sau đó. Điều thêm động lực cho chúng tôi là trong những dòng tin gửi về và trên mặt báo sẽ không xuất hiện những cụm từ “đúng quy trình” như nhiều người từng âu lo rằng sự việc sẽ bị "chìm xuồng". Có phóng viên vừa gõ những dòng tin vừa khóc.

Thông tin có sai phạm, tuy nhiên ngày công bố kết quả, ít ai nghĩ rằng số bài thi bị tác động lại lớn đến như vậy.

Hàng trăm bài thi được điều chỉnh điểm và điều hi hữu cũng xảy ra khi hàng loạt các thí sinh từ có điểm có thể là thủ khoa của các trường trở về điểm thật là trượt tốt nghiệp.

Đây được cho là sự kiện giáo dục khiến báo chí tốn nhiều giấy mực và các phóng viên hao tâm tổn sức nhất.

Nhưng có lẽ ai cũng hiểu mình đang sống trong những ngày tác nghiệp đáng nhớ và càng cần phải cố gắng nhiều hơn cho một trong những sự kiện sẽ đi vào lịch sử thi cử của nước nhà.

Những ngày đó, tưởng như đi đâu cũng thấy phóng viên. Có người nói vui rằng, những ngày đó ở Hà Giang, cứ đi vài chục mét lại thấy một phóng viên đang kỳ cạch gõ.

Buổi họp báo chiều 17/7 do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức.

Hà Giang chưa nguôi ngoai thì thông tin tiêu cực tại Sơn La ập đến. Chưa bao giờ những khâu của quá trình thi cử vốn tưởng được bảo mật và bảo vệ nghiêm ngặt nhất có thể, thực tế lại mong manh đến vậy. Ở Hà Giang, người ta sửa điểm bài thi bằng chút tinh vi kỹ thuật của khâu chấm thi thì ở Sơn La chẳng cần phải phức tạp đến thế, vì bài thi được sửa ngay ở gốc bằng cách tô bút chì.

Đây có lẽ cũng là sự kiện mà nhiều quan chức của ngành giáo dục dính líu đến bê bối nhất trong lịch sử. Ở Hà Giang, Trưởng và Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ở Sơn La, những người liên quan gồm có Phó Giám đốc Sở GD-ĐT và 4 chuyên viên, lãnh đạo phòng khảo thí, trường phổ thông đã bị gọi tên.

Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra và con số những người liên quan có thể vẫn chưa dừng lại ở đó.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT xác định tăng cường hơn 4.000 cán bộ thanh tra, mỗi điểm là 2 người tại khoảng 2.000 điểm thi trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thanh tra đã thực sự phát huy hết vai trò hay chưa thì còn là câu hỏi.

Hai thanh tra tại điểm chấm thi của Hà Giang không rõ vô tình hay cố ý cùng nhau đi về Trường ĐH Tân Trào và bỏ nhiệm vụ không phép trong những ngày mà ai cũng hiểu rằng là “cao điểm của việc chấm thi”.

Cùng với đó là những câu hỏi về tập huấn thanh tra của Bộ GD-ĐT đến đâu để trách nhiệm to lớn với kết quả của hàng nghìn thí sinh bị buông bỏ dễ dàng đến thế.

Nhiều quan chức trong ngành giáo dục cũng liên quan đến bê bối thi cử lần này.

Có lẽ cũng chưa năm nào mà đến đợt đăng ký xét tuyển, thí sinh phải sử dụng điểm số “tạm” để chạy theo phần mềm.

Và rồi chuyện "dở khóc, dở cười" cũng sẽ diễn ra, khi thí sinh dù đã nhập học nhưng nếu điều tra phát hiện gian lận điểm thi, các em vẫn sẽ bị buộc thôi học. Và liệu khi các thí sinh tiêu cực bị buộc thôi học thì sẽ xử lý sao với trường hợp các thí sinh bị đánh trượt do mất suất bởi những thí sinh này?

Và kỷ lục nhất, đó là chưa lúc nào ở một sự kiện giáo dục mà có sự chung tay vào cuộc của rất nhiều thầy giáo và học sinh trên mọi miền đất nước về những thông tin phản ánh tiêu cực một cách liên tục.

Để thấy rằng khi người dân đồng lòng và theo lẽ phải, công lý sẽ được thực thi.

Đêm qua mơ chuyện ngược đời...

Đêm qua mơ chuyện ngược đời
Những học sinh miền xuôi được cộng điểm ưu tiên thay cho học sinh miền núi.
Và những bài thi điểm 9 phải chấm lại bằng máy phát hiện nói dối.
Bảng vinh danh phút chốc trống trơn...

Thương những đứa trẻ mà sinh mệnh đặt trong một kì thi chung.
Nhưng thành quả thế nào lại lệ thuộc vào tay người khác.
Chấm lỏng, chấm chặt có từ thời của năm hai không mười một.
Sáng kiến Miền Tây Nam đã lan tỏa đến quê hương của Tam giác mạch.
Nhưng không cần những cái bắt tay của giám khảo cầm bút.
Vì thời bốn chấm không máy thay thế con người.

Đêm nay lại mong mơ chuyện ngược đời.
Toàn dân đã bước qua cái thời phát điên vì điểm số.
Các nhà trường không cần chạy đua tốc độ.
Để xây các lò luyện đan.
Trẻ con không bị giam cầm trong các lớp học thêm.
Có thời gian rộng dài để học những điều giản dị:
"Hãy bỏ rác đúng nơi cần bỏ"
"Hãy biết xếp hàng ở trạm xăng, siêu thị"
"Biết xin lỗi, cảm ơn, biết chịu trách nhiệm về những việc mình làm"
Hẳn sẽ ít đi những cờ líp đánh hội đồng.
Cô bắt trò quỳ, trò nói xấu cô trên phây búc.
Những khẩu hiệu "hạnh phúc", "thân thiện" trong các nhà trường cũng phải được thử qua máy đo sự thật.
Cái thời giáo dục phong trào sẽ ở lại sau lưng.

Tôi muốn mơ một giấc mơ hiếm hoi hơn.
Là phát minh thêm những đầu tàu tinh nhạy.
Để đoàn tàu không phải dùng nhiên liệu ảo.
Để đích đến không phải là những khẩu hiệu, những bản thành tích vô hồn và những kì thi tiềm ẩn điều gian dối.

Mơ là việc của mơ, nhưng sáng nay cả thành phố đã thức dậy.
Tôi cũng sẽ phải ra đường.
Đóng lại những trang tin bằng hình ảnh của cô bé gạt nước mắt tiễn cha rồi bước vào kì thi cam go nhất trong đời người.
Bằng câu chuyện của cậu bé mồ côi mẹ chỉ sau một kì thi vất vả.
Và ấm áp những bàn tay chìa ra, nắm lấy.
Tiếp thêm sức mạnh cho các em...
Thôi hãy mơ một điều nhỏ bé hơn.
Mỗi ngày làm được một điều tử tế....

Ngày 13/7 - Nhà báo Vĩnh Hà - báo Tuổi Trẻ

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP