Sáng 19/4, bà Nguyễn Thị Thuỷ (Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp) đánh giá công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung vừa qua còn một số bất cập.
Bà dẫn chứng, vụ nam công chức ở Triệu Phong, Quảng Trị dùng vũ lực tấn công tình dục nữ đồng nghiệp; vụ dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn trong thang máy chung cư tại Hà Nội, các cơ quan có trách nhiệm xử lý đều áp dụng điều 5 Nghị định số 167/2013 về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng với mức phạt chỉ 200.000 đồng.
Theo bà, đây là những hành vi có tính chất quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, nhưng do Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về các hành vi này, các cơ quan phải vận dụng để xử phạt về lỗi vi phạm trật tự công cộng nói chung. "Có khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm", bà Thuỷ nói.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ trình bày báo cáo sáng 19/4. Ảnh: Hải Ninh. |
Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ ra, các văn bản hướng dẫn một số quy định trong các luật để bảo đảm việc áp dụng, xử lý thống nhất, chính xác còn thiếu. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định nghiêm cấm hành vi "quấy rối tình dục tại nơi làm việc", tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn hành vi quấy rối tình dục, các biểu hiện cụ thể của hành vi này như thế nào. Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn luật cũng chưa quy định chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục.
Với tội Dâm ô người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự 2015, ngày 11/4/2017, Ủy ban Tư pháp gửi văn bản kiến nghị TAND Tối cao ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội Dâm ô, nhưng vẫn chưa có. Trong các quy định hiện chỉ có Thông tư liên tịch số 01 của liên ngành tư pháp trung ương được ban hành từ năm 1998 nêu hướng dẫn dấu hiệu về hành vi dâm ô là "hành vi của người phạm tội tác động vào bộ phận kích thích tình dục của trẻ...
Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử của TAND Tối cao đối với một số tội phạm xâm hại tình dục định nghĩa "hành vi dâm ô là hành vi bỉ ổi với người khác, tuy không có mục đích giao cấu nhưng cũng nhằm làm thỏa mãn tình dục của người phạm tội hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó".
Nhiều chuyên gia cho rằng quy định của Thông tư 01 về "bộ phận kích thích tình dục" rất khó xác định để áp dụng thống nhất. Hơn nữa, đến nay, Thông tư liên tịch số 01 cũng đã hết hiệu lực, một số cơ quan phản ánh gặp khó khăn khi xử lý một các vụ việc do chưa có hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu của hành vi dâm ô.
"Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp đề nghị TAND Tối cao báo cáo việc thực hiện kiến nghị của Uỷ ban về việc hướng dẫn các dấu hiệu của tội Dâm ô người dưới 16 tuổi, lý do vì sao đến nay chưa ban hành được? Trên thực tế, Tòa án dựa vào văn bản nào để xét xử tội Dâm ô?", bà Thuỷ nói.
Theo Uỷ ban Tư pháp, một lỗ hổng nữa là quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em hiện nay cũng chưa có. Các báo cáo của ngành tư pháp đều nêu tính chất đặc biệt của loại án này như nạn nhân là trẻ em nên khai báo không thống nhất; xảy ra ở chỗ vắng vẻ nên thường không có người làm chứng; hành vi dâm ô ít khi để lại dấu vết; nhiều trường hợp gia đình không hợp tác do sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái; khó khăn trong giám định...
Báo cáo của Bộ Công an và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu khó khăn khi xử lý tố giác, tin báo và giải quyết do nạn nhân và gia đình trình báo muộn nên dấu vết sinh học, dấu vết trên thân thể nạn nhân bị phân hủy hoặc không thu thập được; nhiều điều tra viên, kiểm sát viên thiếu kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên tạo áp lực với các em...
Vì vậy, tại phiên chất vấn của Quốc hội kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất xây dựng quy trình tố tụng đặc biệt giải quyết loại án này. Ủy ban Tư pháp sau đó kiến nghị giao VKSND Tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy trình nghiệp vụ cụ thể cho loại án này. Tuy nhiên đến nay, quy trình tố tụng đặc biệt chưa được ban hành.
Bà Thuỷ cho hay, Uỷ ban Tư pháp đang tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp. Theo báo cáo của các cơ quan, quy trình trưng cầu giám định tình dục mất nhiều thời gian. Sau khi hoàn tất hồ sơ, cơ quan điều tra mới gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến Trung tâm pháp y. Khi đó thường là muộn vài ngày, có vụ muộn vài tháng, và hầu như không còn dấu vết của xâm hại tình dục.
Trung tâm pháp y chỉ có thể thẩm định lại các dấu hiệu tổn thương đã được ghi nhận tại các cơ sở chữa bệnh trước đó xem có đúng không. Kết quả này không có tác dụng giúp cơ quan điều tra xác định đây có phải là vụ việc xâm hại tình dục hay không.
"Những bất cập trong quy trình trưng cầu giám định tình dục thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, kéo dài thời gian giải quyết, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh. Vì vậy nhóm nghiên cứu đề nghị VKSND Tối cao chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này", bà Thuỷ nói.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân khác khiến nhiều vụ án không được giải quyết đúng pháp luật như "một số điều tra viên, kiểm sát viên còn thụ động trong việc điều tra; xác định, thu thập chứng cứ còn sơ sài" hoặc do quá thận trọng, sợ oan sai, cầu toàn nên đã kéo dài thời gian giải quyết hoặc không xử lý được vụ án, gây dư luận không tốt.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress