Nhân ái

Người cựu binh ung thư khốn khổ nuôi con trai tâm thần và mẹ già 90 tuổi

Mắc căn bệnh ung thư dạ dày và hở van tim 2 lá từ đầu năm 2018, thay vì được chăm sóc ở bệnh viện thì ông Dung cứ nằng nặc xin về nhà. Thân mang bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn là trụ cột gia đình cho người mẹ già 90 tuổi, người vợ tật nguyền và đứa con trai tâm thần.

Theo địa chỉ ghi trên lá đơn kêu cứu, chúng tôi tìm về khu 16 (chiến khu Vạn Thắng, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), nơi người cựu binh Vũ Văn Dung (65 tuổi) đang trú ngụ. Đón chúng tôi từ đầu ngõ là người phụ nữ lam lũ với bước chân tập tễnh, trên đường dẫn vào nhà, bà sụt sùi khóc.

“Mấy hôm nay mẹ con tôi tưởng ông ấy chết, ông ấy cứ ôm bụng quằn quại rồi lả người ra. May mà gọi được người đến, đang truyền thuốc giảm đau cho ông ấy,… Cứ như thế này thì nhà tôi không biết cầm cự được được đến bao giờ...?”.

Được chuẩn đoán mắc ung thư dạ dày và hở van tim 2 lá từ đầu năm 2018, thay vì nằm viện chữa trị, nhưng bởi gia cảnh quá khó khăn, mà ông Dung xin về nhà chấp nhận sự đau đớn dày vò.

Những tiếng than vãn não nề của người đàn bà tật nguyền khiến bước chân chúng tôi gấp gáp hơn. Chừng vài phút sau, căn nhà cấp 4 cũ kỹ của ông bà đã hiện sau con dốc.

Trên chiếc giường ọp ẹp được kê ngay sát tường nhà loang lổ, ông Dung đang nằm thiêm thiếp cánh tay phải vẫn đang cắm ống truyền dịch. Ngồi bên là người mẹ già năm nay đã 90 tuổi, vừa bóp chân, bóp tay cho con vừa liên tục lầm rầm, giọng lúc to, lúc nhỏ như đang cầu cho con trai sớm tai qua nạn khỏi.

Dù mang căn bệnh mà thần chết có thể gọi tên bất cứ lúc nào, nhưng ông Dung vẫn đang là chỗ dựa của người mẹ già 90 tuổi, người vợ tật nguyền và người con trai tâm thần thường xuyên lên cơn động kinh.

Người cựu binh hé nhìn chúng tôi bằng ánh mắt mệt mỏi, cố chống tay ngồi dậy nhưng không nổi lại đổ vật xuống giường. Phải ghé tai thật sát tôi mới nghe được những lời ông nói.

Kí ức về những năm tháng hào hùng thời quân ngũ, những ngày tháng mưu sinh cơ cực, rồi bệnh tật dày vò,… được ông giãi bày bằng giọng nói thều thào, yếu ớt thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi những cơn ho không ngớt.

Như bao trai tráng khác, tháng 2 năm 1975 ông Dung hăm hở nhập ngũ, sau thời gian ngắn huấn luyện đơn vị của ông được chi viện ngay cho chiến trường Miền Nam, nơi chiến sự đang diễn ra vô cùng ác liệt.

Những kí ức hào hùng của một thời quân ngũ, là động lực người cựu binh này vượt qua đau đớn.

Đến năm 1978 ông Dung ra quân, được nhận vào làm công nhân nuôi bò ở nông trường Vạn Thắng, (thuộc xã Đồng Lương)… Rồi xóa bao cấp, nông trường giải thể, ông về hưu "non", còn bà cũng về nghỉ. Được cấp vài sào đất đồi cằn cỗi, cứ thế ông bà tằn tiện sống qua ngày.

Người mẹ 90 tuổi luôn cầu Trời khấn Phật cho người con trai tai qua nạn khỏi.

Đang trò chuyện, bỗng nghe những tiếng chân chạy “uỵch, uỵch…” về nhà, quần bẩn thỉu, nhàu nhĩ ôm đầu lăn lộn, giãy giụa dưới sàn nhà ngay sát chân giường ông Dung đang nằm dưỡng bệnh. Trong khoảnh khắc chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì bà Trần Thị Việt, (68 tuổi, vợ ông Dung) buồn bã nói:

“Nó là thằng Hưng con trai duy nhất của tôi với ông ấy, em nó bị tâm thần lại hay lên cơn động kinh. Đây là lần thứ 2 trong ngày hôm nay rồi, một tí nữa là em nó lại tỉnh thôi, mọi người đừng sợ. Những hôm gió mùa đông bắc thì có khi một ngày em nó lên cơn đến năm, sáu lần, lăn lộn, sứt sẹo mặt mày, quần áo rách hết,… Nhìn con như thế tôi xót lắm, nhưng cũng không biết phải làm thế nào…”

Người con trai duy nhất của 2 ông bà thì bị tâm thần và ngày nào cũng lên cơn động kinh.

Sau một hồi giãy giụa, anh Hưng lồm cồm bò dậy, cơn động kinh để lại trên đầu người thanh niên bất hạnh một vết trầy xước vẫn còn đang rỉ máu, bộ quần áo mặc trên người vốn đã rách, giờ nát tươm như xơ mướp. Ân cần kéo con vào lòng chăm sóc, vỗ về mà lòng bà Việt tan nát, những giọt nước mắt đau đớn lại chảy túa ra đầm đìa trên gương mặt lam lũ.

Hình ảnh tiều tụy của người thanh niên bất hạnh.

Sinh ra vốn bị tật ở chân nên bà Việt đi lại hay làm lụng rất khó khăn. Trong khi ở làng các cô gái cùng trang lứa đều đã có chồng con đề huề, thì bà Việt vẫn không có người đàn ông nào ngỏ ý. Rồi bà xin làm công nhân trồng chè ở nông trường Vạn Thắng, tình cờ bà gặp ông Dung đã một lần “đổ vỡ”. 2 người nhanh chóng nên vợ nên chồng, khi ấy bà Việt đã gần 30 tuổi… 3 người con gái của ông bà không ai học hết lớp 5, nên đều sớm lấy chồng nghèo khó.

Ông Dung từ ngày rời quân ngũ trở về sức yếu hẳn. Có lẽ do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, vì một thời gian dài đơn vị ông đóng quân ở sân bay Đà Nẵng.

Để trang trải cuộc sống và chăm sóc đứa con bệnh tật, dù ốm yếu, tật nguyền thì 2 ông bà vẫn thay nhau lóc cóc đạp xe đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” nhặt nhạnh ống bơ, chai, lọ thủy tinh, giấy vụn, sắt vụn,… Nhiều năm trở lại đây cuộc sống của gia đình ông bà trông cả vào công việc khó nhọc này, nên chật vật vô cùng.


Dù bị tật ở chân, nhưng bà Việt vẫn đạp xe khắp “hang cùng ngõ hẻm” thu mua phế liệu. Cũng đã gần 70 tuổi, bà Việt còn đủ sức làm công việc khó nhọc này đến bao giờ?!...

Nhưng chưa dừng lại ở đó, số phận trớ trêu đã đẩy họ đến sự cùng cực, đầu năm 2018 người đàn ông trụ cột gia đình được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày và hở van tim 2 lá. Sau ca phẫu thuật dạ dày giữ được mạng sống, ông Dung nhất quyết xin về nhà chấp nhận sự đau đớn dày vò…

Bệnh tật, đói nghèo bủa vây gia đình này khốn khó này sẽ cầm cự được đến khi nào?!...

Ông Bùi Quang Thức, trưởng khu Vạn Thắng chia sẻ: “Gia đình ông Dung nhiều năm nay đã rất khó khăn, năm ngoái ông Dung lại mắc bệnh hiểm nghèo thì lại khó khăn gấp bội.

Khi ông Dung bị bệnh, địa phương cũng đã vận động quyên góp giúp đỡ ông ấy, nhưng là địa phương nghèo nên sự trợ giúp cũng rất hạn chế. Qua đây, là đại diện chính quyền địa phương, tôi mong mỏi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình ông Dung vượt qua cơn bĩ cực này”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Ông Vũ Văn Dung, Khu 16 (chiến khu Vạn Thắng), xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

ĐT: 0343959608

Tác giả: Hương Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: ung thư , Phú Thọ , cựu binh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP