Ngày 11/1, tại hội thảo Giáo dục giá trị trong nhà trường, PGS Trần Thị An (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tính thực dụng trong giáo dục đang là vấn nạn khó giải.
"'Học để làm gì' là câu hỏi có tương đối đáp án chung 'là vì điểm số, có hồ sơ đẹp' để đạt mục đích cụ thể nào đó như vào được trường tốt, ra trường dễ xin việc", bà nhận xét và so sánh mục đích này như một người bẻ ghi, hướng tất cả đoàn tàu học đường đến các ga định sẵn, chung cho tất cả.
PGS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Tính thực dụng biểu hiện ở việc học theo bài văn mẫu hay việc dạy thêm, học thêm tràn lan, việc quay cóp trong thi cử, chạy điểm, sửa hồ sơ. "Văn mẫu" đã tạo nên những dấu hằn trong nhân cách học sinh từ tấm bé và ngày càng sâu sắc, nhiều biến tướng khi học sinh trưởng thành.
"Làm sao để điểm số tương xứng với thực chất, và ngay cả khi thực chất đi chăng nữa thì làm sao để xác định mục đích học không phải là điểm số? Câu hỏi không dễ trả lời", bà An nhận định.
Bên cạnh đó, trong một thập niên gần đây, bệnh hình thức trong giáo dục trở thành thực trạng phổ biến. Tình trạng này thể hiện ở nhiều khía cạnh: từ hồ sơ sổ sách, danh hiệu phong trào, điểm số cao ngất trời, chương trình giáo dục... đến các sự kiện khai giảng, hội thi, hoạt động dự giờ, giảng mẫu, thi cử, ôn bài, chấm điểm.
Ở góc nhìn khác khi nói về thực tế hâm mộ thần tượng của giới trẻ, Thạc sĩ Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội) nhận định đây là một việc thực hành văn hóa nổi bật hiện nay. Bởi làn sóng văn hóa nước ngoài du nhập, tác động mạnh mẽ vào Việt Nam.
Nếu như trước đây những anh hùng, lãnh tụ, nhà bác học được coi là thần tượng thì giới trẻ hiện nay ngưỡng mộ các ca sĩ, diễn viên, cầu thủ. Họ cho thấy những đối lập trong quan niệm về sự thành công, sự nổi tiếng với thế hệ trước.
"Giới trẻ cho thành công là dám theo đuổi ước mơ và hiện thực hóa được ước mơ của mình. Thành công là trở nên được nổi tiếng, thể hiện tài năng, phong cách", bà Hà nhận xét.
Thạc sĩ Đinh Việt Hà nói về thực tế hâm mộ thần tượng của giới trẻ. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Theo bà Hà, việc áp dụng một cách rập khuôn hay áp đặt rằng hệ giá trị của cha mẹ cho học sinh là điều không nên, sẽ dễ tạo ra những lệch chuẩn không mong muốn.
"Có bạn trẻ nói với tôi rằng, từ ngày hâm mộ một ca sĩ nổi tiếng bạn ấy trở nên năng động, cởi mở và mạnh dạn hơn rất nhiều. Bố mẹ thay vì cấm đoán, hãy trở thành những người bạn chia sẻ và định hướng cho con đến những hình mẫu tích cực", bà Hà nêu quan điểm.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng chỉ ra hiện tượng xuống cấp về văn hóa và đạo đức trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Thực trạng này đặt ra cho nhà trường, các nhà giáo dục nhiều câu hỏi.
Cũng theo các đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nếu có những giải pháp lớn về giáo dục thì đây là cơ hội kịp thời để đưa vào chương trình và sách mới.
Hội thảo trên do Viện Nghiên cứu giáo dục và Giao lưu quốc tế (Đại học Huế) phối hợp với trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP HCM (Bộ Giáo dục) tổ chức. Hơn 200 báo cáo, tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà giáo tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đã gửi đến chương trình.
Tác giả: Mạnh Tùng
Nguồn tin: Báo VnExpress