TX Hồng Lĩnh

Nhà sản xuất C2 “tố” khách hàng đòi 40 triệu để lấy chai nước bị lỗi

Một khách hàng ở tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện vật lạ trong chai nước C2 chưa mở nắp và đã gửi đơn khiếu nại đến công ty URC và phía nhà sản xuất là Công ty URC thừa nhận đó là sản phẩm do Công ty sản xuất.

Cặn xỉ trong chai C2Tháng 5/2014, anh Phạm Hồng Phong, trú tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh có mua một lốc (loại 6 chai) nước giải khát C2 hương chanh 360ml, hạn sử dụng từ 12/4/2014 đến 12/4/2015 – sản phẩm do Cty TNHH URC Việt Nam sản xuất.Trong quá trình sử dụng, ông Phong thấy chai nước có hiện tượng lạ, nổi váng hình nấm trong khi nắp chai vẫn còn nguyên. Nghi ngờ chất lượng sản phẩm, khách hàng này không mở nắp sử dụng mà để nguyên và thông tin đến nhà sản xuất theo số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm.Ngày 31/3/2015 vừa qua, ông Phong đã đồng ý giao chai nước trên cho nhà sản xuất.

Trong biên bản làm việc ghi rõ, “V/v: Giải quyết khiếu nại kháchh hàng (lần 1)” với nội dung: “Khách hàng Phạm Hồng Phong mua 1 sản phẩm C2 360ml. Ngày sản xuất 12/04 ngày hết hạn sản phẩm 12/04/2015, sản xuất vào lúc 12 giờ 06 phút. Phát hiện sản phẩm bị đóng cặn xỉ trên phai màu vàng…”.

Biên bản làm việc giữa đại diện nhãn nước uống C2 với khách hàng tại Hà Tĩnh ngày 31.3. (biên bản làm việc do đại diện URC cung cấp).

Theo quy trình GQKNKH, công ty URC mong muốn đón nhận lại sản phẩm bị lỗi về phân tích nguyên nhân và trả lời khách hàng bằng văn bản.

Người tiêu dùng đồng ý giao lại sản phẩm cho đại diện của công ty là ông Trần Sâm về công ty để phân tích nguyên nhân và có văn bản trả lời NTD vào ngày 10/4/2015”

Nhà sản xuất “tố” khách hàng đòi 40 triệu

Để tìm hiểu vì sao vụ việc xảy ra từ tháng 5/2014 mà đến tận tháng 3/2015 mởi giải quyết, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Phước Quý Trường, Giám đốc Marketing Công ty URC cho biết, thực ra Công ty URC cũng đã làm việc với khách hàng vài lần. “Lần đầu tiên khách hàng không đưa mẫu ra. Lần thứ 2 khách hàng có đưa mẫu và yêu cầu công ty trả 40 triệu đồng, nhưng công ty URC chỉ ghi nhận lại thông tin. Lần tiếp theo URC khách hàng vẫn đòi 40 triệu đồng, nhưng công ty đã giải thích nguyên tắc làm việc của công ty chỉ là gặp khách hàng xin mẫu để phân tích và sẽ hỗ trợ bằng những sản phẩm khác thay thế. Và ngày 31/3/2015 vừa qua, đại diện URC tiếp tục liên lạc với ông Phong lần nữa thì lần này ông Phong đã đồng ý”, ông Trường nói.

Tuy nhiên, trái ngược với cáo buộc “đòi” 40 triệu như đại diện nhà sản xuất thông tin, ông Phạm Hồng Phong lại khẳng định, ông mới chỉ gặp đại diện của URC 3 lần. “Lần 1, tôi chỉ gặp họ có 3 phút, lần 2 có đưa sản phẩm và công ty URC có xác nhận là sản phẩm là của công ty và chưa bị mở nắp. Lần thứ 3 là ngày 31/3/2015 vừa qua. Quyền lợi của khách hàng được đặt lên hàng đầu. Nếu tôi gây nguy hại đến công ty URC thì URC sẽ kiện tôi và bắt tôi bồi thường. Vậy URC làm nguy hại đến người tiêu dùng thì ai sẽ là người đứng ra bồi thường cho khách hàng, hay khách hàng luôn luôn là người có lỗi”, ông Phong đặt câu hỏi.

Trước đó, dư luận cũng xôn xao việc khách hàng tại Tiền Giang dính vòng lao lý khi bị cáo buộc ép nhà sản xuất nước giải khát trao 500 triệu để đổi lại chai nước có vật lạ bên trong. Theo luật gia Võ Xuân Đạt, có nhiều tình huống mà khách hàng có thể yêu cầu nhà sản xuất phải bồi thường. Cụ thể, nếu nhà sản xuất có ký hợp đồng với đại lý, và khi nhận hàng về đại lý phát hiện sản phẩm bị lỗi thì có thể căn cứ vào các điều khoản quy định trong hợp đồng để thương thảo việc bồi thường. Đối với trường hợp khách hàng cá thể, đi mua sản phẩm ở bên ngoài và phát hiện bị lỗi thì việc yêu cầu bồi thường là bình thường. Tuy nhiên, nếu khách hàng lợi dụng sản phẩm có khiếm khuyết để ép bồi thường, yêu cầu thế nọ thế kia, tức là những yêu cầu vô lý và dùng các hành vi nhằm đạt mục đích thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cần phải được xử lý.

Thông tin vụ việc sẽ tiếp tục được PV ANTT cập nhật trong những bản tin sau…

Thủy Tiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP