Kinh tế

Nhếch nhác chợ tạm Nghi Xuân

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Nghi Xuân xuất hiện rất nhiều chợ tạm (chợ cóc, chợ tự phát). Dù rằng, chợ tạm mọc lên là điều kiện thuận lợi, góp phần đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa cho nhân dân trong vùng. Thế nhưng, đi liền với nó là những hệ lụy, bất cập cần được giải quyết.

Nhếch nhác chợ tạm Nghi Xuân
Cảnh người bán – người mua tấp nập ở chợ An Tiên (Xuân Giang).

Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, trên địa bàn Nghi Xuân hiện nay hầu như xã nào cũng có chợ tạm. Điển hình là chợ ở tổ dân phố 9, thị trấn Xuân An, thôn An Tiên – xã Xuân Giang, ngã tư xã Xuân Mỹ… Những nơi này, người bán – kẻ mua đông đúc, nhộn nhịp, thu hút không chỉ nhân dân trong xã mà cả nhiều xã lân cận…

Nhếch nhác chợ tạm Nghi Xuân
Cổng vào làng Tả Ao (Xuân Giang) trở thành bãi đậu xe cho người đi chợ An Tiên.

Nguồn gốc của chợ tạm lúc đầu chỉ là hoạt động bán buôn nhỏ lẻ của một số hộ dân, chủ yếu là hàng thực phẩm như cá, thịt. Nhưng dần dần, người dân nhận thấy “tiềm năng” và kéo về ngày càng đông, với đủ các mặt hàng: rau quả, quần áo, vật dụng gia đình… Do đó, địa bàn và thị trường càng được mở rộng. Chợ tạm mọc lên trước hết sẽ làm mất mỹ quan bởi với đủ các mặt hàng được bày bán lộn xộn từ thức ăn, quần áo, đến nhu yếu phẩm… Môi trường, môi sinh cũng là một vấn đề. Tình trạng rác rưởi vứt lung tung trên lề đường, mất vệ sinh và gây phản cảm. Một số hộ dân sống quanh chợ An Tiên (Xuân Giang) chia sẻ: Ở đây rất ồn ào do lượng người đi lại mua bán đông. Vào những ngày trời mưa thì chợ rất bẩn, mùi hôi bốc lên nồng nặc”. Mặt khác, lượng thực phẩm được tiêu thụ khá lớn nhưng không được kiểm soát có nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.

Nhếch nhác chợ tạm Nghi Xuân
Ở chợ An Tiên – xe cộ tràn ra lòng lề đường.

Không những thế, ATGT là vấn đề đáng báo động ở các chợ tạm. Hầu hết, các chợ đều nằm ở địa bàn trung tâm, trên trục đường giao thông. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập, ảnh hưởng rất lớn tới người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào những giờ cao điểm. Thậm chí, có lúc người dân còn tràn ra cả lòng, lề đường để bán hàng, gây khó khăn cho việc đi lại…

“Chợ họp ở ngã tư nên nhiều khi xe cộ đi lại rất nguy hiểm. Thỉnh thoảng tôi đi chợ cũng gặp một số vụ xe cộ va chạm nhau do bị che khuất tầm nhìn”, chị Trần Thị Thắm – người dân xã Xuân Mỹ chia sẻ.

Nhếch nhác chợ tạm Nghi Xuân
Chợ tạm ở ngã tư xã Xuân Mỹ làm mất an toàn giao thông.

Mặt khác, chợ tạm còn gây mất ANTT trên địa bàn. Các chợ này không có đội bảo vệ, an ninh tuần tra, nên rất lộn xộn. Chợ An Tiên, trước cổng làng Tả Ao (Xuân Giang) trở thành nơi để xe của người dân. Đây chính là kẽ hở để các phần tử xấu trà trộn vào trộm cắp tài sản của nhân dân. Chị Hoàng Thị Minh (xã Xuân Lĩnh) cho biết: “Hơn 1 năm trước, trên đường đi làm về, tôi ghé qua chợ mua thức ăn. Vì không có nơi đỗ xe nên dựng tạm bên lề đường, mua xong, quay ra thì xe đã không cánh mà bay…”.

Cùng với những bất cập trên, thất thu thuế cũng là một vấn đề đáng lo ngại ở các chợ tạm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, tiền thuế ở mỗi chợ do một cá nhân tự đứng ra thu. Chị Nguyễn Thị Anh – người bán rau ở chợ An Tiên, cho biết: “Ở đây, tôi nộp tiền chợ cho gia đình anh Vân – chị Hà mỗi ngày khoảng 3-5 ngàn đồng, còn các hàng bán cá, thịt… thì 7-10 ngàn đồng tùy theo từng mặt hàng và số lượng”. Hiện tượng này không chỉ có ở chợ An Tiên mà còn xảy ra với rất nhiều chợ tạm ở Nghi Xuân…

Nhếch nhác chợ tạm Nghi Xuân
Chợ tạm thị trấn Xuân An.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Lưu – Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết: “Hiện tại, xã chưa có chợ, đất để làm chợ tạm ở Xuân Giang là của một người dân ở xã Cương Gián, gia đình anh Vân – chị Hà mượn mảnh đất ấy để mở chợ và tự quản lý. Trước tình trạng người dân buôn bán lấn chiếm lòng – lề đường, gây mất ANTT, không đảm bảo ATGT, xã đã từng có biện pháp để xử lý, nhưng rồi đâu lại vào đó. Và bây giờ nếu giải tán chợ là rất khó. Thời gian tới, xã sẽ mời gia đình anh Vân lên để làm việc và thu thuế từ cá nhân này”.

Mong rằng, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trên địa bàn đặc biệt lưu tâm và sớm tìm ra giải pháp thiết thực để trả lại sự thông thoáng cho lòng – lề đường, đảm bảo môi trường văn minh – sạch đẹp hoặc có kế hoạch quy hoạch, xây dựng các chợ tạm thành chợ theo đúng nghĩa của nó.

THU PHƯƠNG

  Từ khóa: chợ tạm , nhếch nhác , Nghi Xuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP