|
Trầm cảm vì facebook ít người like
Tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có nhiều bệnh nhân là nữ giới tìm đến bệnh viện khám vì chứng rối loạn trầm cảm trong đó có nhiều chị em bị trầm cảm đi chữa khắp nơi không ra bệnh.
Nguyễn Thị Th. 21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 ở Hà Nội. Quê Th. ở miền Trung, cô ra Hà Nội học và thuê trọ cùng bạn bè. Phòng trọ có 3 người ở cùng, bạn Th. đều là sinh viên cùng trường với nhau.
So với bạn bè, ai cũng khen Th. xinh nhưng đến khi hai bạn cùng phòng có người yêu Th. vẫn chưa có ai. Thậm chí, Th. đưa một ảnh lên Facebook cũng chỉ có khoảng 100 người like và vài bình luận giản đơn. Ngó sang facebook của hai cô bạn cùng phòng với hơn nghìn bạn bè lúc nào cũng có tới 500 – 700 like, Th. dằn vặt tự hỏi vì sao mình lại ít like, rồi tại sao mọi người không thích mình, đủ các lý do cô tự đặt ra.
Lòng đố kỵ của Th. với bạn bè cùng phòng không phải là ai được gia đình chăm sóc, bạn bè thầy cô yêu quý mà là những lượt like và comment trên facebook. Chỉ vì ít lượt like, có lúc Th. đã mất cả đêm không hiểu tại sao có những status viển vông của bạn cả nghìn người quan tâm mà của cô chẳng ai để ý tới.
Th. sinh ra chán nản, ít nói hơn và cô hay vào các diễn đàn mạng FA rồi đủ kiểu để sống ảo và khi quay trở về thực tế cố thấy cuộc sống thật tẻ nhạt. Ở các diễn đàn cô được người ta khen ngợi nhưng trang cá nhân của mình bạn bè thật quen biết nhau thì chẳng ai để ý, quan tâm. Th. sinh ra chán nản và cứ mất ngủ triền miên, học hành sa sút. Kỳ thi hết môn năm trước, điểm thi của Th. rất thấp càng khiến cô suy nghĩ nhiều.
Thấy con mắc bệnh mất ngủ, trầm tính, bố mẹ Th. là giáo viên nên cũng chăm sóc tới tâm lý của con, họ đưa con đi khám nhưng ở đâu cũng chẩn đoán mất ngủ do stress, uống thuốc không đỡ nên bố mẹ Th. đưa cô đi khám trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương.
80% do cuộc sống hiện đại
TS. Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết: “Nếu trước kia, căn bệnh trầm cảm, phần lớn bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay lại ngược lại. Có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội”. Ông Phương cho biết, ở xã hội hiện đại này, có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh trầm cảm với thế hệ trẻ.
Hàng đầu áp lực học hành, có nhiều cháu học suốt ngày đêm, trừ mỗi thời gian ngủ. Cũng chính vì lẽ đó, bệnh nhân trầm cảm đến với BS.Phương rất nhiều học sinh giỏi, thậm chí có học sinh trường chuyên hay du học sinh. Trẻ nghiện facebook cũng là một đối tượng bệnh nhân mắc trầm cảm.
Theo BS. Phương, trẻ lên facebook, nếu được tán dương không sao, tuy nhiên bị chửi bới, cãi nhau, ganh tị nhau… lại gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Nguyên nhân từ nghiện game online, hay ma túy đá khiến giới trẻ mắc trầm cảm cũng rất nhiều.
TS Phương đưa ra dẫn chứng một bệnh nhân trầm cảm là học sinh trường chuyên. Cả lớp 30 học sinh nhưng 27 có cơ hội đi du học, chỉ còn lại 3 bạn gia đình không đủ điều kiện kinh tế trong đó có Bùi Hồng H. Gia đình ở tận Vĩnh Phúc vì muốn con theo học trường chuyên trên Hà Nội đỡ vất vả, bố mẹ cô cũng dành dụm tiền mua một căn hộ nhỏ để H. thuận tiện theo học.
Khát khao ước mơ được du học cho “bằng bạn, bằng bè” khiến H. “day dứt”, đòi cha mẹ bán căn hộ ở Hà Nội để mình có thể được đi du học. Dù cha mẹ hết sức giải thích nhưng H. một mực không chấp nhận. “Không chỉ có hạn chế ít giao tiếp, buồn chán, thậm chí bi quan với hơn 1 lần có ý định tự sát, cô bé đó được cha mẹ đưa đến gặp tôi. Qua chia sẻ, cô bé luôn khẳng định cha mẹ đã triệt con đường tiến thân trong tương lai nên rất tuyệt vọng. Đây là những dấu hiệu cho thấy, cô bé chỉ vì ganh đua quá, không đạt được nên trầm cảm”, BS. Phương cho biết.
Bằng liệu pháp tâm lý, giải thích, phân tích, bệnh nhân H. đã hợp tác uống thuốc, sau 2 tháng điều trị đã cho kết quả khả quan. Và hiện giờ H. đã học tại một trường ĐH ở Hà Nội, khát khao đi du học của cô đã không còn, cuộc sống của H. thoải mái hơn.
TS Phương cho biết, dấu hiệu để nhận biết trầm cảm rất dễ bị bỏ qua nên nhiều trường hợp tìm đến viện bệnh đã có biểu hiện nặng với các triệu chứng loạn thần việc điều trị lâu dài và tốn kém hơn.
Theo TS Phương, các dấu hiệu để nhận biết căn bệnh trầm cảm là bệnh nhân có cảm giác buồn rầu kéo dài trên 2 tuần, giảm và mất các sở thích cũ; giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi.
Ngoài ra, bệnh còn có các dấu hiệu giảm tập trung do dự không quyết đoán, giảm tự trọng và lòng tự tin, nhìn tương lai ảm đạm, bi quan, mặc cảm tội lỗi, có những ý định và hành vi tự sát. “Nếu có ít nhất 2 dấu hiệu chính và 2 dấu hiệu phụ kéo dài trên 2 tuần, thì chắc chắn mắc bệnh trầm cảm. Khi đó, bệnh nhân nên khám bác sĩ chuyên khoa trầm cảm, tâm thần để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc sau này”, BS. Phương khuyến cáo.
Tác giả: Khánh Ngọc
Nguồn tin: Báo Infonet