Kinh tế

Nhập nhằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế ở chợ thành phố Hà Tĩnh

Không những chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, Ban quản lý (BQL) chợ TP Hà Tĩnh còn né tránh các quy định của Pháp lệnh Thuế về kê khai các khoản thu và không thu bằng biên lai thuế.

Từ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ thuế…


Ban quản lý chợ thành phố là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND thành phố Hà Tĩnh, thực hiện nhiệm vụ điều hành các hoạt động kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… tại chợ Hà Tĩnh, chợ cầu Đông, chợ Bắc Hà và chợ gia cầm. Theo quy định, số % để lại cho BQL chợ/tổng thu phí, lệ phí là 60/40 (năm 2013 tỷ lệ trên được điều chỉnh lại là 80/20).


Báo cáo của BQL chợ thành phố, năm 2012, tổng thu từ ngân sách (các khoản phí và lệ phí) gần 11 tỷ đồng, chiếu theo quy định thì đơn vị được giữ lại 60% để trang trải hoạt động, 40% (khoảng 2,8 tỷ đồng) còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước. Song, đến thời điểm hiện tại, BQL chợ thành phố chỉ mới đóng nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng.


Sau nhiều lần đôn đốc bất thành, Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh đã tiến hành phát lệnh cưỡng chế tại Ngân hàng No&PTNT – Chi nhánh Thành Sen và Ngân hàng No&PTNT thành phố Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Thuế Hà Tĩnh, các biện pháp cưỡng chế nợ đối với BQL chợ thành phố đến nay không phát huy được tác dụng, bởi sau khi có lệnh cưỡng chế, đơn vị không tiến hành nộp tiền vào Kho bạc nhà nước và các tài khoản đã mở trước đó!?


Theo ông Nguyễn Duy Hòa – Trưởng BQL Chợ Hà Tĩnh: Nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do tăng lương tối thiểu và hụt thu theo dự toán. Trong khi, số lượng lao động và các chi phí khác không ngừng tăng thì mức thu các loại phí và lệ phí đang áp dụng thu tại chợ lại đang theo Quyết định 28, ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh, thấp hơn so với thực tế nên dẫn đến tình trạng bội chi. Hiện tại, việc thu phí tại chợ hàng tháng chỉ đủ để trang trải tiền lương, BHXH, tiền rác, tiền nộp ngân sách theo quyết định của năm 2013, không có nguồn để trả nợ năm 2012.


Cũng theo ông Hòa: “Nếu chúng tôi nộp tiền vào kho bạc hoặc các tài khoản đã mở trước đó thì bị Chi cục Thuế truy thu. Biết làm như thế là không đúng, nhưng thà mình nợ ngân sách nhà nước còn hơn nợ lương người lao động. Nếu không có tiền chi trả cho các dịch vụ khác, thì họ ngừng cung cấp điện, nước, rác thải không được thu gom vài ngày là mất ổn định ngay”.


Do không cân đối được thu chi nên đơn vị không thể đủ nguồn để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, BQL chợ thành phố đã nhiều lần kiến nghị với UBND thành phố để điều chỉnh mức thu, hỗ trợ, tạo điều kiện để hệ thống chợ trên địa bàn thành phố hoạt động bình thường, không gây mất ổn định, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH thành phố. Nhưng sau nhiều lần kiến nghị, TP Hà Tĩnh vẫn chưa có động thái nào để giúp đơn vị giải quyết khó khăn.


… Đến những nhập nhằng trong kê khai nộp phí


Lãnh đạo Chi cục Thuế thành phố cho rằng, BQL chợ thành phố không những nợ thuế mà còn kê khai không đủ, thu phí, lệ phí một số không bằng biên lai theo quy định. Cụ thể, tổng số thu lệ phí theo báo cáo của BQL chợ thành phố từ tháng 1 – 10/2012 hơn 12 tỷ đồng, trong đó 3,1 tỷ đồng là thu đầu tư xây dựng, còn 8,9 tỷ đồng thuộc phí, lệ phí thu khác.

Nhập nhằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế ở chợ thành phố Hà Tĩnh

Trong năm 2011, 2012, BQL chợ chỉ mới kê khai quyết toán phí đổi phí, thuê địa điểm kinh doanh, phí trông giữ xe, còn các khoản thu khác chưa kê khai quyết toán

Trong tổng số phí, lệ phí được thu nói trên, BQL chợ thành phố chỉ thu bằng biên lai loại có mệnh giá 44.760 số với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng, số còn lại BQL chợ TP Hà Tĩnh thu bằng phiếu thu riêng của đơn vị. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2013, đơn vị đã thu hơn 4,6 tỷ đồng tiền phí, lệ phí bằng phiếu thu riêng này.


Bên cạnh đó, theo Pháp lệnh phí, lệ phí được ban hành, BQL chợ đã không kê khai tiền thu phí vệ sinh, phí dịch vụ bảo vệ và thu khác. Trong năm 2011, 2012, BQL chợ chỉ mới kê khai quyết toán phí đổi phí, thuê địa điểm kinh doanh, phí trông giữ xe, còn các khoản thu khác chưa kê khai quyết toán với Nhà nước số tiền đã thu trong năm 2011 hơn 3,3 tỷ đồng, năm 2012 gần 3,4 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2013 hơn 2,2 tỷ đồng. Theo phản ánh của cán bộ thuế TP Hà Tĩnh, toàn bộ số tiền trên được BQL chợ giữ lại 100% để tọa chi.


Lãnh đạo BQL chợ TP Hà Tĩnh lại cho rằng, đơn vị đang hoạt động dựa trên Quyết định 70/2012 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh phí, lệ phí trên địa bàn. Theo đó, BQL chợ chỉ phải kê khai các khoản thu điểm kinh doanh trong đình và các ốt tại chợ, hộ kinh doanh không cố định ngoài đình chợ và phí trông giữ xe máy. Các khoản thu còn lại, do không nằm trong quy định nên BQL chợ không kê khai theo yêu cầu của ngành thuế.


“Thực ra các khoản thu từ phí vệ sinh, dịch vụ bảo vệ là do đơn vị linh động thực hiện để cải thiện đời sống cho anh em” – Trưởng BQL chợ Nguyễn Duy Hòa cho biết thêm.


Riêng đối với việc thực hiện thu theo hóa đơn thuế, ông Nguyễn Duy Hòa cho rằng, do đặc thù hoạt động, kinh doanh tại chợ, đơn vị chỉ 10 ngày mới thu tiền một lần và thu tiền giữ xe, các khoản thu khác với mệnh giá thấp nên BQL chợ dùng phiếu thu của mình để tiện quản lý.


Thay lời kết


Như vậy, BQL chợ thành phố đang dựa vào Quyết định 70 của UBND tỉnh và những khó khăn trong điều hành, quản lý để lý giải cho việc làm của mình, còn ngành Thuế lại cho rằng, BQL chợ đã vi phạm pháp lệnh về phí và lệ phí và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.


Thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc để hỗ trợ BQL chợ tìm ra phương án giải quyết thấu đáo, sớm vượt qua khó khăn, đồng thời giải quyết dứt điểm sự nhập nhằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.


Ngô Tuấn

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP