Tin thế giới

Nhiệm vụ áp lực của bác sĩ chăm sóc tổng thống Mỹ

Đội ngũ bác sĩ Nhà Trắng chịu áp lực không kém Cơ quan Mật vụ khi phải bảo đảm sức khỏe của tổng thống Mỹ luôn trong tình trạng tốt nhất.

Tổng thống Obama tiêm vắc xin cúm vào tháng 12/2009. Ảnh: White House
Tổng thống Obama được tiêm vắc xin cúm vào tháng 12/2009. Ảnh: White House

Bác sĩ Nhà Trắng, “cái bóng” của tổng thống

Một số tổng thống Mỹ đầu tiên thường tự chọn bác sĩ riêng. Bác sĩ của Tổng thống George Washington là ông James Craig, vốn là người bạn thân trong gia đình. “Càng về sau, vai trò của cơ quan y tế trong Nhà Trắng ngày càng quan trọng hơn”, Connie Mariano, bác sĩ trưởng tại Nhà Trắng suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, nói.

Sau cuộc nội chiến đến nay, các bác sĩ tại Nhà Trắng đều xuất thân từ quân đội. Bà Mariano cũng là nữ quân nhân đầu tiên trở thành bác sĩ của tổng thống. Một nguyên nhân là do bác sĩ bệnh viện dân sự khó có thể bất ngờ rời bỏ cơ quan cũ chỉ trong khoảng 4 (hoặc 8) năm. Hơn nữa, nếu sự cố xảy ra thì nhân viên y tế là một trong những người phải có mặt đầu tiên. “Bác sĩ ở Nhà Trắng cũng như ở chiến trường, nhưng đây là mặt trận y tế”, bác sĩ Mariano nói trên New York Times.

Hiện tại, CNN cho biết Phòng Y tế Nhà Trắng gồm khoảng 20 nhân viên, gồm các bác sĩ quân y, điều dưỡng, trợ lý, kĩ thuật viên và nhân viên hành chính. Từ thời Tổng thống Hoover, văn phòng nằm kế bên phòng Bản đồ và đối diện với thang máy. “Vị trí này rất quan trọng, vì tổng thống sẽ bước ngang qua đây khi ông trên đường tới phòng Bầu dục. Các bác sĩ gặp mặt tổng thống mỗi ngày, từ đó ít nhất có thể đoán biết ngài khỏe mạnh hay đang mệt mỏi”, giáo sư khoa học chính trị Robert Gillbert (Đại học Northeastern, bang Massachsetts) nhận định.

Các bác sĩ tại Nhà Trắng còn có biệt danh là “cái bóng” của tổng thống vì họ luôn theo sát nhà lãnh đạo Mỹ bất kể nơi đâu, dù công tác trong nước hay quốc tế, kể cả khi Tổng thống đang trên chiếc Không lực 1. Khi tổng thống đi công tác, một chiếc limousine trong đoàn sẽ chở một bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên kỹ thuật. Chiếc Không lực 1 cũng trang bị những thiết bị y tế như bàn phẫu thuật, đèn chiếu sáng, máu dự trữ…

Bác sĩ Jeffrey Kuhlman (phải) trong một chiếc xe thuộc phái đoàn tháp tùng Tổng thống Obama công tác tại Pháp năm 2009. Ảnh: White House
Bác sĩ Jeffrey Kuhlman (phải) trong một chiếc xe thuộc phái đoàn tháp tùng Tổng thống Obama tại Pháp năm 2009. Ảnh: White House

Các bác sĩ còn giúp giải tỏa gánh nặng tinh thần cho các tổng thống trong quá trình dưỡng bệnh. Sau cuộc phẫu thuật ở đầu gối cho Tổng thống Clinton, mỗi ngày luôn có một bác sĩ và một nhà vật lý trị liệu theo sát ông liên tục trong hơn một tháng. “Đây là quá trình phục hồi sau phẫu thuật đầu gối nhanh nhất, vì ông ấy còn phải tiếp tục công việc điều hành đất nước”, Rob Darling, một đại úy nghỉ hưu từng là bác sĩ điều trị cho Tổng thống Clinton, kể trên báo Los Angeles Times.

