Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm của lớp 3/2, Trường Tiểu học Hòa Bình, TP.HCM, anh Võ Quốc Bình - một phụ huynh của lớp đã không đồng ý với Thư ngỏ của ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp về việc mỗi phụ huynh đóng 400.000 để lót sàn gỗ cho lớp.
Vị phụ huynh này cũng vừa có đơn Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh (mà anh gọi là Hội Phụ huynh).
Lý do anh Bình đưa ra là tổ chức này thực chất không hoạt động đúng tôn chỉ, mà chỉ lập ra để vận động phụ thu và quyên góp của các phụ huynh khác những khoản tiền không được phép vận động (xem chi tiết tại đây)
Chiều 21/9, trao đổi với VietNamNet, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) cho biết: Từ lâu, trường đã yêu cầu phụ huynh muốn thay đổi kết cấu trong lớp phải tham khảo ý kiến của Ban Giám hiệu. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 đã sai khi lấy ý kiến rộng rãi của phụ huynh trước khi tham khảo ý kiến nhà trường.
Lẽ ra, việc lấy ý kiến và cách tổ chức nên theo tinh thần "ai có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu", hoặc nếu tất cả phụ huynh trong lớp đều đồng ý thì mới chia đều số đóng góp. Thế nhưng, ban đại diện cha mẹ học sinh lại chia trung bình cho mỗi phụ huynh 400.000 đồng.
|
Theo ông Huệ, việc lót sàn gỗ là mong muốn của phụ huynh cho con em được hưởng thụ điều kiện tốt. Đó là điều bình thường.
Nếu phụ huynh muốn là quyền của phụ huynh, còn nhà trường không chủ trương thu hay yêu cầu đóng góp bất cứ điều gì.
"Từ khi tôi về trường công tác năm 2011 tới nay, trường không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Còn ở các lớp, theo uy định của Điều lệ Hội cha mẹ học sinh thì có quyền vận động để tổ chức các hoạt động cho học sinh, nhu cầu học tập cho con em ở lớp” – ông Huệ nói.
Ông Huệ cũng cho biết thêm, trong 38 phiếu phát ra cho phụ huynh của lớp 3/2 về lót sàn gỗ thì có 35 phiếu đồng ý, còn 3 phiếu không đồng ý.
Trong 3 phụ huynh không đồng ý, có 2 phụ huynh ghi là “không đồng ý”, còn 1 phụ huynh ghi vào phiếu “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ, tiền cơ sở vật chất đâu”.
Khi biết được thông tin này, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu hội phụ huynh của lớp ngừng lại.
"Ông bố Sài Gòn đòi giải tán hội phụ huynh là không dũng cảm" "Tôi cũng giống anh. Hồi đó, lớp của con tôi thu quỹ ban phụ huynh nhưng chi tiêu rất không hợp lý." |
Về đề xuất giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Huệ nhìn nhận:
“Đây là quyền của phụ huynh và là ý kiến cá nhân nên trường không can thiệp. Phụ huynh có quyền có ý kiến, có quyền góp ý với Chính phủ. Còn thực hiện nay không là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chứ bản thân tôi và nhà trường không có ý kiến gì”.
Trước đó, trao đổi với báo chí về hiện tượng "lạm thu" đầu năm học, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận: Câu chuyện lạm thu đầu năm học năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”, gây ra những phản ứng trong dư luận.
Theo ông Khánh, để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành giáo dục các địa phương.
Về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã “vô tình” để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội.
Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính VOV: Từ thực tế tình trạng lạm thu ở một số trường hiện nay, cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để hạn chế được tình trạng lạm thu trong các nhà trường? Ông Trần Tú Khánh: Thứ nhất người đứng đầu cơ sở giáo dục phải quán triệt và nghiêm túc thực hiện việc này. Đại diện hội cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh phải là người đấu tranh và đặc biệt là phải am hiểu các quy định của Thông tư 55 đối với hội cha mẹ học sinh để biết được là nghĩa vụ mình phải đóng cái gì và đóng theo hình thức, nguyên tắc như thế nào. Còn các khoản thu ngoài thì không thể mượn danh hội cha mẹ học sinh và phụ huynh để mà thu như thực tế đã diễn ra. |
Vì sao anh phản đối Ban đại diện cha mẹ học sinh? Phụ huynh Võ Quốc Bình: Hội Phụ huynh học sinh thực chất không hoạt động đúng tôn chỉ qui định mà chỉ lập ra để vận động phụ thu và quyên góp của các phụ huynh khác những khoản tiền không được phép vận động. Hội Phụ huynh học sinh cũng không đứng về đại đa số phụ huynh học sinh mà như là cánh tay nối dài của nhà trường để tận thu, tôi gọi là BOT trường học. Tôi thấy bất cứ khoản gì từ đầu tư thiết bị trường học đến các công trình, vật tư, phòng ốc... cũng do Hội Phụ huynh học sinh vẽ ra, nhưng nếu không có sự "thông đồng" của nhà trường thì làm sao phụ huynh học sinh biết chính xác những vấn đề hay những hạng mục này mà vận động quyên góp. Phán đối đóng góp và giải tán Hội Phụ huynh, anh có sợ con sẽ bị “đì” không? - Không! Ngoài dạy chữ nhà trường còn dạy đạo đức. Nếu vì vậy mà con tôi bị đì thì còn gì là giáo dục, là sự nghiệp trồng người. Nếu con bị đì, tôi sẽ khởi kiện nhà trường. Và nếu thật sự bị đì thì tôi không còn tin tưởng và môi trường này không xứng đáng để con tôi cũng như con các phụ huynh khác cho con theo học. Ngoài những điều không tốt của Hội Phụ huynh, chắc anh cũng không phủ nhận mặt tốt của Hội như chăm lo cho học sinh đúng không? - Hội Phụ huynh không có bất cứ mặt tốt nào, vì Hội chưa bao giờ kết nối hay quan tâm đến con em của phụ huynh khác. Tôi có 2 đứa con, một đưa học lớp 8, một đứa học lớp 3, ngoại trừ khi đi học đóng tiền theo sự vận động của Hội Phụ huynh là chấm hết. Bao nhiều năm rồi tôi chịu không được nữa. Không phải vì tôi không có tiền, trái lại tôi khá thoải mái về tài chính, nhưng ngay từ đầu họp phụ huynh tôi đã không công nhận Hội Phụ huynh học sinh. Tôi nghĩ nếu nhà trường thực sự cần vận động, cần ủng hộ thì cứ minh bạch ra văn bản. Tôi có khả năng thì đóng góp, không có thì thôi. Còn không nên cào bằng như hội phụ huynh học sinh trá hình. Anh nghĩ việc phản đối của mình sẽ có kết quả thế nào? - Một phụ huynh của trường nhắn tin cho tôi “sẽ không thành công một sớm một chiều đâu”, nhưng tôi đấu tranh cho xã hội và cái tốt. Tôi cần cần sự ủng hộ của dư luận, của quý phụ huynh và của ngành giáo dục vì điều đúng đắn. Tôi cũng sẽ kiên nhẫn để theo. Ý của anh là muốn giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ trong lớp con anh hay rộng hơn? - Nếu Hội Phụ huynh hoạt động sai với tiêu chí đã đề ra thì kiến nghị dẹp bỏ, mà chắc chắn là Hội hoạt động không đúng tiêu chí rồi. Thay vào đó, nên thành lập ban giám sát chung để giám sát các hoạt động của nhà trường. Ban giám sát bao gồm các phụ huynh có uy tín và đại diện nhà trường, nhưng nhất định phải hoạt động theo đúng điều lệ chứ không phải chỉ có nhiệm vụ duy nhất là quyên góp, phụ thu. Tôi nghĩ giải tán Hội Phụ huynh ngay thời điểm này là cần thiết, vì cần phải lập lại trật tự, không để trường học có nơi để nối dài cánh tay lạm thu và có chỗ để đá bóng trách nhiệm. |
Tác giả: Tuệ Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet