Loạn khai thác cát!
Nằm ngay dưới chân Hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ được thiên nhiên ưu đãi những bãi cát vàng trải dài hai bên bờ sông Ngàn Mọ. Bởi vậy, đây cũng là địa bàn được xem là “điểm nóng” của nạn khai thác cát trái phép diễn ra hơn chục năm qua.
Theo phản ánh của một số người dân,chúng tôi có mặt tại Cẩm Mỹ để xác minh thong tin và nhận thấy tình trạng khai thác cát nơi đây đúng là “loạn”. Chiều ngày 26/2, chúng tôi có mặt tại thôn 3, xã Cẩm Mỹ; địa bàn này không lớn, nhưng theo quan sát có tới hơn 10 điểm tập kết cát trong nhà. Khi hỏi, chúng tôi được biết, những điểm cát này được người dân khai thác lúc chập tối (Khoảng 6 giờ đến 7 giờ), rồi tập kết về nhà để buổi ngày bán cho các nhà xe.
Một bãi đất dài “biến” thành điểm khai thác cát hơn chục năm quA.
Ông N.T bức xúc: “cứ khoảng 6 đến 7g tối là người dân lại đua nhau ra lấy cát, họ giờ có sợ ai nữa đâu. Tôi đã gần 80 tuổi rồi, buổi đêm ồn ào, chó đua nhau sủa, chịu không nổi. Các cháu trong nhà đến giờ học bài cũng khó mà tập trung”.
Chị Anh, sống gần đây cũng cho biết: “Người dân chúng tôi trồng hoa màu để sống. Vậy mà nhiều hộ dân cứ tổ chức khai thác cát, chỗ nào có cát đẹp là họ lại đào để lấy, lấn sang cả phần đất trồng hoa màu, tình trạng này cứ kéo dài không biết ít năm nữa chúng tôi có còn đất canh tác nữa không?”.
Theo quan sát của PV, điểm khai thác cát ở Cẩm Mỹ dài khoảng hơn 200m, đã có hang tram hố đang được khai thác dang dở. Những tuyến đường để đi ra điểm khai thác bị hư hại nặng, những ổ gà, ổ voi,bùn đất trươn trượt, ít ai có thể hình dung rằng trước đây đoạn đường này đã rất bằng phẳng. Tệ hại hơn, với tình trạng khai thác tự phát, ở đâu có cát đẹp người khai thác cát lại tiến hành đào hố, mở điểm khai thác, bất chấp việc lấn vào đất canh tác của người dân, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích đất canh tác. Những điểm không còn khai thác được nữa lại “biến” thành điểm vứt rác, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Chính quyền địa phương ở đâu?
Được biết, trước đó UBND huyện đã nhiều lần chỉ đạo ngừng việc khai thác cát trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt trong vấn đề này. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Nghĩa (chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ) cho biết: “mỏ cát trên địa bàn đã được khai thác từ lâu, trước đó chính quyền xã cũng đã ký hợp đồng cho một số doanh nghiệp khai thác cát nhằm phục vụ kinh tế trên địa bàn. Song không được người dân đồng tình, được sự chỉ đạo của UBND huyện chúng tôi cũng đã ngưng việc khai thác”.
Ông cũng cho biết thêm trong thời gian qua do xây dựng nông thôn mới, để giải quyết vấn đề vật liệu xây dựng UBND xã cũng đã thống nhất phương án tận dụng nguồn tài nguyên trên địa bàn; tạo điều kiện cho thôn (xóm) khai thác cát.
“Việc khai thác cát trái phép là có, nhưng là nhỏ lẻ. Một số hộ dân trong địa bàn lợi dụng xin cát về xây dựng các công trình trong nhà, rồi tổ chức tập kết lại một chổ để bán. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở và cho anh em, cán bộ về tận nơi để siết chặt quản lý nhưng vẫn không triệt để được. Chỉ trong năm 2015, chúng tôi đã lập và phạt hành chính hơn 10 hộ tập kết và khai thác cát trái phép rồi” – Ông Nghĩa phân trần về tình trạng khai thác cát nơi đây.
Theo ông Nghĩa, để giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép, hiện nay UBND xã đang có đề án san lấp mặt bằng, phối hợp với một số đơn vị trồng cây xanh để cho thuê mặt bằng trồng cây. Không biết, lời hứa từ chính quyền địa phương có trọng lựơng đến bao nhiêu khi mà vấn nạn khai thác cát trái phép đã diễn ra nhiều năm đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc, có những biện pháp cứng rắn hơn trong vấn đề này để trả lại sự trong sạch cho môi trường, tránh những hệ lụy về sau.
Quỳnh Nga – Bảo Trung