Đại úy Jeffrey Kuhlman, bác sĩ trưởng tại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama cho biết thêm: “Khi trò chuyện với ông Obama, tôi không đề cập đến vấn đề chính sách hay chính trị, mà chỉ là những lời khuyên về sức khỏe. Điều ngài ấy muốn biết cũng chỉ là ‘Tôi sẽ sớm hết đau họng chứ?'”.

Bên cạnh đó, các bác sĩ Nhà Trắng còn chăm sóc cho cả thành viên trong gia đình tổng thống và phó tổng thống. Bác sĩ Kuhlman chia sẻ: “Đôi khi, điều xoa dịu nhất mà bạn có thể mang lại cho tổng thống (Obama) là lời khẳng định phu nhân và con gái của ngài đang được chăm sóc sức khỏe rất tốt”. Những vị khách viếng thăm Nhà Trắng, gồm các nguyên thủ quốc tế, cũng sẽ được chạy chữa nếu sức khỏe họ bất ngờ diễn biến bất thường trong chuyến thăm.

Áp lực như mật vụ

Nhận nhiệm vụ danh giá hơn những bác sĩ tại các bệnh viện quân y hoặc dân sự nhưng đội ngũ y tế Nhà Trắng cũng phải chịu áp lực lớn, vì sức khỏe của tổng thống cũng là một yếu tố chính trị quan trọng. “Tổng thống liên tục xuất hiện trước công chúng nên việc kiểm tra sức khỏe cũng diễn ra thường xuyên. Hành động của tổng thống thu hút sự chú ý của cả thế giới, từ những người ủng hộ cho đến các đối thủ trong và ngoài nước. Do vậy nhiệm vụ của các bác sĩ rất nặng nề và không được sơ suất”, chuyên gia Jerrold Post (Đại học George Washington) nhận định.

Bác sĩ Mariano theo dõi tình hình Tổng thống Bill Clinton sau một cuộc phẫu thuật. Ảnh: Samrose
Bác sĩ Mariano (bìa phải) theo dõi tình hình Tổng thống Bill Clinton sau một cuộc phẫu thuật. Ảnh: Samrose

Hồi năm 1955, tin tức Tổng thống Eisenhower đau tim khiến chỉ số Dow Jones giảm 6,5% trong ngày hôm sau. Hoặc khi sức khỏe của Tổng thống Reagan diễn biến xấu vào năm 1981, giám đốc sàn giao dịch chứng khoán New York quyết định đóng cửa, còn Bộ Tài chính thông báo mua lại đồng USD để bảo đảm sự ổn định của đồng tiền này ở nước ngoài.

Năm 1994, khi Tổng thống Clinton chuẩn bị công du nước ngoài, bác sĩ Bob Ramsey là người chịu trách nhiệm gửi mẫu máu của tổng thống cho bệnh viện ở quốc gia tiếp đón. Vốn là một chuyên gia huyết học, nhưng vị đại tá lục quân lại gửi nhầm mẫu máu của tổng thống, một sơ suất có thể gây tử vong. Ông Ramsey bị sa thải ngay sau sự việc này.

Bác sĩ Darling nói công việc của đội bác sĩ Nhà Trắng không khác mấy so với Cơ quan Mật vụ trong nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống và duy trì hoạt động bình thường của chính phủ. Còn bác sĩ Mariano ví von: “Trong khi các chiến sĩ mật vụ truy lùng bom và súng đạn thì chúng tôi theo dấu vết các loại vi khuẩn và điều kiện môi trường có thể gây hại”.

Trước khi trở thành bác sĩ tại Nhà Trắng, họ phải trải qua một khóa huấn luyện, trong đó có nội dung “đứng ngoài vùng chết”, nghĩa là khu vực xung quanh tổng thống. Khi tháp tùng tổng thống, nhân viên y tế không mặc quân phục mà là thường phục, để tránh trở thành mục tiêu của những tay súng bắn tỉa trong các âm mưu ám sát. “Bạn không thể chữa cho tổng thống nếu bạn đã chết”, bác sĩ Mariano lý giải trên New York Times.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP