Tiêm chủng đầy đủ giúp phòng bệnh uốn ván |
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị uốn ván với nguyên nhân ban đầu hết sức hy hữu. Đó là trường hợp của ông N.V.M (ngụ tại Hải Dương) và ông L.V.N (ngụ tại Bắc Ninh).
Gia đình ông M. cho biết, khoảng 1 tuần trước khi phát bệnh, ông M. bị gà mổ vào đầu gối, vết thương rất nhỏ nên đã liền sau đó vài ngày. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau, ông M. xuất hiện tình trạng cứng hàm với mức độ tăng dần, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương trong tình trạng co cứng toàn thân, có nhiều cơn co giật, được chẩn đoán mắc uốn ván.
Tương tự, bệnh nhân L.V.N được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hôm 2.10 sau khi bị... lợn cào xước chân. Khoảng 10 ngày trước nhập viện, “tai nạn” xảy ra khi ông N. đang làm vệ sinh chuồng trại. Theo người nhà ông N., vết thương có nhiễm trùng sưng nề, mưng mủ vài ngày rồi lành sẹo, nhưng sau đó thì xuất hiện cứng hàm, co cứng toàn thân, co giật. Khi gia đình đưa vào điều trị tại bệnh viện tỉnh, ông N. được chẩn đoán mắc uốn ván và chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Bác sĩ nguyễn Trung Cấp cho biết, hầu hết các trường hợp bị uốn ván nhập viện khởi đầu đều bị các vết thương do tai nạn sinh hoạt (cành tre đâm bàn chân, vào tay; vết thương do mảnh sành, do gạch, ngói). Hầu hết các trường hợp đều tự xử lý bằng rửa nước và băng bó chứ không tiêm phòng uốn ván.
Trong khi đó, vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, trong chất thải của gia súc (phân trâu, bò, ngựa). Khi lao động trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước, gây bệnh. Các vết thương bị giắt bùn, đất bẩn cũng là nguy cơ cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập.
“Hai bệnh nhân trên nhập viện trong tình trạng nặng, phải mở khí quản, thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao”, bác sĩ Cấp cho biết, đồng thời khuyến cáo: khi bị các vết thương do tai nạn sinh hoạt, không nên chủ quan. Đặc biệt, cần đến ngay cơ sở y tế sau khi vệ sinh vết thương để được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván.
Với trẻ nhỏ, để phòng uốn ván hiệu quả, các bà mẹ cần tiêm vắc xin uốn ván khi mang thai theo hướng dẫn của cán bộ y tế để có miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng uốn ván (thành phần có trong vắc xin “5 trong 1”) khi được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Vắc xin này được tiêm miễn phí tại các trạm y tế xã, phường. PGS - TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương |
Tác giả: Nam Sơn
Nguồn tin: Báo Thanh niên