Mời gọi đầu tư

Nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 trong cả nước chính thức công bố quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này là bước đột phá đầy hứa hẹn cho phát triển kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh. Để triển khai thực hiện quy hoạch dự kiến cần nguồn vốn đầu tư phát triển gần 540.000 tỷ đồng. Trong đó, 81% sẽ là nguồn vốn huy động đầu tư.



Xác định chính sách thu hút đầu tư sẽ là mấu chốt để triển khai có hiệu quả quy hoạch này, Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Hiện Hà Tĩnh đang là tỉnh xếp thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư FDI. Với hai khu kinh tế lớn là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đều nằm trong các khu kinh tế trọng điểm quốc gia do Chính phủ thành lập. Riêng khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút được 210 doanh nghiệp vào hoạt động và đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 68 dự án.


Ông Thái Chi Pháp, Trưởng đại diện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp, Formosa Hà Tĩnh – một tập đoàn có vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD trong giai đoạn 1 vào Khu kinh tế Vũng Áng cho biết, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có tầm nhìn chiến lược đối với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện tính hiệu quả cao trong quá trình thúc đẩy dự án.


“Hà Tĩnh đã tạo ra được môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài tại Hà Tĩnh bày tỏ sự đánh giá cao đối với tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên sát cánh, kề vai đồng hành giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư”, ông Pháp cho hay.


Cùng với Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo là nơi giao lưu hợp tác của 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan hiện đã có 19 dự án đầu tư vào với tổng số vốn là 3.000 tỷ đồng. Ngoài những dự án đầu tư nước ngoài, Hà Tĩnh cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn trong nước.


Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện đã hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với tổng mức đầu tư gần 1,6 tỷ USD, công suất thiết kế 1.200 MW, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2013. Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 với vốn đăng ký gần 1,5 tỷ USD cũng đang được triển khai.


Bên cạnh đó, 3 dự án nhà máy nhiệt điện khác cũng đang được lên kế hoạch xây dựng. Theo quy hoạch Hà Tĩnh sẽ có 5 nhà máy nhiệt điện với công suất thiết kế là 6.300 MW, hàng năm sẽ cũng cấp hàng tỷ kW giờ điện cho Hà Tĩnh và hòa vào lưới điện quốc gia, đây cũng là một lợi thế lớn trong thu hút đầu tư.


Ông Jame Thomas – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2, đơn vị đang thực hiện dự án tại Hà Tĩnh cho biết, công ty luôn nhận được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo tỉnh.


“Chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía địa phương trong việc hỗ trợ cấp đất, hợp đồng cung cấp điện, cung cấp nước, tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Kỳ Anh, đảm bảo cho dự án được triển khai đúng tiến độ”, ông Jame Thomas chia sẻ.


Các dự án FDI trên địa bàn Hà Tĩnh đã bước đầu phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân. Năm 2012, đóng góp cho ngân sách của tỉnh từ các dự án là 1,7 tỷ đồng, tổng số lao động trực tiếp tại các dự án là trên 16.000 người. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư những dự án trọng điểm tại Hà Tĩnh như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Formosa (Đài Loan-Trung Quốc) Samsung (Hàn Quốc)…


Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư với những chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đặc biệt, sau khi tỉnh Hà Tĩnh công bố quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 tỉnh sẽ mở rộng các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP và các hình thức đầu tư khác nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng.


“Hà Tĩnh đã công bố và triển khai các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại… Trong 2 năm vừa qua, tỉnh đã cho ra đời hàng nghìn mô hình sản xuất kinh doanh, 8 sản phẩm trụ cột chính của Hà Tĩnh phù hợp với lợi thế, với tiềm năng riêng có của Hà Tĩnh, đảm bảo phát triển bền vững”, Ông Võ Kim Cự nói.


Hà Tĩnh đã khai thác, tận dụng có hiệu quả những lợi thế tự nhiên của mình như cảng biển, khoáng sản, cửa khẩu quốc tế, xây dựng chính sách đầu tư ưu đãi, thông thoáng thu hút đầu tư, tiếp tục khẳng định là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư./.

Đình Hiếu – Hoài Lam/VOV – Trung tâm tin

VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP