Theo nội dung Nghị quyết, trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm như Karate, Điền kinh, Pencak silat, Wusuh, Đua thuyền, Bóng đá, Bóng chuyền và thành lập bộ môn mới Vovinam; Tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018), phấn đấu đạt 8 đến 12 huy chương vàng xếp vị trí 20 đến 25 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc; Hàng năm phấn đấu đạt từ 90 đến 110 huy chương các loại tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế; có từ 15 đến 20 vận động viên tham gia thi đấu trong các đội tuyển quốc gia; có từ 40- 50 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia.
Đặc biệt, từ năm 2016, sẽ có rất nhiều chế độ, chính sách mới được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây, đó là chế độ về tiền công, chế độ dinh dưỡng đặc thù, chế độ khen thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tai nạn đối với các vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu.v.v.
Cũng từ năm 2016, đội tuyển bóng chuyền Hà Tĩnh sẽ thi đấu ở hạng Đội mạnh toàn quốc, vì vậy chính sách cho bộ môn này cũng được kịp thời nâng lên, cụ thể: tiền công đối với cầu thủ ở đội hình chính là 400.000 đồng/người/ngày; cầu thủ đội hình dự bị là 300.000 đồng/người/ngày; cầu thủ đội tuyển trẻ, năng khiếu là 200.000 đồng/người/ngày. Đối với Huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm đã từng dẫn dắt các đội tuyển bóng chuyền trong nước tham gia giải đội mạnh toàn quốc là 700.000 đồng/người/ngày; Huấn luyện viên được chọn vào làm huấn luyện viên theo Quyết định của cấp có thẩm quyền: 500.000 đồng/người/ngày.v.v.
Như vậy, với những chính sách khuyến khích, ưu đãi mới này, hy vọng thể thao Hà Tĩnh sẽ có điều kiện phát triển thuận lợi hơn, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân toàn tỉnh.
Thu Hiền/ Sở VH,TT&DL